An ninh lương thực: Không thể ảo
Việt Nam đứng đầu trong tốp xuất khẩu gạo, nhưng an ninh lương thực chỉ đứng thứ 57/113 quốc gia, mức trung bình. Về trồng lúa, mức sống nông dân đã khá hơn trước nhưng nhiều hộ vẫn còn nghèo, còn khó khăn, đời sống của bộ phận người dân làm nông nghiệp còn nghèo khó.
Nếu chính người nông dân không cung cấp được những nhu cầu tối thiểu cho họ thì cũng khó nói đến an ninh lương thực quốc gia, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh đang bùng phát trên phạm vi toàn cầu.
Ngày mùa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Quốc Trung.
Kỷ nguyên 4.0, tương tác với thế giới ảo, nhưng chúng ta không được “ảo” trong vấn đề an ninh lương thực, đây luôn và mãi là vấn đề hệ trọng đối với mọi quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” diễn ra giữa tuần qua.
Không bao giờ được coi nhẹ mặt hàng thiết yếu: Lương thực
Trong nhiều thập kỷ qua, an ninh lương thực luôn là vấn đề bức xúc của tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Tìm kiếm giải pháp đảm bảo an ninh lương thực cho tất cả mọi người không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia nghèo mà nó đã trở thành vấn đề thời sự mang tính toàn cầu.
Phải coi trọng vấn đề an ninh lương thực và coi đây là nhiệm vụ sống còn nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu và nhiều bất ổn trên thế giới. Bởi lương thực là mặt hàng thiết yếu, là nhu cầu ổn định trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi xuất hiệu ca nhiễm Covid-19, “thị trường nhốn nháo, nhất là có việc người dân mua lương thực, mì tôm dự trữ” và khi đó, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo các công ty lương thực bảo đảm cung ứng, mở cửa bán lương thực đến 23 h đêm cho người dân, trong tình huống đó, “không có nguồn thì làm sao bảo đảm được”. Vì vậy, dự trữ lương thực, ổn định trong mọi điều kiện là rất quan trọng, đây là mặt hàng chính yếu không thể thiếu với bất kỳ quốc gia nào.
Ý thức được tầm quan trọng của lương thực, chúng ta đã ban hành nhiều chính sách trong đó có Kết luận số 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”. Theo đó, sau 10 năm thực hiện, Đề án đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thế diện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt trên 4,159 triệu ha (vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết là 3,76 triệu ha); sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 41-43 triệu tấn); xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn). Đặc biệt, giai đoạn 2009-2019, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần. Điều đáng mừng là năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; năng suất cà phê cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia; năng suất hồ tiêu gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần của Ấn Độ; năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, cao nhất thế giới...
Nhờ sản xuất được lượng nông sản lớn, xuất khẩu hàng nông sản được tiếp tục đẩy mạnh, nước ta đã có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Trong đó, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo. Đặc biệt, trong khu vực tam nông đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đầu tư phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững trong suốt thời gian qua. Thật tự hào, đến nay Việt Nam có khả năng đảm bảo tự cung lương thực với sản lượng lương thực bình quân tính trên đầu người ở mức tương đối cao (đứng thứ 6 trên thế giới). Đây là thành tích ấn tượng và cho thấy, những kế sách chúng ta đặt ra cho vấn đề an ninh lương thực là hoàn toàn đúng đắn.
Dù đạt được những thành tích ấn tượng như vậy, nhưng còn rất nhiều vấn đề ưu tư liên quan đến khu vực tam nông. Cụ thể, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa bền vững nên quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương không ổn định, có tình trạng “được mùa - mất giá”, giải cứu nông sản đó là lý do nhiều người đã ly nông, ly hương tạo ra những áp lực không đáng có cho khu vực đô thị. Trong khi đó, những thể chế, cơ chế chính sách về đất đai còn bất cập, dẫn đến sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn nhỏ lẻ; chưa đáp ứng được đòi hỏi về tích tụ, tập trung ruộng đất, đang là “nút thắt” lớn nhất cho sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao của quốc tế.
Nói những cái chưa được của khu vực nông nghiệp, người đứng đầu Chính phủ đề cập “chúng ta xuất khẩu trong tốp đầu nhưng an ninh lương thực chỉ đứng thứ 57/113 quốc gia, mức trung bình. Về trồng lúa, mức sống nông dân đã khá hơn trước nhưng nhiều người vẫn còn nghèo, còn khó khăn”, đời sống của bộ phận người dân làm nông nghiệp còn nghèo khó, đó là trăn trở lớn của những người có trách nhiệm. Bởi nếu chính những nông dân gắn bó với ruộng vườn mà không cung cấp được những nhu cầu tối thiểu cho họ thì nói gì đến những vấn đề lớn lao như an ninh lương thực quốc gia.
Xuất khẩu gạo- thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam.
Đảm bảo lương thực trong mọi tình huống
“Chúng ta sống trong kỷ nguyên 4.0, tương tác với thế giới ảo, nhưng chúng ta không được “ảo”. An ninh lương thực luôn luôn và mãi mãi là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới. Do đó, câu nói của cha ông “phi nông bất ổn” cần được quán triệt trong tình hình mới”-Thủ tướng nhấn mạnh.
Nêu định hướng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, an ninh lương thực càng trở nên bức thiết hơn khi dân số có xu hướng tăng, gần 900 triệu người trên toàn cầu đang thiếu đói, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa cao, dịch bệnh bất thường. “Thử thách rất lớn. Nếu không xác định sự bức thiết về an ninh lương thực trong giai đoạn tới thì sai lầm trong chỉ đạo”-Thủ tướng nêu rõ. Phải bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống, “qua một số ngày lộn xộn vừa rồi, có thể thấy có tiền chưa chắc mua được lương thực”- người đứng đầu Chính phủ đề cập.
Do đó, Thủ tướng đã yêu cầu chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hằng năm và tăng cường khả năng dự trữ, không chạy theo thị trường và nêu cao tinh thần tự cường, chủ động đối với an ninh lương thực. Phải chuyển nhận thức phát triển nông nghiệp từ vai trò an sinh, đủ ăn, điểm tựa cho sự phát triển thành vai trò mới, là một lợi thế đặc thù, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, hội nhập.
Thủ tướng nhấn mạnh một số mục tiêu quan trọng để phấn đấu đạt được. Đó là đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng, cơ cấu thực phẩm hợp lý, khoa học trong từng giai đoạn, kể cả lượng và chất, ít nhất cho quy mô 104 triệu người vào năm 2030, để chống tình trạng thấp, bé, còi của người Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 9-10%/năm, phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 100 tỷ USD. Với những mục tiêu rõ ràng, cụ thể để đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống như vậy, người dân hoàn toàn có thể vững tin vào sự chỉ đạo, điều hành từ Chính phủ. Sẽ không có chuyện khan hàng, sốt giá thiếu thốn lương thực xảy ra.
Ngày mùa.
Xây dựng chuỗi giá trị
Theo TS Đặng Kim Sơn- nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn, cần phải xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến khâu tiêu thụ cuối cùng.
Ông Sơn cho rằng, trước tác động do dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây nên, vấn đề lo lắng nhất của nông sản Việt Nam và người nông dân vẫn là vấn đề thị trường. Dịch cúm corona tác động tới nông nghiệp theo 2 hướng. Thứ nhất là cầu, hiện tại thị trường gần nhất và lớn nhất của chúng ta là Trung Quốc bị tác động trực diện từ corona. Điều này khiến cầu của thị trường sẽ trở về với những sản phẩm cơ bản như lương thực thực phẩm và bỏ qua những sản phẩm khác như hoa quả... Như vậy, tác động về trái cây, rau đã nhãn tiền có thể thấy. Nhu cầu giảm thêm một lần nữa từ những ảnh hưởng do việc buôn bán cũng hạn chế như chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ ngưng trệ khiến cho cầu giảm. Trong khi đó, giao thương bị gián đoạn do dịch bệnh, “ngăn sông cấm chợ” khiến chi phí giao dịch cao, mặt hàng tươi sống của Việt Nam sẽ không bảo quản được.
Tiêu dùng trong nước trong ngắn hạn không thể thay đổi ngay được để đáp ứng được sản lượng lớn hàng dư thừa do không xuất khẩu được. Khi tất cả các vấn đề liên quan đến giao thương bị gián đoạn, nông sản sẽ “nghẽn”. Ngành nông nghiệp, người nông dân không thể mãi trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước, với những hỗ trợ tạm thời như khoanh vốn, giảm thuế, mở kênh phân phối… Về dài hạn cần làm căn cơ như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển sản xuất manh mún sang quy mô lớn… tất cả đều là những vấn đề đã được nhắc đến rất nhiều mà chưa làm được.
“Chính những bài học từ Trung Quốc như dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, ngày càng thắt chặt chất lượng, tiêu chuẩn đã khiến Việt Nam cần phải thay đổi bài bản về phòng chống dịch bệnh và tự nâng cao chất lượng”-TS Đặng Kim Sơn nói.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ:
An ninh lương thực là an dân
Cái được lớn nhất trong vấn đề an ninh lương thực là an dân, không có gì khổ bằng phải chạy ăn từng bữa, làm sao kiếm được bữa nấu buổi chiều cho cả nhà. Từ an ninh lương thực mở toang cánh cửa để thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển, đặc biệt là cánh cửa xuất khẩu mở rộng hơn nhiều. Ngày xưa, cái khổ của người lãnh đạo là tháng sau bán cái gì, chia cho từng huyện, tỉnh, ngành mà không trả lời được thì bế tắc; hay người phụ nữ buổi chiều nay nấu cái gì mà không trả lời được cho con cái cũng là cái khổ. Bây giờ, chúng ta giải quyết được vấn đề đó, điều này chứng tỏ người dân ngày càng có cuộc sống ấm no hơn, vị thế đất nước ngày càng được nâng cao.
Bài học lớn nhất là gắn an ninh lương thực với chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát huy thế mạnh từng vùng, không chỉ lúa gạo mà cả các sản phẩm lương thực, thực phẩm khác, “chứ an ninh lương thực mà cứ loanh quanh bàn nhau làm lúa bao nhiêu, diện tích bao nhiêu, năng suất bao nhiêu là cần nhưng chưa đủ”. Bên cạnh đó, an ninh lương thực phải gắn với sản xuất nền nông nghiệp hàng hóa, quy mô tập trung, gắn với xuất khẩu, phát huy thuận lợi về đất đai, khí hậu như mở ra cho người dân làm cây ăn quả, dược liệu, chăn nuôi… để người dân có thể làm giầu từ nông nghiệp thì nông dân mới không bỏ ruộng, không ly hương.