Châu Âu lại đối diện với khủng hoảng người tị nạn

Đình Tú 26/03/2020 07:00

Chính phủ các nước châu Âu đang gồng mình ngăn chặn đại dịch Covid-19 nhưng cũng đang phải phân tâm đối phó với một nỗi lo khác: Hàng triệu người di cư bất hợp pháp từ Trung Đông mà chủ yếu là Syria đang tìm cách đến EU.

Châu Âu lại đối diện với khủng hoảng người tị nạn

Người tị nạn đang tập trung tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chờ cơ hội tràn sang EU.

“Con bài thương lượng”

Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định nới lỏng việc kiềm chế người tị nạn trên lãnh thổ nước này vào các nước thuộc EU vào đầu tháng 3 năm nay. Người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas cho biết, việc hàng chục nghìn người di cư đang tìm cách tràn qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào Hy Lạp là do “được Thổ Nhĩ Kỳ hướng dẫn và khuyến khích”. Hy Lạp cũng tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ đơn xin tị nạn mới nào trong một tháng và gửi trả lại bất kỳ người nào nhập cư trái phép.

Hiện có khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria đang sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ và người di cư từ nhiều nước, trong đó có Afghanistan, đều coi Ankara là điểm trung chuyển trong hành trình đến châu Âu.

“Nếu muốn giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, các nước châu Âu cần ủng hộ những giải pháp của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria”. Đây là đề nghị của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mới đây trong bài phát biểu trên truyền hình nước này.

Theo Tổng thống Erdogan, những nước châu Âu đóng cửa biên giới với người tị nạn đang không tôn trọng các quyền của họ. Ông nhấn mạnh nếu muốn giải quyết vấn đề, các nước châu Âu cần ủng hộ những giải pháp về chính trị và nhân đạo của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.

EU cuối cùng cũng phải nhượng bộ, khi mới đây tuyên bố sẽ chuẩn bị bổ sung 500 triệu Euro viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ để giảm bớt căng thẳng với Ankara.

Số tiền này sẽ được bổ sung vào khoản 6 tỷ Euro được phân bổ từ năm 2016 để tài trợ cho các chương trình hỗ trợ người tị nạn. Phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đưa ra phản ứng về lời đề nghị mới nhất này của EU.

EU cũng đề nghị tạo điều kiện thuận lợi trong chính sách cấp thị thực cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu. Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell, trong chuyến thăm tới Ankara cũng đã đã tuyên bố dành 170 triệu Euro viện trợ khẩn cấp “cho những người dễ bị tổn thương nhất ở Syria”.

Trước đó, các quan chức EU lên tiếng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ “tống tiền” bằng cách mở cửa biên giới vào đầu tháng 3 cho hàng nghìn người tị nạn đang cố gắng đổ vào châu Âu. Trong khi các nhóm bảo vệ nhân quyền cáo buộc Thổ Nhỹ Kỳ sử dụng người di cư như những con bài thương lượng và lên án châu Âu vì đã không hỗ trợ đầy đủ.

Truyền thông Trung Đông dẫn tuyên bố của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu sử dụng làn sóng người tị nạn thứ hai như là một hình thức tống tiền châu Âu”.

Nguy cơ khủng hoảng

Theo các thông tin từ phía Hy Lạp, thì 76 nghìn người đang chuẩn bị vượt qua biên giới từ phía Thổ Nhỹ Kỳ. Trong khi đó, Tổ chức Di cư quốc tế đưa ra con số thấp hơn, khoảng 13 nghìn người. Người di cư đi bằng bất cứ đường nào miễn là vào được EU.

Trong suốt cuối tháng 2 và tháng 3, cảnh sát Hy Lạp đã phải dùng hơi cay để đẩy lùi hơn 4.000 người định vượt biên trái phép tại biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Cá biệt, các lực lượng biên phòng Hy Lạp đã chặn gần 10 nghìn người có ý định vượt biên tại Evros- khu vực trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ- chỉ trong vòng một ngày.

Trước những diễn biến có thể dẫn đến nguy cơ một cuộc khủng hoảng người tị nạn như năm 2015, Thủ tướng Hy Lạp đã đưa ra cảnh báo những người tị nạn rằng trong trường hợp phá vỡ biên giới, họ sẽ được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời ông kêu gọi các nước EU giúp giải quyết tình hình hiện tại.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đáp lại lời kêu gọi của ông Kyriakos Mitsotakis, bày tỏ “sự đoàn kết đầy đủ” với Hy Lạp, Bulgaria và hứa sẽ cung cấp cho họ tất cả sự hỗ trợ có thể.

Trong khi đó, Áo là quốc gia có phản ứng mạnh mẽ nhất với cuộc khủng hoảng di cư mới nổi. “Không nên lặp lại tình huống như năm 2015. Nếu việc bảo vệ ở đó thất bại, Áo sẽ tự bảo vệ biên giới của mình”-Thủ tướng Áo Sebastian Sebastian Kurtz khẳng định. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc giải quyết vấn đề người tị nạn phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ và nước này thay đổi quan điểm của mình trong cuộc khủng hoảng di cư liên quan tới tình hình ở Syria.

Chừng nào Syria còn chưa yên thì làn sóng người tị nạn sẽ là một sức ép của EU đến các đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ trên bàn đàm phán chia sẻ lợi ích.

Đình Tú