Quyết tâm để vượt lên chính mình
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, ngày 18/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải đảm bảo an ninh lương thực một cách vững chắc cho đất nước trong mọi tình huống. Đó cũng chính là bảo đảm cuộc sống sinh hoạt bình thường hàng ngày cho tất cả mọi người dân, không để ai bị đứt bữa.
Ứng dụng công nghệ mới đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong nông nghiệp.
Tình hình dịch do Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, vì vậy việc bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho bữa ăn hàng ngày của người dân là việc làm cấp bách. Không chỉ ở thành thị mà ở nông thôn, những vùng kinh tế - xã hội còn khó khăn, đặc biệt khó khăn thì vấn đề này lại càng cần thiết.
Trong “nguy” có “cơ”, với tinh thần và ý chí của người Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng việc bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân phải được đặt lên hàng đầu, tuy nhiên đây cũng là lúc nhìn nhận một cách rõ ràng hơn về chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp nước nhà; để trong bất cứ tính huống nào chúng ta cũng luôn chủ động. Tại Hội nghị trực tuyến sáng 18/3, Thủ tướng cũng đã chỉ ra một số tồn tại, bất cập cần khắc phục như liên kết sản xuất chuỗi gắn với vùng sản xuất, chế biến, tổ chức thị trường nhìn chung trên tất cả các ngành hàng còn yếu. Năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp do sản xuất quy mô nhỏ, manh mún. Ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa đạt tỉ lệ thấp, làm cho giá thành cao, khó cạnh tranh.
Đây cũng chính là những những điểm mấu chốt trong tái cơ cấu nông nghiệp của đất nước. Không đợi hết dịch mà ngay từ bây giờ cần phải xác định rõ ràng hơn, quyết tâm cao hơn để nông nghiệp nước nhà xứng đáng là “trụ đỡ” của nền kinh tế; biến “nguy” thành “cơ”. Thủ tướng cho rằng, trong tình hình hiện nay thử thách rất lớn. Nếu không xác định sự bức thiết về an ninh lương thực trong giai đoạn tới thì sẽ sai lầm trong chỉ đạo. Thủ tướng nhấn mạnh phải chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hằng năm và tăng cường khả năng dự trữ. Chuyển nhận thức phát triển nông nghiệp từ vai trò an sinh, đủ ăn thành nền nông nghiệp có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, hội nhập.
Trên thực tế, vấn đề tái cơ cấu nền nông nghiệp đã được đặt ra từ lâu. Kết quả đạt được đến đâu, bài học gì rút ra, kinh nghiệp gì cần được nhân rộng… dần dần sẽ được đúc kết. Tuy nhiên, thời gian cũng như tình hình gấp gáp không chờ đợi ai. Rất cụ thể là không thể để tái diễn mãi cảnh được mùa rớt giá, những đợt kêu gọi “giải cứu nông sản”; càng không thể để khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rộng lớn là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây của cả nước bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, nước biển dâng kéo theo mặn xâm nhập ngày càng sâu vào nội đồng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, vùng miền nào cũng cần tái cơ cấu, nhưng có lẽ cấp thiết hơn cả chính là ĐBSCL. Những ngày qua cả nước chứng kiến khu vực này khó khăn thế nào khi hạn kéo dài, mặn xâm nhập sâu; nước từ thượng nguồn sông Mekong về rất ít làm cho ĐBSCL thiếu nước ngọt, hao hụt nghiêm trọng lượng phù sa cũng như lượng thủy sản tự nhiên. Nhiều cánh đồng rộng lớn cằn khô, người nông dân khó khăn trên cánh đồng lẫn trong mảnh vườn của mình… Chính từ những khó khăn đó càng nổi lên vấn đề tái cơ cấu, chuyển dịch cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi để thích ứng với tình hình. Nếu không sẽ là vô cùng khó khăn cho vùng này, cũng có nghĩa là khó khăn cho cả đất nước vì rằng ĐBSCL ốm thì cả nước cũng yếu; vì rằng với diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, khu vực này chiếm 50% sản lượng lúa gạo, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây các loại của cả nước.
Để phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL trong điều kiện rất khó khăn, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Bộ đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành khác lập Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL. Trong đó, sản xuất nông nghiệp sẽ xoay trục từ cơ cấu sản xuất là lúa - trái cây - thủy sản, nhưng sau năm 2020 trục sản xuất sẽ là thủy sản - trái cây - lúa. “Muốn xoay được trục này, phải tận dụng được cơ hội, xác định nước ngọt, nước lợ, nước mặn đều là tài nguyên. Cùng với đó, hạ tầng nông nghiệp phải phục vụ được nhiệm vụ này. Nếu thủy lợi không phục vụ được thì không làm được vì hạ tầng quyết định tái cơ cấu”- theo ông Hiệp.
Ở khía cạnh khác, cùng với việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế thì sản xuất theo chuỗi liên kết là giải pháp quyết định hiệu quả và là chiến lược lâu dài của ngành nông nghiệp. Nói như Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, những địa phương hay mặt hàng nào chưa hình thành được chuỗi sản xuất thì hết khó khăn này cũng sẽ phải đối mặt những sự cố khác. Đây cũng chính là việc thoát khỏi lối sản xuất manh mún nhỏ lẻ nhiều rủi ro để tiến tới một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Nhưng, để đạt được điều đó không dễ dàng, mà đòi hỏi thay đổi tư duy một cách thực sự; dám nghĩ dám làm. Thực tế cho thấy, trong dịch Covid-19, ngành nông nghiệp là một trong số những ngành tổn thương rất lớn. Vì thế, để tái cơ cấu thành công không thể nói khác hơn là phải đủ bản lĩnh và quyết tâm để vượt lên chính mình; không bằng lòng với những gì đã có và càng không thể khoanh tay thúc thủ hay là kêu than chờ “giải cứu”. Và càng không thể để cụm từ tái cơ cấu như một khẩu hiệu mà nó phải hiện ra rất rõ ràng trên thực tế.