Đẩy mạnh phòng, chống cháy rừng mùa khô hạn
Hiện nay, Sóc Trăng đang vào cao điểm mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau). Sau nhiều tháng không có mưa, nắng nóng khiến nguy cơ cháy rừng cao nếu không được kiểm tra, quản lý chặt chẽ.
Tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng 11.000 ha rừng các loại, trong đó khoảng 7.000 ha rừng phòng hộ ven biển và gần 4.000 ha rừng sản xuất, chủ yếu là rừng tràm, keo. Nếu như trên diện tích rừng phòng hộ ven biển luôn có nước thủy triều lên xuống ngày 2 lần, nguy cơ cháy rừng xảy ra ít, thì phần rừng sản xuất tập trung ở các Phân trường Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2 (thuộc huyện Mỹ Tú), Phân trường Phú Lợi (Châu Thành) và Thạnh Trị (thị xã Ngã Năm) nguy cơ xảy ra cháy rừng cao hơn, nên luôn được bảo vệ nghiêm ngặt vào mùa khô.
Để nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng, chống cháy rừng, những ngày gần đây, Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng thường xuyên phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng dành cho chủ rừng, các tổ trồng và bảo vệ rừng, hộ dân sống ven rừng.
Tại các buổi tuyên truyền, Chi cục đã chia sẻ về tầm quan trọng của rừng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và cuộc sống của con người; tác hại của biến đổi khí hậu và rừng góp phần quan trọng làm giảm thiểu các tác hại biến đổi khí hậu; ảnh hưởng của việc cháy rừng đối với kinh tế - xã hội. Lực lượng chuyên môn cũng đã tuyên truyền tới người dân kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng; giải pháp bảo vệ rừng, phát triển rừng hiện tại và trong thời gian tới, đồng thời phổ biến Luật Lâm nghiệp, Luật Phòng cháy chữa cháy và các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan…
Theo ông Nguyễn Tấn Nam, Đội trưởng Đội Cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng (Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng): Các buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của rừng, cũng như nâng cao ý thức của người dân về việc bảo vệ, sử dụng rừng, phát triển và phòng cháy, chữa cháy rừng; hạn chế tối đa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực điều hành, xây dựng và kiện toàn lực lượng tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp...
Với sự chủ động của ngành chức năng, công tác phòng, chống cháy rừng ở Sóc Trăng đang được tập trung cao độ. Lực lượng chức năng đã nghiêm cấm người dân vào rừng khai thác mật ong, bắt cua, bắt cá để tránh nguy cơ gây ra cháy rừng. Tuy nhiên, để đảm bảo việc phòng chống cháy rừng hiệu quả, lực lượng chức năng cũng mong muốn có sự phối hợp tích cực của từng hộ dân sinh sống ven rừng, các địa phương, đơn vị hữu quan.