Trong cơn bão Covid-19
Châu Âu những ngày qua đã trở thành tâm dịch Covid-19. Đa số người Việt ở đây bày tỏ lo ngại trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng vọt, nhưng nhiều bà con kiều bào vẫn chọn ở lại vì không muốn xáo trộn cuộc sống, công việc cũng như việc học hành của con cái. Họ đều có chung một quan điểm là bình tĩnh phòng ngừa và chờ dịch qua để sớm ổn định cuộc sống.
Nhiều cửa hàng ở Munchen (Đức) khá vắng trong mùa Covid-19.
Cảnh giác nhưng không hoảng hốt
Chị Nguyễn Ngọc, hiện đang sống ở thành phố Munchen (Đức) cho biết, Mitterteich là nơi đầu tiên ở Đức áp đặt lệnh giới nghiêm để ngăn dịch Covid-19 lây lan. Thành phố này có khoảng 7.000 dân, tính đến ngày 18/3, đã có 47 ca nhiễm SARS-CoV-2. Theo chị Ngọc thì lệnh giới nghiêm nhằm hạn chế người dân ra ngoài khi không có việc cần thiết nhưng người dân Mitterteich vẫn được lái xe đi làm, mua đồ dùng thiết yếu tại các cửa hàng tạp hóa hay đến các nhà thuốc hoặc nơi khám chữa bệnh. Giao thông hàng hóa cũng sẽ được duy trì. Tuy nhiên, mọi hoạt động sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
“Ở Munchen, các cửa hàng ăn vẫn mở bán nhưng chủ yếu chỉ bán mang về. Và những nhà hàng trên 30 chỗ phải tạm đóng cửa. Bọn trẻ con cũng được nghỉ học 5 tuần, ở nhà chúng tự chơi thể thao với những môn chơi 2-4 người hoặc là một mình như đi inliner, hockey. Thầy cô giáo vẫn gửi mail, video giao bài tập và kiểm tra kết quả học tập qua thư điện tử. Cuộc sống của chúng tôi có khó khăn nhưng không bị xáo trộn nhiều lắm”- chị Ngọc chia sẻ.
Hỏi thăm về việc dự trữ thực phẩm, chị Ngọc bảo, người dân ở đây cũng tích trữ nhưng chủ yếu là khẩu trang và giấy vệ sinh thôi, hai mặt hàng này vô cùng khan hiếm, còn các thực phẩm khác thì chất đầy các kệ ở siêu thị. “Mặc dù khá lo sợ nhưng khi ra đường hoặc trên các phương tiện công cộng nhiều người vẫn không đeo khẩu trang. Họ quan niệm rằng người đeo khẩu trang tức là người có vấn đề về sức khỏe. Vậy nên cả nhà mình cố gắng hạn chế ra ngoài, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế” - chị Ngọc cho biết.
Chủ động
Ngay khi dịch bệnh bùng phát và lan ra nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã nhanh chóng lên kế hoạch, thành lập nhóm chuyên trách ứng phó khẩn cấp nhằm tìm hiểu, thu thập và cung cấp đầy đủ, chính xác những thông tin chính thống từ chính quyền nước sở tại cũng như từ Việt Nam tới cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Đại sứ quán cũng duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin của công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp cần trợ giúp và đặc biệt, chuẩn bị cả kế hoạch đưa công dân về nước nếu cần.
Nhờ đó, cộng đồng người Việt tại Mỹ đã khá chủ động, bình tĩnh đón nhận và thích nghi mọi sự đảo lộn trong cuộc sống cũng như công việc. Nhiều gia đình chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết để hạn chế ra ngoài. Bà con cũng hỗ trợ lẫn nhau thông qua những sáng kiến cung cấp tư vấn y tế qua điện thoại miễn phí đối với những trường hợp có triệu chứng giống mắc Covid-19. Cung cấp những thông tin chính thức và kịp thời dẹp bỏ những tin đồn không chính xác ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán…
Tây Ban Nha từ cuối tuần qua trở thành ổ dịch lớn thứ hai ở châu Âu, sau Italy, với gần 10.000 ca nhiễm và gần 350 người chết. Người Việt ở đây chỉ khoảng hơn 1000 người. Cho đến nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha chưa ghi nhận trường hợp công dân Việt Nam nào nhiễm Covid-19. Những ngày qua, Đại sứ quán cũng đã thông báo rộng rãi và cập nhật thường xuyên đến cộng đồng bà con người Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập tại Tây Ban Nha về các chính sách của Chính phủ Việt Nam; vận động công dân tuân thủ các chỉ dẫn của chính phủ sở tại; tránh di chuyển ra khỏi khu vực sinh sống; tránh tập trung đông người; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng và chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo chia sẻ của Trần Trung, hiện đang sống và làm việc tại thành phố Granada thì anh không nghĩ dịch đến nhanh và chính quyền lại có lệnh phong tỏa toàn quốc. Toàn bộ người dân phải cách ly ở nhà, chỉ được ra ngoài trong những trường hợp cần thiết như mua thuốc, mua thực phẩm, chăm sóc người già. Người lao động làm việc từ xa, trừ những trường hợp không thể làm việc từ xa, phải đến văn phòng/nhà máy để làm việc; Toàn bộ các cửa hàng, trung tâm thương mại, cơ sở giải trí… đóng cửa, trừ hiệu thuốc và các cửa hàng/siêu thị thực phẩm.
Ở lại và bình tĩnh chống dịch
Những ngày qua, mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) và sân bay Nội bài (Hà Nội) tiếp nhận hàng nghìn kiều bào và du học sinh về nước tránh dịch. Thế nhưng, rất nhiều kiều bào mà chúng tôi phỏng vấn cho biết, họ vẫn chọn ở lại và phòng dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, chờ khi hết dịch để ổn định cuộc sống cũng như việc học hành của bọn trẻ.
Thu Trang, hiện đang sống ở Luân Đôn (Anh) cho biết, sáng nào dậy nhìn điện thoại cũng đầy những tin nhắn hỏi thăm của người thân. “Có những lúc lo quá, lại chịu nhiều áp lực từ gia đình ở Việt Nam mình cũng định đi xét nghiệm nếu không mắc SARS-Cov-2 thì sẽ mua vé trở về Việt Nam. Thế nhưng lại lo ra sân bay đông người, dễ lây nhiễm. Mà những ngày này lượng kiều bào và du học sinh về nước rất đông, quá tải tại sân bay khiến lực lượng chức năng phải căng mình làm thủ tục, cách ly, xét nghiệm... Nếu những người như mình tiếp tục trở về thì lại trở thành gánh nặng cho đất nước. Vậy nên mình chọn ở lại, cố gắng giữ an toàn nhất có thể - Trang chia sẻ.
Tiệm nail những ngày này cũng vắng khách nên cô ở nhà trông con nhỏ, giữ vệ sinh nhà cửa, chờ qua dịch để trở lại cuộc sống bình thường. Người dân ở đây cũng bắt đầu e ngại khi tiếp xúc gần và đứng cách xa nhau ở nơi công cộng. Trang bảo, hôm nay, nhìn ra ngoài trời thấy hửng nắng, người dân sở tại cũng đang chấp hành tốt các biện pháp an toàn và những kệ hàng đầy ắp thực phẩm, tôi đã thấy yên tâm phần nào.