Chạy đuổi vaccine trong bão Covid
Vì sao Italy trở thành “ổ dịch khổng lồ” ngoài Trung Quốc? Từ tình hình rất nóng ở Italy cũng như toàn châu Âu và nước Mỹ, câu hỏi đó đã được truyền thông quốc tế nêu lên với những cách lý giải khác nhau.
Cùng đó, việc chạy đua tìm kiếm vaccine “trị Covid-19” cũng đang là câu chuyện nóng bỏng ở nhiều quốc gia cũng như trên mặt báo và mạng xã hội những ngày gần đây.
Chạy đua tìm kiếm vaccine “trị Covid-19”.
Sai lầm và bài học từ Italy
Nếu như gần 1 tháng trước, Italy mới chỉ có 3 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, thì chỉ 1 tuần sau đó số người nhiễm tăng lên 231 và bây giờ các con số gia tăng chóng mặt. Hơn 47.000 ca nhiễm và 4.032 ca tử vong, cho thấy mọi chuyện diễn ra “quá nhanh, quá nguy hiểm” và tình hình dường như đã mất kiểm soát.
Nhiều ý kiến cho rằng Italy đã phản ứng quá chậm và điều đó tạo điều kiện cho SARS-CoV-2 có điều kiện bùng phát và lây lan. Nhưng giải thích ra sao khi trên thực tế Italy lại là quốc gia đầu tiên ở châu Âu cấm các chuyến bay từ Trung Quốc (nơi được cho là phát sinh dịch Covid-19)? Nước này cũng tiên phong áp đặt các biện pháp y tế quyết liệt, ban hành lệnh phong tỏa cả đất nước. Trước Italy, không một chính phủ phương Tây nào thực hiện biện pháp mạnh mẽ như vậy. Vậy điều gì đã khiến Covid-19 “phát nổ như một quả bom” tại Italy?
Có lẽ câu chuyện của Olmo Parenti - một nhà làm phim trẻ có thể phần nào giải thích được vấn đề. “Tôi và nhiều bạn bè đã chế giễu những người cho đây là vấn đề nghiêm trọng ngay từ đầu” - Parenti nói. Nhưng chỉ vài ngày sau đó Parenti cảm thấy mình đang sống trong một thế giới khác khi mà số lượng các ca dương tính với SARS-CoV-2 gia tăng đột biến; các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân Covid-19.
Parenti và bạn bè của anh thực sự hối hận vì họ đã quá chủ quan đối với tình hình dịch bệnh - một yếu tố đã góp phần khiến virus lan rộng.
Tương tự, một bác sỹ gây mê tại Bergamo - một trong những thành phố có nhiều ca mắc Covid-19 nhất tại Italy cũng thừa nhận rằng “Trước khi dịch bệnh tấn công, tôi nghĩ bản thân đã hành động hợp lý qua việc sàng lọc và xử lý rất nhiều thông tin liên quan đến Covid-19. Tôi biết về virus này nhưng cảm thấy vấn đề không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tôi, xét về mặt cá nhân”. Tuy nhiên, vị bác sỹ này cũng cho rằng Chính phủ đã thực hiện chưa đủ trong việc ban hành những thông báo khẩn kêu gọi người dân thay đổi thói quen tương tác xã hội. Cho đến khi dịch bệnh đã trở nên mất kiểm soát thì đã quá muộn. “Trước đó tôi và nhiều người Italy không nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi thói quen đối với một mối đe dọa mà chúng tôi không thể thấy được”- vị bác sỹ này cho biết thêm và nói rằng phải mất vài tuần sau khi phát hiện trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên, người dân Italy mới nhận ra rằng việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm túc là cần thiết.
Theo một số nhà khoa học, Italy đi trước Tây Ban Nha, Đức, Pháp khoảng 10 ngày trong tiến trình dịch bệnh, và đi trước Anh, Mỹ từ 13 đến 16 ngày. Trong một thông điệp trên trang Facebook cá nhân gửi đến người Mỹ và người dân ở các nước, Cristina Higgins sống tại Bergamo, Italy viết: “Bạn có cơ hội tạo ra sự khác biệt và ngăn chặn dịch bệnh lây lan tại đất nước của các bạn. Hãy làm việc ở nhà, hủy bỏ các buổi tụ tập. Hãy làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lan rộng trong cộng đồng”.
Một nguyên nhân khác cũng rất đáng chú ý là số người được xét nghiệm trước khi SARS-CoV-2 bùng phát ở Italy ít. Vì thế nó đã âm thầm lây lan trong cộng đồng, các ổ dịch cũng không được nhanh chóng khoanh vùng. Có thể nêu ví dụ: Tại Hàn Quốc, tỷ lệ xét nghiệm khá cao, 3.692 xét nghiệm trên 1 triệu dân, tính đến ngày 8/3, và tỉ lệ tử vong trong số những người nhiễm bệnh khá thấp (khoảng 0,6%). Ngược lại, Italy chỉ làm xét nghiệm cho khoảng 826 người/ 1 triệu dân và tỷ lệ tử vong trong số những người bị chẩn đoán nhiễm bệnh cao hơn gấp 10 lần.
“Vì không tiến hành xét nghiệm rộng rãi nên Italy đã không phát hiện ra những trường hợp mắc Covid-19 ở thể nhẹ. Chúng ta có lẽ không biết có bao nhiêu trường hợp đã thực sự bị nhiễm bệnh”- chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Y tế công cộng Temple Krys Johnson nói.
Còn trong bài viết đăng tải trên Euobserver, tác giả Valentina Saini cho rằng một sai lầm nữa mà Italy mắc phải là để xảy ra tình trạng tắc nghẽn trong các bệnh viện. Theo nhà phân tích này, các quốc gia châu Âu khác nên khuyến khích những người dương tính với SARS-CoV-2 không xuất hiện triệu chứng hoặc có ít triệu chứng nên tự cách ly và điều trị ở nhà nhiều nhất có thể. Nếu không các bệnh viện sẽ quá tải và trở thành ổ dịch khiến virus lây lan, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cho cả nhân viên y tế. Tuy nhiên tình trạng bệnh nhân dồn tới bệnh viện, đặc biệt là tại Lombardy, đã khiến không có đủ khẩu trang và máy thở. Khi các nhân viên y tế đã kiệt sức thì việc chăm sóc cho bệnh nhân là “được chăng hay chớ”.
Giới quan sát cho rằng, kinh nghiệm từ Italy rất cần thiết cho các quốc gia khác, dù rằng khá muộn màng.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo vệ tại chốt kiểm tra trước khi vào bệnh viện Spedali Civili ở Brescia, miền Bắc Italy.
Cần thực tế và tỉnh táo
Đó là cách mà giới khoa học “khuyên” các chính trị gia, mục đích là cảnh báo, cảnh báo và cảnh báo: Không thể chủ quan khi dịch bệnh hoành hành.
Ngay từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 hoành hành ở Vũ Hán (Trung Quốc), các tập đoàn dược phẩm, trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới đã vào cuộc chạy đua phát triển cả phương pháp điều trị và vaccine. Mới đây (ngày 17/3) nhà sản xuất dược phẩm Pfizer Inc của Mỹ đã ký một thỏa thuận với công ty BioNTech SE của Đức để hợp tác phát triển một loại vaccine ngừa SARS-CoV-2. Đây được coi là thành công mới nhất và lớn nhất nếu cái bắt tay đó thành công.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn lại khẳng định họ phát triển vaccine cho toàn thế giới chứ không sản xuất riêng cho nước nào (ngụ ý nói không phải là một mặt hàng với riêng Mỹ). Nhiều Bộ trưởng trong Chính phủ Đức cũng đã phản ứng giận dữ sau khi có thông tin nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng thuyết phục các nhà khoa học Đức hợp tác để Mỹ có giấy phép sản xuất độc quyền vaccine chống virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh Covid-19.
“Đức không phải để bán”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nói với đài truyền hình ARD khi được đề nghị bình luận về thông tin đăng tải trên trang nhất của tờ Welt am Sonntag với dòng tít: “Trận đấu giữa Trump và Berlin”. Tờ báo này cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị chi 1 tỷ USD cho công ty dược phẩm sinh học CureVac, có trụ sở tại bang Thuringia để đảm bảo rằng công ty này chỉ sản xuất vacccine chống Covid-19 cho Mỹ. Còn Erwin Rueddel, một nhà lập pháp bảo thủ trong ủy ban y tế của Quốc hội Đức nói: “Trong bối cảnh hiện nay, sự hợp tác của cộng đồng quốc tế là quan trọng chứ không phải lợi ích của riêng quốc gia nào cả”.
Theo tờ Globalnews, có khoảng 20 ứng cử viên vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 đang được các viện nghiên cứu và công ty dược phẩm phát triển. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, tại Trung Quốc có hơn 80 thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành, với việc các nhà nghiên cứu đang xem xét mọi biện pháp, từ việc sử dụng thuốc điều trị HIV cho đến các dược phẩm truyền thống.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đánh giá cao nỗ lực của các nước trong cuộc chiến với Covid-19, trong đó có việc các Chính phủ đã bỏ ra nhiều tiền cho việc nghiên cứu vaccine. Đặc biệt, với việc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) thông báo đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng chống SARS-CoV-2 trên người ở thành phố Seattle của nước này. Tuy nhiên, theo ông Anthony Fauci- Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, mặc dù vaccine là một ưu tiên y tế khẩn cấp nhưng nước Mỹ khó có thể sở hữu vaccine này trong vòng 1 năm nữa.
Tương tự, thời gian 12 tháng đến 18 tháng là mốc mà nhiều chuyên gia y tế cho rằng mới có thể tìm ra vaccine ngừa Covid-19. Ông David Kelvin- chuyên gia Trường Đại học Dalhousie tại Canada cho rằng, mục tiêu thực tế đó là vaccine sẽ chỉ có sau 18 tháng tới. Có khả năng sớm hơn nhưng khó xảy ra, vì một loại vaccine thường mất nhiều năm để phát triển. Tương tự, Giáo sư Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh London tại Anh Annelies Wilder-Smith cho rằng, giống như các loại vaccine khác, vaccine cho Covid-19 sẽ không sẵn sàng trước 18 tháng nữa. “Đây đã là cái nhìn khá lạc quan khi không tính đến bất kỳ trở ngại nào”- theo GS Smith, và rằng dịch Covid 19 có thể đạt đỉnh dịch và giảm trước khi vaccine được sử dụng trên thị trường.
“Vì thế, thay vì trông đợi một cách quá lạc quan về vaccine, thì cách tốt nhất là phải biết tự bảo vệ mình trước loại virus này”- GS Smith nói.
Một quan chức chính phủ Mỹ cho biết việc thử lâm sàng vaccine chống SARS-CoV-2 đã bắt đầu từ ngày 16/3 (theo giờ Mỹ). Quá trình thử sẽ được áp dụng đối với 45 người trẻ tuổi và khỏe mạnh và những người này sẽ được tiêm vaccine với liều lượng khác nhau. Những người tham gia sẽ không thể bị nhiễm SARS-CoV-2. Mục đích của việc thử vaccine nhằm nghiên cứu các phản ứng phụ và chuẩn bị cho các đợt thử lớn hơn sau này. Hoạt động thử lâm sàng vaccine được tài trợ bởi Viện Y tế quốc gia Mỹ và được thực hiện tại Viện Nghiên cứu sức khỏe Washington ở thành phố Seattle. Được biết, nhiều nhóm nghiên cứu trên toàn thế giới hiện đang chạy đua tìm kiếm vaccine chống Covid-19, với mục đích tìm ra các loại vaccine tạm thời nhằm bảo vệ sức khỏe trong vòng 1-2 tháng trước sự lây nhiễm của Covid-19.