Mua sắm online hút khách
Trái ngược với sự ế ẩm của các cửa hàng mặt phố tại các đô thị lớn, thị trường mua sắm online lại khá sôi động. Tuy nhiên, dù tiện ích song mua hàng online cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, nếu không cẩn trọng người tiêu dùng rất dễ “sập bẫy”…
Ảnh: Quang Vinh.
Dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh ăn uống, mua sắm tại Hà Nội ngưng trệ, rất nhiều người đã phải sang nhượng mặt bằng hoặc đóng cửa do ế ẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng chuyển hướng mua sắm online để hạn chế đến các cửa hàng mua sắm trực tiếp, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh tăng
Rõ nhận thấy nhất là ở khu phố cổ Hà Nội, quận Hoàn Kiếm nơi du khách thường tập trung đông đúc, thì nay các con phố vắng hoe, hàng quán ăn uống đóng cửa, nhiều tiệm bán đồ lưu niệm, thời trang, mỹ phẩm… cũng tạm ngưng đón khách. Sáng 19/3, bà Nhâm Thị Nga, nhà số 27 Hàng Quạt cho biết: Sau khi Bộ Y tế cảnh báo về diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19, đồng thời đưa ra khuyến cáo tránh tụ tập đông người, khiến hoạt động kinh doanh của nhiều hàng quán, cửa hàng trong khu phố đều gặp khó khăn. Chủ cửa hàng thuê kinh doanh quần áo đã trả lại cửa hàng cho nhà tôi cả tháng nay.
Theo chị Lan, chủ một cửa hàng bán cà phê trên phố Hàng Đào, tình trạng vắng khách diễn ra từ khi dịch bệnh Covid – 19 bắt đầu bùng phát tại Vũ Hán, và tới khi dịch bệnh xuất hiện tại Hà Nội thì khách đến mua sắm hầu như không có. Trong khi đó, ở phố cổ giá thuê mặt bằng lại quá cao cộng với chi phí duy trì quán, bởi vậy chị quyết định tạm đóng cửa quán chờ qua đợt dịch bệnh. Còn chị Vân thuê cửa hàng kinh doanh thời trang trên phố Hàng Bông cũng đang tìm đối tác sang nhượng với giá rất mềm để mong vớt vát lại chút vốn, nhưng hai tuần nay không có người đến thương lượng. Các sản phẩm thời trang hạ giá tới 70% nhưng chẳng mấy ai hỏi mua.
Cùng với đó quán hàng kinh doanh tại các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội cũng trong tình cảnh đìu hiu khiến không ít các hộ kinh doanh giải thể, bỏ kinh doanh tăng mỗi ngày. Theo Cục Thuế Hà Nội, 2 tháng đầu năm 2020, có hơn 2.600 hộ kinh doanh giải thể, bỏ kinh doanh và 6.400 hộ kinh doanh nghỉ kinh doanh. Lượng doanh nghiệp giải thể, tạm nghỉ kinh doanh tăng từ 22% đến 37,8%.
Tình trạng trả lại mặt bằng kinh doanh hàng loạt gần đây được chuyên gia kinh tế - TS.Nguyễn Minh Phong nhìn nhận là việc chưa gặp bao giờ, điều đó chứng tỏ diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Đặc điểm của dịch Covid-19 là lây lan nhanh nên mọi người được khuyến cáo hạn chế đến chỗ đông người, đó chính là điều dẫn đến tình trạng kinh doanh ế ẩm.
Sôi động thị trường mua sắm online
Trái ngược với sự ế ẩm của các cửa hàng mặt phố, thị trường mua sắm online lại khá sôi động.
Cùng với các mặt hàng thực phẩm, trên các ứng dụng bán hàng online, những gian hàng bán khẩu trang, nước sát khuẩn, thực phẩm chức năng, mũ thời trang có kính nhựa ngăn virus…luôn hút khách.
Dù rất tiện ích song mua hàng online cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, nếu không cẩn trọng người tiêu dùng rất dễ “sập bẫy” của những đối tượng lừa đảo. Đơn cử như vài ngày qua trên mạng xã hội đăng tải rất nhiều hình ảnh quảng cáo các loại thẻ đeo kháng khuẩn có tác dụng như “lá chắn” chống virus Covid-19, có thể ngăn chặn mọi loại virus, vi khuẩn trong vòng vài mét... là không có căn cứ khoa học nhưng đã có không ít người đặt mua.
Theo luật sư Bùi Thế Vinh- Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Để tránh mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng, trước khi mua hàng online, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận. Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm như: Nguồn gốc xuất xứ, tính năng...Khi nhận hàng cũng phải kiểm tra kỹ hàng hóa rồi mới thanh toán tiền. Khi mua, nhận hàng từ các trang bán hàng trực tuyến, người mua cần giữ lại các chứng từ liên quan để có cơ sở giải quyết khi phát sinh tranh chấp.
Trong trường hợp người tiêu dùng gặp rắc rối về chất lượng sản phẩm khi mua hàng trực tuyến cần phản ánh đến các cơ quan chức năng như: Sở Công thương, Quản lý thị trường tỉnh, thành hay Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng ở các tỉnh, thành để được hỗ trợ, giải quyết.
25% người tiêu dùng tăng cường mua sắm online
Theo Nielsen – Công ty nghiên cứu thị trường và truyền thông toàn cầu: Dịch bệnh Covid – 19 dẫn đến thói quen sinh hoạt và tiêu dùng bị tác động đáng kể. Cụ thể, 47% người Việt đã thay đổi thói quen ăn uống, trong khi 60% số đó đã thay đổi các hoạt động giải trí/vui chơi. 70% người Việt đã xem xét lại kế hoạch du lịch của mình và 44% trong số đó cảm thấy nguồn thu nhập của họ đã bị ảnh hưởng. Những cửa hàng hiện hữu bị tác động mạnh, với 50% người dân đã giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống. Ngoài ra, 25% số người được hỏi cho biết đã tăng cường mua sắm online và giảm các hoạt động mua sắm bên ngoài.