Tiểu thương buồn thiu vì buôn bán ế ẩm
Mặc dù rơi vào thời điểm cuối tuần nhưng rất nhiều cửa hàng, ki ốt tại các chợ truyền thống tại TP HCM như chợ Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5), Tân Định (quận 1), Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)… khá vắng vẻ.
Chợ Bến Thành vắng khách.
Bà Trần Thị Phương, tiểu thương chợ Tân Định than thở: “Đóng cửa ki ốt ở nhà thì sốt ruột, ra chợ ngồi bán hàng cũng như không. Chờ đợi “bạc mặt” cả ngày không ai đến hỏi mua hàng. Dạo này, sáng đem chìa khóa đi, tối đem về. Không biết bao giờ mới hết cảnh này”.
Buôn bán mấy chục năm ở chợ Bình Tây, bà Trương Thị Muối chia sẻ: “Ngồi chợ mấy chục năm nay chưa bao giờ tui chứng kiến cảnh buôn bán ế ẩm như hiện nay. Đếm đi đếm lại 1 ngày không quá chục khách đến hỏi mua hàng”. Bà Trương Thị Muối cho hay, chợ Bình Tây ngoài lượng tiểu thương ở các tỉnh đến lấy hàng còn có một lượng lớn khách du lịch tham quan và mua hàng. Tuy nhiên, từ Tết đến nay, đặc biệt là 1 – 2 tuần gần đây, khách du lịch vắng hẳn. Theo nhận định của tiểu thương, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện lượng khách mua hàng giảm 70%, thay vì không có lối chen chân như trước đây. Khách lẻ ngại mua bán vì họ đang hạn chế tiếp xúc nơi đông người nhằm phòng bệnh. Riêng lượng khách tiềm năng là tiểu thương cũng không khá hơn vì sức tiêu thụ hàng hóa quá chậm. Nằm trong tình hình khó khăn chung của thị trường tiêu dùng, không ít tiểu thương chợ Anh Đông phải dừng bán hàng dán bảng cho thuê sạp, sang sạp, thậm chí trả lại sạp trước hợp đồng và chấp nhận bồi thường hợp đồng. Một tiểu thương cho hay, mỗi tháng chi tiền thuê sạp, thuế, nhân viên hết gần 30 triệu đồng, trong buôn bán quá ế ẩm nên buộc lòng phải trả mặt bằng trước thời hạn và chấp nhận mất tiền thế chân.
Không khá hơn tiểu thương các chợ truyền thống, nhiều cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố cũng lao đao với Covid-19. Hầu hết chủ cửa hàng khẳng định, thường thì ra Tết sức mua trên thị trường không cao. Tuy nhiên, năm nay vừa đón Tết Nguyên đán xong thị trường phải đón nhận sự lạnh nhạt của thị trường từ dịch Covid-19. Bà Đào Thị Lan - chủ tiệm cắt tóc Lan Vy (phường Tân Thới Hiệp, quận 12) nói: “Trước đây 1 ngày tiệm phục vụ cho mấy chục khách hàng. Thời điểm này, chỉ có 1 – 2 khách đến làm đẹp. Từ 5 nhân viên phụ việc, giờ tiệm chỉ có một mình tôi và 1 thợ phụ. Hôm qua tôi phải nói chuyện với chủ nhà mong nhận được sự chia sẻ nhằm giảm mức cho thuê mặt bằng xuống chút đỉnh trong đợt dịch bệnh”.
Tương tự, nhiều quán ăn, shop thời trang ở các tuyến phố tại TP HCM cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng khách hàng và doanh thu. Theo nhận định của chủ quán ăn uống, thời trang, làm đẹp, lượng khách hàng giảm trầm trọng do sợ lây bệnh nên hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Thứ hai, dịch bệnh làm cho thu nhập của sụt giảm phần nào, cho nên người tiêu dùng thực hiện chiến lược “thắt lưng, buộc bụng” và chỉ chi tiêu những khoản nào thấy cần thiết. “Một ngày chỉ có khoảng mười mấy đến hai mươi khách, thử hỏi lấy tiền đâu mà trang trải để quán có thể hoạt động. Tui ráng gồng lắm rồi. Nếu dịch mà còn kéo dài 1 – 2 tháng nữa chắc phải chấp nhận thiệt hại đầu tư và đóng cửa quán nhậu” - ông Nguyễn Văn Hào, chủ quán nhậu đường Lê Văn Việt (quận 9) than thở.