Thay đổi cây trồng để thích ứng với khô hạn
Nhằm ứng phó với tình hình khô hạn, thiếu nước ngọt trong mùa khô hiện nay, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ đã khuyến cáo, vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, canh tác, sử dụng các loại cây trồng có khả năng chịu hạn tốt.
Đến nay, nông dân tại các quận, huyện của thành phố Cần Thơ đã xuống giống được hơn 2.269 ha vừng vụ Hè Thu 2020, cao hơn so với cùng kỳ năm trước là 1.713 ha; trong đó, chủ yếu là trồng vừng trên nền đất lúa, tập trung tại các quận Thốt Nốt, Ô Môn, huyện Cờ Đỏ và huyện Vĩnh Thạnh.
Vừng là loại cây trồng có khả năng chịu nắng hạn tốt nên thích hợp sản xuất trong vụ Hè Thu, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tránh nguy cơ bị thiếu nước tưới.
Nhằm ứng phó với hạn hán và mặn xâm nhập trong mùa khô, nhiều nông dân ở các địa phương của tỉnh Sóc Trăng cũng đã chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, việc đưa cây màu xuống chân ruộng, đặc biệt là cây dưa hấu đã và đang chứng minh được hiệu quả kinh tế. Theo bà con nông dân, thì dưa hấu là cây màu ngắn ngày, không sử dụng nước nhiều như lúa, nên rất phù hợp sản xuất vào mùa hạn mặn. Trung bình công (1.000 m2), đạt khoảng 3-4 tấn trái dưa hấu, bán với giá 4000đồng/kg thì người dân có thể thu về khoảng 10 triệu đồng.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Long An cũng đẩy mạnh việc nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới (lúa, thanh long, chanh,...) có năng suất, chất lượng cao thích nghi điều kiện canh tác (chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn), chế độ canh tác (ngập lụt, hạn) phục vụ sản xuất hàng hóa theo mô hình canh tác nông nghiệp thông minh với khí hậu được chú trọng để duy trì được năng suất cây trồng. Năm 2019, tỉnh Long An đã chủ động chuyển 2.500ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác: Thanh long 670ha, chanh 150ha, mít 383ha, dừa 365ha, bưởi 80ha, sầu riêng 40ha,...; chuyển sang nuôi và ươm giống thủy sản khoảng 1.100ha.