'Hồi sinh' loa phường
Tưởng như đã “chìm vào lãng quên”, thế nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 chiếc loa phường “xưa cũ” ngày nào bỗng chốc lại trở thành một kênh truyền thông hữu hiệu.
Loa phát thanh tại khu tập thể C4, Giảng Võ.
Nếu như cách đây chỉ gần một năm, chiếc loa phường tại C4, khu tập thể Giảng Võ (Hà Nội) là “ác mộng” của rất nhiều người. Thậm chí, tại các cuộc họp tổ dân phố trước đó đã có nhiều ý kiến đề nghị tháo bỏ “ký ức” một thời của Hà Nội này. Thì nay, trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, đặc biệt là số ca bệnh ngày một tăng tại khu vực Hà Nội thì chiếc loa phường bỗng chốc lại trở thành “người bạn” không thể thiếu mỗi ngày. Chia sẻ với PV báo Đại Đoàn Kết, bác Bình (cán bộ hưu trí, sinh sống tại nhà C4) cho biết, trước tình hình dịch bệnh bùng phát người dân sinh sống tại đây, đặc biệt là những người nghỉ hưu như chúng tôi phải từ bỏ thói quen tập trung, thay vào đó là tự tập thể dục ở nhà. Vừa tập thể dục, vừa có thể nghe thông tin về dịch Covid-19 trên loa phường cũng thấy “bớt buồn”. Bác Bình cũng chia sẻ, thông tin về dịch bệnh giờ có khắp mọi nơi từ tivi, báo đài, thậm chí “lướt” Facebook tràn ngập... nhưng loa phường luôn là một nguồn thông tin hữu ích mà người dân tại đây tin tưởng. “Hồi dịch mới bùng phát bà con cứ “xem mạng” rồi nói chuyện A, chuyện B... nhưng rồi toàn tin sai lệch. Từ ngày loa phường tuyên truyền về dịch ý thức người dân đã tăng lên rất nhiều, không còn “buôn bán” lung tung”- bác Bình nói.
Theo ghi nhận, tại nhiều khu phố, tổ dân cư trên địa bàn TP Hà Nội “sử dụng” loa phường làm công tác tuyên truyền đã và đang phát huy hiệu quả. Tại phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm) cứ vào khung giờ 7h và 17h mỗi ngày, UBND phường đều đặn phát những thông tin cập nhật tình hình lây nhiễm Covid-19 trên cả nước, các biện pháp phòng chống lây nhiễm bằng cách rửa tay, không tụ tập đông người, ra đường phải đeo khẩu trang… Chị Thùy Linh- cựu lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc đang sinh sống tại đây cho biết, thời gian tôi còn học tại Trung Quốc đúng vào đợt dịch SARS nên bây giờ có dịch Covid-19 cũng “thấy sợ”. Nhờ công tác tuyên truyền tại Việt Nam đã giúp chúng tôi bình tâm hơn. Bên cạnh xem truyền hình, theo dõi báo chí chính thống thì loa phường đang có một tác động tích cực đến người dân, đặc biệt tại những khu dân cư đông người. “Nói thật, nhiều lúc thấy rất khó chịu về tiếng loa phường nhưng giờ thành quen. Mà quen vì thông tin hữu ích, chính xác...”- chị Linh nói.
Tuy nhiên, không hẳn loa phường đã phát huy được tác dụng “tuyệt đối”. Nhiều người dân cho rằng nên cân nhắc việc chọn giờ phát thanh. Theo một số phụ huynh tại ngõ 178 Thái Hà, vì nhiều gia đình có con nhỏ và đang phải nghỉ học dài ngày nên có thể lùi giờ phát thanh từ 7h sang 8h sáng để các cháu “ngủ thêm” một chút... Bên cạnh đó, cũng có hộ dân góp ý âm lượng loa nên vừa đủ, vì nhà xa loa thì không sao nhưng nhà gần loa thì thực sự là “ác mộng” về âm thanh.
Chia sẻ với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Ngọc Tiến- nhà nghiên cứu về Hà Nội cho biết, khi dịch Covid-19 xảy ra, chúng ta lại thấy vai trò của loa phường sống lại. Vai trò của loa phường, loa xã là không thể phủ nhận nhưng làm thế nào để khắc phục được mặt trái mà nó mang lại thì cần có sự điều chỉnh hợp lý.
Theo ông Tiến, để lan tỏa tính hiệu quả thì các phường, tổ dân phố nên nghiên cứu để có thời gian phát loa và tần số phát loa đảm bảo yếu tố thông tin, không gây bức xúc cho người dân. Thông tin tuyên truyền cũng đi sát với thực tế, hữu ích với người dân. Ngoài ra, những người quản lý cũng ý phải thức trong việc chọn phát thanh viên có giọng đọc truyền cảm, âm lượng vừa phải, khiến cho người nghe có cảm giác thoải mái, dễ tiếp thu. “Tôi đánh giá, đó là sự thay đổi rất tốt với người dân và xã hội... Rõ ràng trong trường hợp thiên tai địch hoạ như dịch Covid-19 thì loa phường đã phát huy được vai trò không thể thay thế của mình”- ông Tiến nhấn mạnh.