Khai báo y tế điện tử tại bến xe, nhà ga: Mục đích tốt, thực hiện khó
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, tất cả hành khách trước khi thực hiện hành trình trên các chuyến bay nội địa, tàu hỏa, tàu chở khách du lịch và xe khách liên tỉnh phải khai báo y tế bắt buộc nhằm phát hiện sớm ca bệnh và kịp thời ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hình thức khai báo điện tử tại các bến xe, nhà ga vẫn vướng.
Khai báo sức khoẻ trên giấy tại bến xe Nước Ngầm (Hà Nội).
Ngày 21/3, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu các đơn vị, các Sở GTVT thông báo cho các hãng hàng không, doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy thực hiện ngay việc khai báo y tế điện tử bắt buộc với hành khách. Về phương pháp thực hiện, Bộ GTVT yêu cầu hành khách trước khi thực hiện hành trình sẽ phải khai báo y tế điện tử bắt buộc và cung cấp mã QR cho nhân viên vận tải. Có 2 cách khai báo điện tử là truy cập website https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng Vietnam Health Declaration.
Do bến xe, ga tàu là nơi tập trung đông người và phương tiện di chuyển thường xuyên nên việc khai báo y tế bắt buộc là một trong những giải pháp ngăn chặn Covid-19.
Sau 3 ngày thực hiện chỉ đạo, theo ghi nhận của PV, ngày 23/3, hành khách tại bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm (Hà Nội) được nhân viên nhà xe đo thân nhiệt và hướng dẫn khai báo y tế đối với khách vào bến. Tuy nhiên, thay vì áp dụng hình thức khai báo điện tử, các bến xe lại đang áp dụng cách thức khai báo trên giấy theo biểu mẫu quy định.
Tại bến xe Giáp Bát, bà Nguyễn Thị Hạnh, 56 tuổi mua vé đi chuyến Hà Nội - Ninh Bình, khi được hỏi về việc thực hiện khai báo sức khoẻ qua điện thoại, bà chia sẻ: Điện thoại của tôi chỉ có chức năng nhận cuộc gọi và nhắn tin chứ không phải điện thoại thông minh để có thể khai báo sức khoẻ bằng hình thức điện tử. Tại các bến xe, rất nhiều trường hợp như bà Hạnh buộc quản lý bến phải áp dụng khai báo sức khoẻ hành khách với phương pháp “thủ công” trên giấy.
Lý giải thực tế trên, ông Nguyễn Tất Thành- Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết: Sở dĩ chúng tôi phải áp dụng hình thức khai báo trên giấy là do rất nhiều hành khách không sử dụng điện thoại thông minh. Mặt khác, các nhân viên nhà xe đa phần không thành thạo công nghệ nên việc hướng dẫn người dân khai báo điện tử trên ứng dụng hoặc website theo chỉ đạo của Bộ GTVT khó khả thi. Vì vậy, bến xe buộc phải lập biểu mẫu, in giấy thủ công để công tác kiểm soát dịch đạt được hiệu quả”.
“Đối với hình thức khai báo giấy, mỗi nhà xe khi vào bến sẽ được phát biểu mẫu gồm các mục như số xe, hành trình, đơn vị vận tải,.. kèm các thông tin sức khỏe… Sau đó, nhân viên nhà xe sẽ có nhiệm vụ lấy thông tin của từng hành khách lên xe và nộp lại cho Ban Quản lý trước khi xuất bến” - ông Thành thông tin thêm.
Hình thức khai báo sức khỏe hành khách trên giấy cũng được áp dụng tại nhiều bến xe khác tại Hà Nội. Sau khi nhà xe nộp bản khai giấy tình trạng sức khỏe của hành khách tại khu vực cổng ra - vào, nhân viên bảo vệ các bến xe sẽ tiếp tục lên xe kiểm tra số lượng hành khách thực tế có khớp với bản khai. Nếu xe nào khai báo sai sẽ buộc phải quay lại thực hiện đầy đủ quy trình mới được xuất bến.
Cùng với việc hướng dẫn hành khách khai báo y tế, công tác tuyên truyền, phòng ngừa sự lây nhiễm Covid-19 cho hành khách được các bến xe thực hiện tương đối tốt. Hành khách trước khi vào khu vực xếp khách đều được kiểm tra thân nhiệt. Bến xe Giáp Bát còn thiết lập khu rửa tay dã chiến ngay cổng soát vé để phục vụ người dân. Tại bến xe Nước Ngầm, dung dịch rửa tay được bố trí tại tất cả các cổng soát vé. Thông tin về dịch bệnh được truyền thông rộng rãi bằng nhiều hình thức: điện tử, tờ rơi…Khu vực cách ly cũng được các bến xe thiết lập ngay tại bến, phòng trường hợp phát hiện người nghi nhiễm dịch. Tuy vây, vẫn có một số hành khách và nhân viên của bến chưa thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và thực hiện khai báo.
Còn ở các nhà ga, đại diện Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, ngành đường sắt đã thực hiện khuyến cáo, hướng dẫn hành khách khai báo y tế điện tử qua hệ thống phát thanh trên tàu. Với khách đi tàu đều áp dụng việc kê khai số điện thoại, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu khi mua vé nên dữ liệu về hành khách khá đầy đủ, khi cần sẽ truy xuất được.
Ngành đường sắt đã yêu cầu nhân viên hướng dẫn hành khách khai báo y tế điện tử. Ai chưa khai thì nhân viên sẽ hỗ trợ, hướng dẫn. Tuy nhiên, cũng giống tình trạng ở các bến xe, không phải nhân viên phục vụ toa xe và hành khách đi tàu nào cũng có điện thoại thông minh hay máy tính bảng để khai báo điện tử.