Khói bếp nhà quê

Nguyễn Quang Hưng 24/03/2020 18:44

Lúc nhận biết được bếp quê, tôi đã ngỡ ngàng sao nó lại to đến thế! Thực sự to như một ngôi nhà. Gian giữa nền đất đắp cao lên là nơi đặt chạn, chiếc bàn gỗ tạp để dọn cơm và hai cái ghế dài thấp hai bên, mỗi ghế ngồi được ba người lớn. Thêm hai cái quang được móc dây vào xà ngang treo đung đưa để đặt nồi thức ăn, đúng như cái câu “chó treo mèo đậy”.

Khói bếp nhà quê

Gian bên phải, tôi nghĩ đó như một cái kho nhỏ bởi để được rất nhiều thứ. Dựa vào tường là cái thang mà nếu trèo cao tít lên, tôi sẽ nhìn sang chuồng lợn ở bên kia bức tường, là cái gian nối tiếp chung mái ngói với căn bếp này. Riêng việc đứng trên thang tò mò nhìn nhà lợn ở dưới kia cũng mất cả một lúc lâu. Theo vách tường bên này, treo những đôi quang gánh, gác những chiếc đòn gánh, đợi đến mùa gặt là các dì lấy xuống đi gặt lúa. Một hai chiếc xe đạp cũ dựng ở đó. Ông ngoại tôi làm nghề sửa xe đạp nên đồ lề trong nhà sẵn lắm! Vách ngoài của bếp đan liếp, tấm đan nong mốt hay nong đôi gì đó bằng những que tre dài qua bao năm đã bạc xám ra. Giáp vào đó là một cái giá mấy tầng có thể để được nhiều những chiếc mẹt, chiếc nia và mấy cái thúng, dùng cho các việc sàng sẩy, đậy điệm. Lại gác cả cái nong to đến mức nếu lăn nó ra, ngả xuống, mấy đứa trẻ con chúng tôi có thể nằm khoanh khoanh vào chơi, hoặc coi nó như một cái ao nhỏ để chơi các con vịt hay chiếc tàu nhựa. Chiếc nong đợi đến khi nào nấu rượu nếp là bà hay các dì ngả cơm nếp vừa nấu ra đó. Khói nóng nghi ngút thơm trong luồng nắng soi vào qua cửa bếp rộng. Trước khi cơm nếp nguội để người lớn rắc men, chúng tôi “xông” vào vặt miếng cháy nếp vàng dày dặn mà nhai thì nào dẻo, nào dính, nào ấm nóng, nào ngọt thơm cứ ùa lên cả một lúc.

Chưa hết, gian bếp ấy còn đặt được cả cái cối xay bột bằng đá với chiếc cán gỗ dài mà mỗi lần vần ra giữa gian, tra đầu kia của cán vào quai cối, đầu này gần tay cầm có buộc sợi dây thừng nối với xà nhà, là dì tôi có thể đứng xay thoải mái. Bên cạnh lỉnh kỉnh nào thúng gạo, nào thùng nước để đổ vào xay, dưới miệng cối là chậu đặt sẵn để dòng bột nước trắng mịn mát cả mắt sẽ từ từ chảy xuống. Cọt kẹt, cọt kẹt đều đặn theo vòng quay cối xay và dáng dì tôi vươn ra, kéo lại, đều đặn, lâu bền đến mức tưởng là mãi mãi. Tôi đứng nhìn gạo ướt được xúc đổ vào miệng cối đầy có ngọn rồi cứ thấp dần, thấp dần mà chẳng hiểu vì sao.

Cũng chính ở gian ấy, khi nào nấu bánh đúc xong, dì tôi đổ bánh nóng đang mềm nhão chảy tràn xuống mặt lá chuối đã rải sẵn trên những chiếc mẹt, rồi sẽ rắc lên đó ít lạc giã vỡ dập. Tôi đã có lần phải khóc thét vì lại cũng… xông vào bốc bị bỏng đỏ rực cả tay.

Khói nong cơm nếp, khói mẹt bánh đúc, khói của rơm đùng đục, khói nghi ngút mờ hơi nước nồi cơm mở vung, khói mảnh lượn trên đĩa rau, bát nước canh, những làn khói, luồng khói tỏa thơm thơm, khét khét, loang loang, lan đi, trong những khoảnh khắc ánh sáng chiếu vào căn bếp, khi nắng vàng rực ấm, khi sáng trắng sau cơn mưa, khi mờ nhạt ngày lạnh. Bây giờ, những vùng khói và ánh sáng ấy lẫn vào nhau trong đôi mắt tôi nhìn ngược lại phông nền nhớ và nghĩ của mình. Mùi đĩa rau muống luộc thơm ngai ngái. Mùi bát tương thơm nồng nồng ngọt ngọt hơi chua chua. Con mèo mướp cứ len lỏi dưới gậm bàn và giữa chân mọi người, mè nheo mỗi bữa ăn. Những tối gió lạnh lùa vào chập chờn một hai chiếc đèn dầu hồi nhà quê chưa có điện. Những lúc bác tôi đặt chiếc thớt to lên trên cái mẹt rồi chặt thịt gà côm cốp. Những lần nhà có giỗ, những lần về Tết, tiếng nói rộn rã, tiếng cười khanh khách, lại cả tiếng ai uống hơi quá nên nói hơi nhiều một chút. Những người ngồi trên ghế dài, ghế con, ngồi xổm trên nền bếp, những người đi ra đi vào cửa bếp, những người ngồi đun bếp, tay đẩy rơm, miệng không thôi hỏi han, kể lể bao nhiêu thứ chuyện. Tôi nhớ rằng ai cũng cười!

Phải rồi, không thể không nhớ như in gian bếp trữ rơm, củi và đun nấu. Gian này ở bên trái, xây bốn vách tường để còn chắn gió, tất nhiên phải thông với gian giữa, và có ô cửa vuông phía trước để thoát khói. Ngồi bên trong nhìn ra ngoài qua ô cửa ấy, thấy màu trắng sáng lạ lùng. Nó như sắp hắt cả khối sáng vào mình đến nơi vậy. Sáng quá mà sao lại có gì như bí ẩn! Bức tường đối diện ô cửa ấy, ở phía sau lưng người ngồi đun bếp, cũng để trổ ra vài ô gạch nữa cho thoáng, nhìn cả sang được vườn, sân nhà láng giềng khiến tôi hay đứng sát vào đấy mà nhòm sang nhà người ta mãi. Thấy người ta đứng, đi, ngồi ở đằng kia với tiếng lao xao mà chẳng biết người ta nói gì, sốt ruột thế không biết!

Gian bếp bập bùng lửa, lúc nào cũng khô ráo nhất, ấm áp nhất, đem lại cảm giác kín đáo nhất. Ngày lạnh, ngày mưa, được chạy vào đấy sau những nhép nhép ngoài đường ngõ, ngoài sân nhà, sau những gió máy hun hút và những lùm cây nghiêng ngả, thế là yên ổn, là khô và ấm ở giữa mẹ với các bác các dì. Trước mặt là lửa đỏ. Lửa nhảy múa và tỏa hơi nóng, lúc nào cũng vậy, ngồi trước lửa, mặt mọi người hồng hào, quần áo đầu tóc khô thơm, ấm áp. Nhiều lần, tôi ngồi trên ghế gian giữa nhìn mãi không biết chán bác hay dì ngồi liền đấy đun bếp. Bởi đun rơm thường phải luôn tay vun rơm, cời lửa, gạt tro. Ngọn lửa được nuôi bập bùng dưới nồi, ấm, giữa những chân kiềng, lúc cần nóng ngay, sôi nhanh thì chùm lên phần phật, lúc giữ nhiệt thì nhỏ nhẹ, liu riu. Có lúc sắp đun nấu xong thì ngọn lửa nhỏ dần, rồi lịm đi, tro rơm hồng rực và hơi nóng hực lên một lát rồi chuyển đen, sẫm dần, để cuối cùng nguội thành tro xám. Trước lúc đó, người lớn đã đứng lên đi ra, làm tôi cứ ngồi ngẩn ra mà nhìn trân trân mãi vào đám than, tro ấy mà tiếc sao bếp không cháy tiếp.

Ở gian bếp ấy, tôi lớn dần giữa người lớn trong nhà, luôn luôn thấy mình nhỏ, mình thấp giữa mọi người, giữa ba gian bếp rộng rãi, cất chứa đủ thứ. Nơi ấy, bây giờ tôi không thể trở về được nữa bằng cảm giác thực. Quê ngoại tôi, cũng như bao quê nhà khác, đời sống đã tiện nghi hơn nên theo thời gian những chục năm, dùng bếp điện, bếp ga, bếp từ. Và những người đã cùng ngồi quanh mâm cơm, trên ghế hai bên chiếc bàn gỗ tạp, ăn những bữa cơm đèn dầu lập lòe tối, cũng không còn đông đủ nữa. Một lần tôi ngồi nghe các bác các dì ngồi trong bếp nói chuyện phiếm. Mọi người bảo nếu mà bây giờ bỗng nhiên thầy, tức là ông ngoại tôi, mà từ ngoài cổng đi vào thì thích lắm nhỉ! Đấy là khi ông ngoại đã mất mấy năm rồi, sau một lần đi giải đêm bị cảm. Thế mà tôi vẫn cứ hay nhìn ra cổng để tưởng tượng ông ngoại đang chống gậy khom khom đi vào. Bà ngoại thì cứ nhắc mãi, một hôm bố tôi về, nhìn nhà không còn thấy ông, bố ngồi ở chiếc ghế trong bếp và khóc.

Bây giờ, mỗi lần về quê, tôi đứng nhìn ngôi nhà tầng xây lên trên nền căn bếp ngày trước, và xác định chỗ tôi đã chạy ra chạy vào, mọi người đã đứng, đã ngồi, đã trêu nhau, đã cười đùa mỗi lần các nhà về quê tụ họp. Tôi muốn hình dung ra bố tôi ngồi đó, trên chiếc ghế và khóc. Tôi nhớ hình ảnh ông ngoại ngồi xổm ở gian giữa bếp, đan một cái rế bằng dây đồng to và cái dây cao su vuông, hoặc bện một cái chổi chít. Ngày xưa, lúc nào ông cũng làm một việc gì đó. Tôi tưởng tượng cả cảnh mà sau này nghe kể lại: bà tôi ngã ở chỗ cửa chuồng lợn một ngày đông, rồi từ đó bà tôi bò vào bếp nằm, kéo được cái chiếu đắp lên người. Anh tôi còn nhỏ chạy đi chơi đâu về, bà thều thào bảo chạy đi gọi người lớn về. Thế là cứu được bà kịp.

Hồi bà ngã, lâu lắm rồi, khi chúng tôi còn bé lít nhít. Từ đó phải bao chục năm nữa, đến khi bà tôi hơn trăm tuổi, bà mới mất. Bao năm ấy, ngày ngày bà vẫn lên nhà, xuống bếp, ra, vào nấu cơm, đun cám, sàng sẩy thóc gạo, cất nồi niêu, úp muôi úp bát. Bây giờ qua các nhà, tôi hay nhìn vào bếp, nhớ căn bếp quê mình, nơi bây giờ tôi đứng giữa sân nhìn quanh và nhớ chỗ này bể nước, chỗ này cầu nước, chỗ kia cây rơm, lùm chuối, mấy tảng đá xanh làm thềm bước lên bếp. Tôi nhớ chỗ thoát khói lên từ mái bếp, như một ô cửa chữ nhật nằm ngang. Từ đó nghi ngút, bồng bềnh, bảng lảng, tỏa xám lên không trung bầu trời quê những chiều mây bàng bạc. Khói xa xưa tượng hình những tháng ngày nhỏ dại, tượng hình ông bà, bố tôi và những người thân khác nữa đã đi vắng, đang ở trên ấy.

Nguyễn Quang Hưng