Đất Mẹ bao dung
Mấy ngày qua, hàng nghìn người Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới đã được đón về nước, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát. Đó là chính sách bảo hộ công dân hết sức nhân văn của Đảng và Nhà nước. Người dân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đều ủng hộ chủ trương trên, sẵn sàng dang rộng vòng tay đón những đứa con xa xứ về tránh cơn “bão dịch”. Với cách ứng xử nhân đạo, giàu tình nghĩa ấy của đồng bào trong nước, hầu hết những người trở về đều hết sức cảm động, song đáng tiếc lại cũng có một số người đã không nhận ra điều đó.
Để đảm bảo đưa người Việt Nam ở nước ngoài về an toàn, đồng thời phòng chống lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng xã hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra nhiều phương án cho từng tình huống cụ thể. Lực lượng công an, quân đội, y tế... đã được huy động số lượng lớn, thậm chí đã tính đến cả việc huy động lực lượng sinh viên y khoa hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19. Nhân lực đông đảo, vật lực dồi dào. Khá nhiều chủ khách sạn đã thể hiện sự đồng hành với Chính phủ trong phòng chống dịch bằng việc cho người cách ly ăn ở miễn phí.
Chưa hết, hưởng ứng lời phát động của Thủ tướng Chính phủ, giới showbiz (ca sĩ, người mẫu...) cũng đã tự nguyện đóng góp không ít thì nhiều, tạo thêm điều kiện vật chất để phòng chống Covid-19. Có những doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng để góp phần đảm bảo duy trì đủ kinh phí phòng chống Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp. Làm sao có thể kể hết sự chung vai sát cánh của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, để Chính phủ có thể thực hiện chính sách bảo hộ công dân, đón người Việt Nam ở nước ngoài về cách ly ăn ở miễn phí.
Đưa ra những dẫn chứng đó không phải để “so đo” với đồng bào ở nước ngoài về tránh dịch. Song, nói ra cũng để mọi người cùng hiểu rằng, Đất Mẹ luôn bao dung đối với những đứa con xa xứ, không bao giờ bỏ rơi khi họ gặp cơn nguy khốn cần đến sự che chở. Những người có may mắn được đón về nước tránh cơn bão dịch hiểu rằng, để có được những điều kiện ăn ở tốt nhất cho họ, cả xã hội đang phải gồng mình lên, mỗi người tự nguyện giảm bớt phần của mình san sẻ với đồng bào.
“Nhường cơm sẻ áo” là truyền thống tương thân tương ái, thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam. Không cần phải kể lể dài dòng thì hầu hết những người Việt Nam ở xa xứ cũng hiểu được tình cảm của Tổ quốc, của đồng bào trong nước dành cho họ, nên hết sức cảm động và biết ơn. Đáng buồn là vẫn có một số ít trong đó lại tự coi mình là những người “thượng đẳng”, rằng Tổ quốc và đồng bào trong nước phải có nghĩa vụ đón rước họ. Do vậy, những người này đã có cách hành xử đáng buồn và đáng trách.
Mới đây thôi, một nữ Việt kiều vừa đặt chân về đến sân bay đã lớn tiếng la lối om sòm, đòi hỏi thứ nọ thứ kia, rồi miệt thị những thứ mà đồng bào trong nước đã phải chắt chiu để dành cho những người như cô ta. Nào là chê bánh mì cứng không nuốt được, nào là sao cơ quan chức năng chậm trễ không đón cô ta đi cách ly ngay mà bắt đợi lâu thế... Chỉ riêng việc đòi hỏi thái quá của cô gái này trong trường hợp bình thường không có dịch đã không thể chấp nhận được, huống hồ vào lúc khó khăn này. Với số lượng hàng nghìn người đổ về nước như vậy thì làm sao mọi thứ có thể có “ngay và luôn” được?
Với một người Việt Nam yêu nước cần luôn ghi nhớ câu: Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc? Xin hỏi cô gái trên đã làm được gì cho Tổ quốc? Cô đã gửi rất nhiều ngoại tệ về xây dựng quê hương, hay đã làm rạng danh đất nước trên trường quốc tế? Việc đón cô về tránh dịch là chính sách nhân đạo của Nhà nước, chứ không phải việc để bất cứ ai có thể đòi hỏi này nọ.
Đó chỉ là một ví dụ buồn. Nhưng cũng rất đáng suy nghĩ. Đất Mẹ bao dung, không bỏ rơi nghĩa đồng bào; nhưng những người nhận được sự bao dung đó cần ý thức rất rõ trách nhiệm của mình. Phải hiểu rằng trong hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh, cả nước phải gồng mình lên chống dịch, thì mình phải góp tay vào cuộc chiến đấu chung đó, thay vì thái độ đòi hỏi một cách vô lý.
Thay vì đòi hỏi, hãy thể hiện bằng những việc làm thiết thực góp phần cùng Đảng, Nhà nước, cùng nhân dân chống dịch.