Cần bỏ hình ảnh phản cảm trên truyền hình
Nền kinh tế thị trường phát triển, nhu cầu quảng cáo của các doanh nghiệp tăng cao. Xen giữa những bộ phim, những chương trình giải trí hấp dẫn, ở những khung giờ vàng là những quảng cáo. Sẽ không có gì đáng lên án nếu như quảng cáo đó đúng luật và không gây phản cảm.
Ảnh chụp từ quảng cáo nước tăng lực gây phản cảm.
Dư luận gần đây khá bức xúc với quảng cáo “uống đi cho khỏe” của một nhãn hiệu nước uống tăng lực. Quảng cáo này được phát đi phát lại với tần suất rất dày trong các khung giờ vàng. Đặc biệt là ngay sau chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam. Quảng cáo như một đoạn phim ngắn có bối cảnh nhà sàn của đồng bào ở phía Bắc, nhưng trang phục như “văn công” lại của đồng bào ở vùng Tây Nguyên. Trong khi giọng của nhân vật nữ là của người Hà Nội (dù mặc trang phục dân tộc) thì giọng của người nam lại cố tỏ ra như không sõi tiếng phổ thông. Đoạn hội thoại được nhấn đi nhấn lại với các câu hỏi: “mình đi đâu đấy” của người nữ, và bất kể câu trả lời của người nam là “lên núi”, “lên nóc nhà”, hay “lên giường” thì câu nói của người nữ cũng là “mình uống đi cho khỏe” và động tác chìa lon nước tăng lực ra. Hình ảnh gợi sự dung tục cao trào khi người nam sán đến bên người nữ, nguýt người nữ kèm theo câu: “mình cũng uống đi cho khỏe” gợi cảnh phòng the vợ chồng.
Quảng cáo vào giờ vàng, khi các gia đình đang quây quần bên mâm cơm. Có gia đình có ba thế hệ ngồi ăn và xem quảng cáo này. Người lớn thì sượng sùng, trẻ con thì chả hiểu ra làm sao có loại nước “thần kỳ” ấy. Nói quảng cáo này vi phạm pháp luật thì rất khó chứng minh. Nói vi phạm thuần phong mỹ tục, bôi xấu hình ảnh người dân tộc thiểu số thì cũng hơi kiêng cưỡng. Nhưng nói nó phản cảm thì đúng. Cũng chưa thể quy kết quảng cáo này vi phạm vào Khoản 3 Điều 8 Luật Quảng cáo: “Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Từ quảng cáo này lại khiến chúng ta nhớ tới quảng cáo của nhãn hiệu Coca Cola “Mở lon Việt Nam” ầm ĩ một dạo.
Cộng đồng mạng xã hội mấy ngày vừa qua cũng rộn ràng phê phán hình ảnh phản cảm, dung tục trong một chương trình gameshow trên VTV3. Đó là hình ảnh một cô gái dùng miệng và tay giữ củ cải trắng. Khi hình ảnh nằm trong chuỗi hình ảnh chuyển động của trò chơi truyền hình ấy thì không vấn đề nhưng khi cắt riêng ra lại dung tục một cách tối đa.
Ngoài hình ảnh, dư luận khán giả cũng hết sức thấy phản cảm với những ca khúc nổi tiếng bị “chế lời”. Ví như ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp được chế lời để đưa vào một clip quảng cáo phở. Trong quảng cáo dài gần 30 giây cho một thương hiệu phở ăn liền, ca sĩ H.N. xuất hiện trên sân khấu trong bộ trang phục áo dài cùng kiểu tóc người con gái Hà thành xưa thể hiện ca khúc với lời chế: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ phở Hà Nội. Sợi gạo mềm dai, ngọt thanh nước cốt. Trọn vẹn vị ngon của người Hà thành...”.
Doanh nghiệp đã ký hợp đồng bản quyền với con trai nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Điều đó thể hiện không có sự vi phạm pháp luật về tranh chấp sử dụng phần nhạc của ca khúc. Tuy nhiên, khi ca khúc đã in đậm trong lòng thính giả thì ca từ trở nên phản cảm. Trước những bàn tán xôn xao từ dư luận, đơn vị nắm giữ bản quyền ca khúc “Nhớ về Hà Nội” và đại diện đơn vị truyền thông của doanh nghiệp đã gọi điện xin lỗi ông Lưu Nguyễn (con trai nhạc sĩ Hoàng Hiệp).
Rất ít ca khúc sáng tác dựa trên tích chuyện dân gian trở nên nổi tiếng như ca khúc “Bống bống bang bang”. Ca khúc này do Only C sáng tác cho bộ phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” của Ngô Thanh Vân. Ăn theo ca khúc, một quảng cáo nhãn hiệu sữa rửa mặt đưa vào quảng cáo thành phiên bản “Vũ điệu diệt khuẩn” với ca từ vô bổ: “Ngày nay, nay ơi là nay, khi hè sang tận làng Ninja. Nhà kia có hai mẹ con tiêu diệt vi khuẩn đang quấy phá”…
Quảng cáo thành công là làm sao vừa tuân thủ pháp luật, vừa tôn trọng người xem. Với những quảng cáo phản cảm nêu trên, không biết là do doanh nghiệp “lỡ” làm hay do cố ý để gây sốc? Có thể quảng cáo và chương trình gameshow nêu trên sẽ gia tăng lượng khách hàng và lượng người xem, chứ không “bấm chuyển kênh”. Thế nhưng, sự phản cảm, sự dung tục đó sẽ gây tác hại không nhỏ tới trẻ em.
Trong khi Luật Quảng cáo chưa phân loại độ tuổi xem như đối với phim ảnh thì việc phát sóng vào những khung giờ vàng rất cần sự kiểm duyệt của Đài Truyền hình Việt Nam. Điều trớ trêu là những quảng cáo và chương trình gameshow phản cảm lại do khán giả phát hiện.