Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ: Nỗi lo biến tướng hậu vinh danh
Được UNESCO ghi nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại năm 2016, nghi thức “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã và đang khẳng định những giá trị về văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, với yếu tố tâm linh các nghi thức này đang bị một số người trục lợi, biến tướng làm ảnh hưởng đến hình ảnh của di sản.
Một giá lên đồng. Ảnh Quang Vinh.
“Cô đồng” online
Trong thời kỳ công nghệ phát triển, không thể phủ nhận mạng xã hội như Facebook, Instagram... đang đóng vai trò tích cực trong việc lan tỏa, gắn kết cộng đồng những người tham gia việc Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Thế nhưng, bên cạnh mặt tích cực thì mạng xã hội đang là “con dao hai lưỡi” làm ảnh hưởng đến các giá trị của di sản.
“Dạo một vòng” qua mạng xã hội Facebook không khó để tìm được những tài khoản của thanh đồng, “cô đồng” vô cùng xinh đẹp dưới dạng trang tài trợ, quảng cáo, fanpage... Điểm dễ nhận thấy ở các tài khoản này là việc tràn ngập hình ảnh các lễ hầu đồng, sửa lễ, dọn dẹp tại một ngôi đền, phủ... bên cạnh các dòng thông báo về dịch vụ xem hậu vận, tướng số... Khi nhắn vào mục tương tác các tài khoản này (inbox) chỉ sau ít giây sẽ xuất hiện ngay các câu hỏi về nhu cầu rằng bạn muốn xem gì? Xem phong thủy, xem hậu vận... thậm chí là dự đoán kết quả “số đề” hoàn toàn miễn phí. Lúc này người tương tác với các “cô đồng” chỉ việc cung cấp họ tên, ngày tháng năm sinh và chỉ sau ít phút thì thông tin về hậu vận, tương lai đã được giải đáp, đều theo hướng tích cực.
Trong khi người xem đang thật sự “hoan hỉ” về tương lai tươi sáng trước mắt thì “cô đồng” mới xuất hiện. Với những chiêu bài như “tháng A này có sẽ gặp một cái hạn”, “phong thủy nhà con đang bị vấn đề B”... không khỏi khiến nhiều người lo lắng. Và chỉ chờ có thế, “cô đồng” online sẽ xuất hiện như “thiên thần”ra tay cứu giúp, “ban lộc” làm lễ để “tai qua nạn khỏi” và chi phí thì chuyển khoản.
Chỉ với một vài thủ thuật, chiêu bài tương tác trên mạng xã hội với “mác” thanh đồng, “cô đồng” không ít người đã “nhẹ dạ, cả tin” mất tiền dâng lễ với hy vọng tương lai được tươi sáng. Bên cạnh việc xuất hiện trên mạng xã hội, những năm gần đây tần suất các “cô đồng” mở phủ, trình đồng cũng tăng lên đột biến. Quy trình để công nhận cái danh này, theo nhiều người nhận định, giống một “tấm bằng” để kinh doanh.
Theo quy định, người muốn trở thành đồng thầy phải trải qua 12 năm tu dưỡng mới được “đẻ đồng”, nhưng hiện nay không ít người mới “thử đồng” được 3 năm, thậm chí 1 năm đã tự phong cho mình là “đồng thầy”. Theo GS. TS Lê Hồng Lý - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa: Có một thực tế là ngày nay Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ diễn ra không chỉ tại các đền phủ nổi tiếng, có quy mô lớn, mà còn có thể diễn ra tại chùa, đền, đình, miếu, trong điện tư gia, những nơi mà trước đây rất hạn chế những hoạt động này. Bên cạnh việc đưa lên sân khấu như một tiết mục nghệ thuật, thì việc đem nó đến các hội nghị, hội chợ hay sự kiện... sẽ làm mất đi những giá trị chân thực của di sản này.
Trả lại giá trị thực
Không thể phủ nhận là sau 4 năm kể từ ngày được UNESCO vinh danh, Tín ngưỡng thờ Mẫu đã được nhận diện với đúng bản chất của một di sản văn hóa thay vì chịu định kiến là hoạt động mê tín dị đoan như thời gian trước. Cùng với việc được vinh danh, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản được tiến hành với sự tham gia của các cấp cũng như cộng đồng. Thế nhưng với những “mảng tối” của sự biến tướng, trục lợi đang làm “xấu xí” cho những giá trị cao đẹp của di sản.
Theo PGS.TS Trần Lâm Biền - Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam: Còn biết bao sự kiện sai trái, núp dưới danh nghĩa này hay khác đã được nhiều người ra công ra sức bênh vực, biện luận gán ghép cho nó có tính khoa học, như một đảm bảo để nó tồn tại. Nhưng suy cho cùng đó chỉ là ngụy hoặc ảo khoa học mà thôi. Lấy một ví dụ là tử vi - nhiều người tin vào nó gần như tuyệt đối. Mỗi người có một lá số riêng, được định bởi giờ, ngày, tháng, năm sinh. Song, nếu như đời sống của con người đều đã được định sẵn, thì con người sẽ dễ bằng lòng với số phận, bỏ rơi phấn đấu, chấp nhận cái tiêu cực và nhiều sự phi lý khác…
PGS. TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng: Việc quản lý Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cần thuân thủ theo luật pháp và dựa hẳn vào cộng đồng. Ở cách nhìn rộng hơn, PGS Đặng Văn Bài nhìn nhận, bàn về tín ngưỡng, tôn giáo, chúng ta còn phân biệt dạng sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động mê tín dị đoan theo nghĩa “mê tín là tin một cách mù quáng vào những cái thần bí, vào chuyện thần thánh ma quỷ, số mệnh …”, “mê tín là sự ưa chuộng, tin một cách mù quáng mà không biết suy xét”. Dị đoan là hệ quả của mê tín vì tin tưởng vào những điều không có thật, không hợp lẽ phải do bị người khác lừa phỉnh, dối trá. Mê tín dị đoan là đức tin của con người bị lợi dụng vì những mục đích vụ lợi. Vì mê tín dị đoan làm cho người ta tin một cách mù quáng, mê muội vào những điều mơ hồ dẫn đến những hành vi gây hậu quả tiêu cực... Bởi vậy, đối tượng cần phải quản lý chặt chẽ ở đây chính là những kẻ lợi dụng tín ngưỡng vào mục đích xấu và vụ lợi chứ không phải là các cá nhân bị lợi dụng. Tuy nhiên, giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan chỉ có một ranh giới rất mong manh mà người ta dễ vượt qua một cách vô thức và không chủ ý.
“Vấn đề đặt ra là các cơ quan quản lý nhà nước, các thầy đồng, các bản hội phải tăng cường giáo dục di sản, hướng dẫn các tín đồ phân biệt rõ tác hại do mê tín dị đoan gây ra để có biện pháp ngăn chặn hiệu quả và kịp thời”- PGS Đặng Văn Bài nói.