Không để giá thịt lợn neo cao
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải kiên quyết đưa giá xuống dưới 60.000 đồng/kg thịt lợn hơi trong thời gian tới. Quan trọng nhất là tăng cung bằng cách đẩy mạnh phục hồi đàn lợn trên 32 triệu con. Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh đó phải tập trung khắc phục khâu trung gian, thu mua, giết mổ, nhất là các lò mổ, “khâu này rất phức tạp. Thực ra người nông dân, người mua thì thiệt hại còn ở giữa thì hưởng lợi”.
Thay thế thịt lớn bằng các loại thực phẩm khác đang là sự lựa chọn của nhiều gia đình. Ảnh: Quang Vinh.
Theo Thủ tướng, trong thời điểm dịch bệnh, nếu cố tình đưa giá lên cao thì Chính phủ sẽ quyết định nhập khẩu thịt lợn từ các nước về Việt Nam để giảm giá, phục vụ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng khuyến nghị người dân dùng thực phẩm khác, nhất là các loại thịt khác thay cho thịt lợn, hiện chiếm tỉ lệ quá cao trong bữa ăn.
Với bộ chủ quản thời gian qua, trước tình hình giá thịt lợn “leo thang” đã liên tiếp ban hành 5 văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đề nghị phối hợp bình ổn giá thịt lợn. Trong các công văn, Bộ NNPTNT đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo tổ chức phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt trầm trọng do dịch tả lợn châu Phi. Các doanh nghiệp tổ chức chăn nuôi, sản xuất đảm bảo bình ổn giá; cung cấp thông tin đầy đủ về nguồn cung, giá thịt lợn để người sản xuất, người tiêu dùng biết, tránh hiện tượng găm hàng, thổi giá cao bất thường... Tuy nhiên, giá thịt lợn trong những ngày qua vẫn neo ở mức cao.
Mới đây, Đại diện Bộ Công thương, Bộ NN PTNT, Tổng cục Thống kê đã nhất trí cần thiết phải đề xuất đưa thịt lợn vào diện bình ổn giá, để kiểm soát giá đầu vào, đầu ra, khống chế giá tối thiểu, tối đa. Trên thực tế nêu chỉ khuyến nghị các doanh nghiệp, người bán hàng thì khó có thể giảm giá thịt lợn được, do đó rất cần phải có chế tài cụ thể.
Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn chia sẻ, họ đã phải tăng lượng xuất bán thịt lợn ra thị trường, nhằm góp phần bình ổn thị trường nhưng nếu vẫn còn tình trạng đầu cơ thì chỉ thương lái có lợi, người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao và thị trường vẫn bất ổn. Việc tăng lượng bán ra của các doanh nghiệp cũng chỉ là giải pháp tình thế và không thể kéo dài mãi.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú thì sự tăng, giảm giá thịt lợn những ngày qua không chịu tác động bởi các doanh nghiệp lớn tham gia giảm giá, hay tăng giá mà là do quy luật cung - cầu hàng hóa quyết định. Nói vậy để thấy rằng, khi chúng ta chưa thể xây dựng được chuỗi cung ứng khép kín, thì việc đảm bảo bình ổn giá thị trường cũng sẽ khó thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng, để không xảy ra cuộc khủng hoảng thiếu thịt lợn trong thời gian tới như dự báo, thì các ngành chức năng cần xác định rõ về tình hình dịch bệnh hiện nay để có những chỉ đạo kịp thời, giúp người chăn nuôi sớm tái đàn hiệu quả. Bên cạnh đó cần lưu ý tăng cường xây dựng chuỗi cung - cầu phù hợp, giảm bớt tầng lớp trung gian, qua đó đưa giá sản phẩm về đúng giá thực.
Đáng chú ý, việc nhanh chóng nhập thịt lợn bổ sung cho thị trường tạo cạnh tranh và có lợi cho người dân đang được xem là một trong những giải pháp kéo giảm giá thịt lợn trong nước, tính đến ngày 15/3, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu đạt gần 25.300 tấn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Chuyện nhập khẩu thịt lợn khiến người ta nhớ lại kịch bản đã từng xảy ra với người chăn nuôi gà 20 năm trước. Khi đó phong trào nuôi gà trang trại rất phát triển, nhưng do gà đông lạnh, nhất là phụ phẩm như đùi, cánh, chân nhập về ồ ạt với giá siêu rẻ đã chiếm lĩnh từ bếp ăn công nghiệp, chế biến thực phẩm đến quán ăn vỉa hè. Và hậu quả là không ít trang trại chăn nuôi gà bị xoá sổ.
Hiện mỗi năm Việt Nam chi khoảng 1,5 tỉ USD nhập khẩu sản phẩm từ gà, với gần 3/4 là phụ phẩm. Bởi vậy, để kịch bản này không xảy ra với thịt lợn, nói như Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Doanh nghiệp lớn chăn nuôi lợn phải làm chủ, dẫn dắt thị trường, đừng đưa giá lên quá mức là “gậy ông đập lưng ông”. Người tiêu dùng quay lưng dùng thực phẩm khác, hàng nhập tràn về thì doanh nghiệp đánh mất thị trường ngay trên sân nhà.