Hướng xử lý khi các văn bản có quy định khác nhau về cùng một vấn đề
Trên thực tế áp dụng pháp luật hiện nay vẫn còn tồn tại thực trạng các văn bản có quy định khác nhau về cùng một vấn đề. Hướng xử lý, giải quyết vấn đề này như thế nào là một trong những nội dung lớn thu hút sự quan tâm, thảo luận của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 43 khi xem xét về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BHVBQPPL).
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được xem xét lần 2 tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: VGP.
Đề cập đến nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp các văn bản có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, theo quy định của Luật BHVBQPPL, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau (Khoản 3 Điều 156).
Ngoài nguyên tắc nêu trên, thực tế trong hệ thống pháp luật hiện nay còn tồn tại nguyên tắc “ưu tiên áp dụng pháp luật”. Việc tồn tại đồng thời 2 nguyên tắc áp dụng pháp luật như vậy dẫn đến phát sinh xung đột, mâu thuẫn trong một số trường hợp do không xác định được phải áp dụng theo quy định nào.
“Đây cũng là một trong các vấn đề chồng chéo trong pháp luật về đầu tư kinh doanh được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu ra thời gian gần đây. Chính phủ cũng đã nhận diện được bất cập này và đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 156”, ông Hoàng Thanh Tùng phát biểu.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, trong quá trình nghiên cứu xử lý vấn đề này còn có 2 loại ý kiến. Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định như Khoản 3 Điều 156 của Luật BHVBQPPL là phù hợp để bảo đảm tránh xung đột, mâu thuẫn trong áp dụng pháp luật. Trường hợp văn bản ban hành trước có quy định ưu tiên áp dụng pháp luật thì vẫn phải thực hiện theo nguyên tắc áp dụng văn bản ban hành sau.
Để khắc phục tình trạng mâu thuẫn giữa các luật, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm các cơ quan thực hiện nghiêm túc quy định tại Điều 12 của Luật BHVBQPPL (rà soát kỹ, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan ngay từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý).
Vì vậy, loại ý kiến này đề nghị giữ nguyên quy định tại Khoản 3 Điều 156 (Phương án 1). Phương án này có ưu điểm là đơn giản, dễ vận dụng, bảo đảm thực hiện nhất quán nguyên tắc áp dụng quy định của văn bản ban hành sau. Hạn chế của phương án này là sẽ phủ nhận hiệu lực của nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật, không đáp ứng được mục tiêu ban hành luật trong một số trường hợp.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng cả nguyên tắc áp dụng pháp luật tại Khoản 3 Điều 156 và nguyên tắc “ưu tiên áp dụng pháp luật” như trong một số luật là cần thiết. Việc phát sinh mâu thuẫn trong thực tiễn áp dụng luật là do trong Luật BHVBQPPL chưa có sự kết nối giữa 2 nguyên tắc này.
Vì vậy, loại ý kiến này đề nghị sửa đổi Khoản 3 Điều 156 theo hướng: Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau; trường hợp văn bản ban hành trước có quy định ưu tiên áp dụng pháp luật đối với vấn đề đó thì áp dụng quy định của văn bản ban hành trước (Phương án 2).
Phương án này có ưu điểm là khắc phục được sự chồng chéo do đồng thời tồn tại 2 nguyên tắc gây ra, bảo đảm sự tuân thủ đối với nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật trong một số luật đã được Quốc hội quyết định, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng một số cơ quan soạn thảo vì lợi ích cục bộ, cố ý đặt ra quy định khác trong các văn bản ban hành sau.
Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là có thể dẫn đến nhiều văn bản có quy định “ưu tiên áp dụng” hơn; do đó, các cơ quan ban hành văn bản cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, chỉ cho phép quy định nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật đối với một số vấn đề xác định cụ thể trong trường hợp thật cần thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP.
“Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, dù thực hiện theo Phương án 1 hay Phương án 2 thì việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Điều 12 của Luật BHVBQPPL nhằm hạn chế tối đa việc quy định mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật ngay từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra… là cần thiết. Do đó, cùng với việc sửa đổi khoản 2 Điều 12 để làm rõ hơn nội dung này, trong dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc rà soát hệ thống pháp luật và trong hồ sơ dự án trình thẩm định, thẩm tra, thông qua... phải có báo cáo kết quả rà soát để làm cơ sở xác định rõ trách nhiệm và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị lưu ý đến việc quy định song song hai nguyên tắc áp dụng pháp luật là ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành và ưu tiên áp dụng văn bản ban hành sau; đồng thời cho rằng, nếu quy định cả hai nguyên tắc này trong thời gian tới thì sẽ tiếp tục gây ra chồng chéo trong hệ thống pháp luật, khó khăn trong áp dụng, không rõ sẽ áp dụng văn bản nào.
Ở khía cạnh khác, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng vẫn cần quy định cả hai nguyên tắc đồng thời cần có quy định để xử lý bảo đảm liên thông giữa hai nguyên tắc này.
Nhiều ý kiến nêu rõ quan điểm, trong công tác xây dựng pháp luật cần đặc biệt tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tính nhất quán trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hạn chế tối đa việc đưa ra quy định mâu thuẫn, chồng chéo, thiết nhất quán giữa các luật ngay từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, trong trường hợp các văn bản có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản sau. Trong trường hợp luật ban hành trước có những chính sách cần ưu tiên áp dụng thì các luật sau vẫn thấy các điều đó hợp lý thì quy định ngay trong luật.
Trước đó, tại phiên họp 41 (tháng 1/2020), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở định hướng cho các cơ quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Như vậy, tại phiên họp thứ 43 thì đây là lần thứ 2 dự án Luật quan trọng này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra xem xét.