Thi hay xét tốt nghiệp?
Kỳ thi THPT quốc gia hằng năm thu hút gần 1 triệu thí sinh cả nước tham dự để xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GDĐT phải điều chỉnh kế hoạch năm học nhiều lần. Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GDĐT cân nhắc việc có nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hay không.
Thi hay xét tuyển - là vấn đề xã hội rất quan tâm trong năm học này.
2 lần điều chỉnh khung thời gian năm học
Việc nghỉ học này đã làm thay đổi các kế hoạch dạy học chung của cả nước và của từng địa phương. Bộ GDĐT đã 2 lần điều chỉnh khung thời gian năm học.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Thiều Quang Thịnh, giáo viên Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TP HCM), cho rằng với khung điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học lần hai của Bộ, kết thúc năm học vào ngày 15/7 và thi tốt nghiệp THPT vào ngày 8 đến ngày 11/8, nên quỹ thời gian học còn lại để học sinh hoàn thành chương trình nhất là học sinh khối lớp 12 là khá ngắn so với những năm trước đây. Vì thế phương án xét tốt nghiệp có tính khả thi. Theo ông với thời gian nghỉ kéo dài như hiện nay, giãn cách giữa 2 học kỳ nhiều, việc ôn tập để đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi sẽ gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa là với tâm lý lo lắng vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp cũng tác động tinh thần của các học sinh. Hiện nay Bộ GDĐT vẫn phải trông đợi vào những ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh để có phương án kịp thời thay đổi khung kế hoạch chương trình năm học và thời gian tổ chức thi. Không ai có thể trả lời liệu gian tới, có chắc chắn sẽ không thay đổi nữa?
Theo ông Thịnh, việc xét tốt nghiệp về bản chất vẫn đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh vì kết quả học tập được nhìn nhận là một quá trình chứ không chỉ qua một kỳ thi. Ngoài ra, nếu dịch bệnh còn kéo dài thì việc hạn chế tập trung đông người như hiện nay cũng sẽ ảnh hưởng đến công tác tổ chức kỳ thi. Việc học sinh dùng kết quả THPT để xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ cũng hợp lý vì hiện nay các trường đều có những phương thức tuyển sinh riêng.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng đến thời điểm hiện nay dù Việt Nam đã ghi nhận 92 ca bệnh nhiễm Covid-19 và học sinh cả nước phải nghỉ học hơn 2 tháng, lùi thời gian tổ chức kỳ thi lần thứ 2. Diễn biến dịch nếu không tiếp tục phức tạp, học sinh trở lại trường vào đầu tháng 4 thì việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 8 vẫn có thể diễn ra. Nhưng nếu dịch phức tạp kéo dài hơn nữa thì sự tồn tại của kỳ thi này và các phương án khác thay thế cần được tính đến.
TS Nghĩa cũng đưa ra giả thuyết nếu dịch bệnh phức tạp không thể tổ chức kỳ thi, cần tính đến việc công nhận để xét tốt nghiệp khối lượng kiến thức HS được học qua truyền hình hoặc internet. Ngay cả khi HS có đi học và kỳ thi có diễn ra, cũng nên tính đến việc công nhận kiến thức học từ xa để giảm tải chương trình học.
Theo ông Nghĩa, thống kê số liệu xét tuyển ĐH các năm vừa qua cho thấy nguồn tuyển từ kỳ thi này chủ yếu tác động tới khoảng 100 trường ĐH lớn. Các trường khác, đặc biệt là khối trường tư thục, chủ yếu xét tuyển từ học bạ. Do vậy, việc không có kỳ thi này sẽ ảnh hưởng tới việc tuyển sinh của các trường lớn.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng sức khỏe và an toàn tính mạng của học sinh cần được đặt lên hàng đầu. Nếu vẫn phải có tấm bằng tốt nghiệp THPT thì Bộ cần tính toán để đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép các trường xét tốt nghiệp THPT trong năm nay.
Ở vị trí chủ nhân của kỳ thi quan trọng này, em Nguyễn Văn Hùng, HS lớp 12 Trường THPT Hai Bà Trưng (Hà Nội), chia sẻ: “Việc nghỉ học vì dịch bệnh có thể kéo dài. Dù thời gian kết thúc năm học sẽ được giãn ra thì chúng em cũng khó để tiếp thu kiến thức một cách trọn vẹn được”. Hùng cũng cho rằng trong trường hợp này nên chọn cách xét tuyển, điều này phù hợp với sự cố gắng của nhiều học sinh trong suốt nhiều năm học. Còn ông Chị Nguyễn Thị Hà, phụ huynh có con đang học lớp 12 ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng cho rằng việc xét tốt nghiệp trong hoàn cảnh hiện tại là phương án tốt nhất.
Nghiên cứu phương án phù hợp
PGS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết do dịch Covid-19 nên thời gian đăng ký, thi, chấm thi, thay đổi nguyện vọng của thí sinh sẽ bị lùi đi một thời gian. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang phối hợp với những tổ chức để tổ chức thi đánh giá năng lực, trong trường hợp cần sẽ sử dụng. Vì điều kiện khách quan như vậy nên khóa tuyển mới năm nay của trường sẽ bị lùi vài tuần. Tuy nhiên, giả sử Bộ GDĐT không thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia do dịch bùng phát, lúc đó cần tìm phương án thay thế và phương án này cần có sự đồng thuận của các trường và xã hội.
PGS.TS Bùi Đức Triệu-Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng nếu không có kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh sẽ vất vả hơn nhiều so với mọi năm. Vì vậy, theo ông có thể linh hoạt hơn trong xét tốt nghiệp THPT, còn không thể bỏ thi THPT quốc gia.
Phân tích cụ thể hơn, ThS Lưu Đức Quang- Giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP HCM cho rằng: Nếu dừng thi THPT quốc gia thì học sinh lớp 12 không thể được cấp bằng tốt nghiệp THPT mà chỉ có thể được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật. Giấy chứng nhận này không thể được sử dụng để xét tuyển vào ĐH,CĐ. Do vậy, chúng ta cần tính tới phương án khác: Một là, tiếp tục lùi lịch thi THPT quốc gia cho phù hợp với diễn biến dịch bệnh và lứa thí sinh này sẽ nhập học ĐH,CĐ trễ hơn so với thông lệ. Hai là nếu không tổ chức thi THPT quốc gia nhưng vẫn cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh thì phải sửa luật Giáo dục ngay trong kỳ họp Quốc hội đầu năm 2020 (thông thường diễn ra vào tháng 4 - 5 hằng năm). Theo đó, luật cần bổ sung phương thức xét công nhận tốt nghiệp để cấp bằng tốt nghiệp THPT. Ông Quang cũng cho rằng đây vừa là thách thức song cũng là cơ hội hoàn thiện thể chế giáo dục để ứng phó trong những tình huống khẩn cấp của quốc gia như dịch bệnh, thiên tai, địch họa...