Đề thi THPT quốc gia 2020: Sẽ bám sát chương trình đã tinh giản
Ngày 25/3, Bộ GDĐT tổ chức hội nghị trực tuyến ở 64 điểm cầu (Bộ GDĐT và 63 Sở GDĐT) về việc phòng chống dịch Covid-19 và triển khai dạy học trên truyền hình, internet, tinh giản chương trình học kỳ 2 theo hướng nào?
Dạy học trực tuyến trong mùa dịch.
Lược bớt nội dung chương trình
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT cho biết việc rà soát nhằm giảm tải nội dung chương trình đang được Bộ GDĐT gấp rút triển khai. Những tiểu ban rà soát chương trình bao gồm các chuyên gia giáo dục, tác giả SGK, giáo viên phổ thông của từng môn học/cấp học.
Về nguyên tắc rà soát, ông Thành nhấn mạnh 3 yếu tố: Thứ nhất, căn cứ vào chương trình và đối chiếu với sách giáo khoa (SGK), các tiểu ban sẽ đưa ra các nội dung trong sách đang ở mức vận dụng cao để tinh giản.
Thứ hai, sẽ rà soát để tích hợp các bài học trong SGK thành các bài học theo chủ đề. Theo đó, hướng dẫn các địa phương dạy học sao cho tiết kiệm thời gian và thiết kế các bài giảng trên internet và trên truyền hình sao cho tự học nhiều hơn bởi hiện các em đang ở nhà và có SGK trong tay.
Thứ ba, có những nội dung giao thoa giữa môn này và môn kia. Nếu trước đây có thời gian, vẫn giữ lại các phần này. Nhưng do thực tiễn nghỉ học dài ngày nên các tiểu ban sẽ họp để có thể bỏ hẳn một, hai môn, chỉ giữ lại để dạy trong một môn chiếm ưu thế.
Chia sẻ thêm, ông Thành cho biết mỗi môn học sau khi tinh giản sẽ có phụ lục rõ ràng để công bố trên toàn quốc và thiết kế các bài học phù hợp để giảng dạy trên truyền hình. Khoảng thời gian đã dạy trên truyền hình và trên internet trong thời gian nghỉ, các em đã thu được một số kiến thức nhất định, phần còn lại sẽ được hoàn thiện tiếp sau khi trở lại trường học.
Băn khoăn về đề thi THPT quốc gia
Tại hội nghị, các đại biểu nêu phương án đối với cấp tiểu học, THCS thì Bộ GDĐT có thể định hướng để các sở chủ động rà soát, tinh giản để giảm gánh nặng cho Bộ. Riêng bậc THPT thì Bộ GDĐT cần rà soát, giảm tải để thống nhất trên cả nước do liên quan tới đề thi THPT quốc gia 2020. Các ý kiến cũng băn khoăn phần giảm tải rơi vào cả lớp 10,11 và 12 hay chỉ riêng học kỳ 2 lớp 12?
Trả lời vấn đề này, ông Thành cho biết, cấu trúc, đề thi THPT quốc gia năm nay, Bộ GDĐT sẽ bám sát chương trình đã tinh giản. Theo đó, những phần mở rộng, đào sâu kiến thức ở học kỳ II đã được lược bỏ sẽ không ra đề, còn những câu hỏi ở mức cơ bản thì học sinh sẽ đáp ứng được.
Để chuẩn bị kiến thức, nền tảng tốt cho học sinh ứng phó kỳ thi trong điều kiện hiện nay, ông Thành cho biết, địa phương đã lên nhiều phương án để không ở thế bị động. Trong đó, nếu học sinh đi học từ đầu tháng 4, các nhà trường được hướng dẫn tinh giản một phần kiến thức đơn giản như các khái niệm, hiện tượng mà các em có thể tự học và học trên truyền hình. Trường hợp học sinh phải nghỉ học hết tháng 4, sẽ tinh giản hết cả những phần kiến thức mở rộng, nâng cao. Nếu học sinh xuất sắc muốn đạt điểm tuyệt đối khi đi học trở lại, nhà trường sẽ có kế hoạch bồi dưỡng thêm và các em tự học ở nhà.
Lưu ý khi giảng dạy trên truyền hình, online
Theo ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GDĐT, hiện có khoảng 14 tỉnh, thành phố thực hiện dạy học trên truyển hình. Nhiều địa phương, nhà trường đã dạy qua internet hoặc sử dụng các phần mềm dạy và học trực tuyến để giảng dạy, củng cố kiến thức cho học sinh trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ đã xây dựng hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình đảm bảo tinh gọn, tiện ích, đáp ứng yêu cầu chất lượng theo chuẩn đầu ra của chương trình áp dụng cho học kỳ 2 năm 2020, đồng thời căn cứ vào đó, các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học qua internet, trên truyền hình theo chương trình giáo dục đã được tinh giản.
Hiện Bộ GDĐT đã gửi các Sở GDĐT dự thảo công văn giảng dạy trên truyền hình và trên internet. Theo đó, đảm bảo 3 yêu cầu: Học sinh phải được học tập để hoàn thành chương trình; Nâng cao năng lực cho các thầy cô cũng như tăng cường mối quan hệ của gia đình, nhà trường.
Cụ thể, đối với dạy học qua Internet, Bộ GDĐT sẽ yêu cầu các trường đảm bảo điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin ứng dụng vào dạy học, yêu cầu cụ thể về học liệu, trong đó các bài dạy phù hợp với hình thức này, dựa trên chương trình đã được Bộ GDĐT tinh giản.
Điểm cần chú ý là giáo viên phải giao nhiệm vụ rõ ràng cho học sinh, phát huy năng lực tự nghiên cứu tài liệu, tăng cường các giải pháp kỹ thuật để học sinh có thể thảo luận, tương tác qua mạng Internet. Các trường cần kết nối chặt chẽ hơn với gia đình để cùng hỗ trợ học sinh giai đoạn này.
Miễn phí hạ tầng dạy học trực tuyến, truyền hình
Đây là một trong những đề xuất của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ với Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhằm hỗ trợ việc dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình đạt hiệu quả trong thời điểm dịch bệnh.
Theo đó, để “học sinh không đến trường nhưng việc học không gián đoạn”, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các nhà mạng interrnet, có chính sách miễn phí dịch vụ internet cho học sinh, giáo viên sử dụng các hệ thống dạy học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19; Chỉ đạo thêm các đài truyền hình tham gia phát sóng dạy học, tăng thời lượng phát sóng cũng như chia sẻ nội dung, tiếp sóng các bài giảng qua các kênh truyền hình; Xem xét hỗ trợ miễn phí hạ tầng công nghệ thông tin cho các trường ĐH, cho các vùng khó khăn, bởi vì hiện nay, nhiều trường ĐH quá tải về hạ tầng công nghệ thông tin khi đào tạo trực tuyến cho số lượng lớn sinh viên.
Thống nhất với các đề nghị của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ để đồng hành với ngành Giáo dục trong giai đoạn trước mắt. Trong đó có việc miễn phí hạ tầng dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong thời điểm dịch bệnh.