Khắc phục tình trạng được mùa rớt giá
Trong bối cảnh dịch Covid- 19 đang bùng phát trên toàn cầu, giao dịch nông sản của Việt Nam với thị trường Trung Quốc ùn ứ nhiều ngày qua, việc xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ… cũng gặp khó. Thực tế đó càng cho thấy cần giải pháp tái cơ cấu thị trường, tăng cường đầu tư chế biến nhằm đa dạng sản phẩm.
Là một tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn ở miền Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La Ðỗ Thị Bích Châu cho biết: Hiện Sơn La có 47 cơ sở chế biến nông sản công suất hơn 150 nghìn tấn, chủ yếu tham gia xuất khẩu, ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở chế biến vừa và nhỏ. Ðể đón đầu tình hình mở rộng sản xuất nông sản, 3 năm qua, tỉnh đã kêu gọi đầu tư xây dựng 6 nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Ðáng chú ý, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã tích cực hỗ trợ nhà máy chế biến, bảo quản nông sản công nghệ cao của Công ty SI Vân Hồ đẩy nhanh tiến độ và vừa đi vào hoạt động. Tỉnh cũng đã hỗ trợ Tập đoàn TH giải phóng mặt bằng, cung cấp điện, nước, xử lý môi trường để nhà máy chế biến rau quả, đồ uống công nghệ cao dự kiến hoạt động vào tháng 7/2020 với công suất 18 đến 20 nghìn chai/giờ, sẽ tiêu thụ lượng lớn hoa quả cho nông dân trên địa bàn.
Còn ở phía Nam, ông Nguyễn Ngọc Phan, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thanh long sấy Long Châu, ấp Hội Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, Long An cũng cho biết: Diện tích thanh long trên địa bàn huyện ngày càng được mở rộng, sản lượng cũng tăng nhanh. Lâu nay thanh long chủ yếu xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc nhưng giá cả thường xuyên biến động. Do vậy, chúng tôi đang bắt tay vào sản xuất thanh long sấy khô xuất khẩu và đã chào bán tại một số thị trường như Singapore, Malaysia… với mức tiêu thụ rất khả quan.
Từ góc nhìn của nhà quản lý, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cũng cho rằng: Trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát hiện nay càng cho thấy ngành rau, quả cần phải tái cơ cấu thị trường, mở cửa và đa dạng hóa sản phẩm, tránh rủi ro vì phụ thuộc vào những thị trường nhất định.
Theo ông Toản, chế biến nông sản sẽ được tăng cường, dự kiến đến năm 2030, tốc độ tăng giá hàng nông sản qua chế biến sẽ đạt 7% - 8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành hàng đạt 30% trở lên; trên 50% cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến.
Mới đây, tại triển lãm và hội nghị quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế nhận định, Việt Nam không chỉ có tiềm năng trở thành một trong những nhà xuất khẩu hoa lớn nhất thế giới mà các mặt hàng chế biến trái cây Việt Nam cũng bắt đầu có triển vọng đầu ra. Bên cạnh đó, trước nhu cầu rau quả tươi và chế biến của thế giới đang ngày càng gia tăng, “sân chơi” đầu tư vào chế biến sâu của Việt Nam sẽ nhộn nhịp hơn.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) cho biết: Việc tiếp tục thu hút doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào ngành chế biến nông sản là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý làm sao để các nhà máy hoạt động hiệu quả trong bối cảnh nền sản xuất nhỏ, phân tán như hiện nay. Bởi thực tế, việc các địa phương đã có sẵn vùng trồng đạt chuẩn, nhưng mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư nhà máy chế biến vẫn còn rất hạn chế.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các nhà máy chế biến cần được xây dựng ở ngay vùng nguyên liệu để tiết kiệm chi phí. Nhà nước cũng phải định hướng để doanh nghiệp chọn lọc đầu tư vào các mặt hàng có lợi thế, nghĩa là sản phẩm vừa có thị trường, vừa đảm bảo về mặt thời vụ kéo dài chứ không chỉ thu hoạch tập trung vào một giai đoạn ngắn trong năm khiến chi phí duy trì, khấu hao máy móc quá cao. Việc đầu tư nhà xưởng sơ chế, bảo quản cũng cần được quan tâm để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến.