Lộc chưa thấy, họa nhãn tiền
Tạm thời đóng cửa các cơ sở dịch vụ kinh doanh không cần thiết như karaoke, massage, quán bar, vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, sân vận động... ở Hà Nội. Với TP Hồ Chí Minh còn áp dụng cả với nhà hàng nếu công suất phục vụ trên 30 người. Giải pháp quyết liệt đó cần được người dân thấm nhuần và tránh tập trung đông người tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Nếu không dịch sẽ bùng phát. Lộc chưa thấy, họa nhãn tiền.
Trên mạng xã hội vừa chia sẻ mạnh hình ảnh một người đàn ông đeo khẩu trang, tay đặt lên ngực, trước một bàn thờ đơn sơ chỉ có chút hoa, quả và cốc thủy tinh thay bát hương giữa sân vắng. Đó là ông Trần Đình Sỹ (51 tuổi, quê Nghệ An). Ông Sỹ trở về từ Malaysia và trong diện phải chịu cách ly 14 ngày tại Đà Nẵng. Trớ trêu thay, chiều 23/3, bố ông qua đời. Dù rất đau xót, nhưng vì sự an toàn cho cộng đồng, ông Sỹ đành nhờ những người quản lý nơi cách ly lập cho mình một bàn thờ để thắp hương chịu tang.
Trái nghịch với hình ảnh của ông Tiến, sáng 24/3 vào đúng 1/3 âm lịch, hàng ngàn người đã đổ về Phủ Tây Hồ để lễ. Người thì bịt mặt, người không. Dù BQL di tích đã thông báo ngừng đón khách, đóng cửa di tích đến hết 31/3/2020 nhưng người dân vẫn cứ chen nhau xô vào khuôn viên Phủ Tây Hồ. Đồ lễ bày la liệt ở sân trước phủ. Trong cảnh nhốn nháo đó, có lẽ ai cũng nghĩ vi rút corona nó chừa mình ra?
Dù đã có vài vạn người phải cách ly, nhưng nguy cơ lây nhiễm ở cộng đồng là hết sức lớn. Trước tình cảnh người người chen lấn đi lễ suốt từ trong sân đền đến ngoài đường như thế, chính quyền và cơ quan công an sở tại của Hà Nội đã phải mau chóng tới giải tán và ngăn cấm không cho người dân vào nữa. Nói về sự việc đáng buồn ở Phủ Tây Hồ, sáng 25/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải thốt lên: “Nếu người dân không tự giác, nghiêm túc chấp hành các quy định, khuyến cáo thì mọi nỗ lực của Chính phủ, Hà Nội sẽ đổ xuống sông, xuống biển”.
Trước đó, tại phiên họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều 20/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Cần vận động xã hội thay đổi thói quen, đó là giao dịch trực tuyến nhiều hơn nữa, sử dụng điện thoại nhiều hơn trong công việc, ít giao tiếp để tránh lây nhiễm. Một số tôn giáo nên tu hành, làm lễ tại gia; đám giỗ, đám cưới đông người cần hạn chế.
Tiếp tục yêu cầu không tụ tập đông người. Khuyến cáo người dân ít ra nơi công cộng. Những hình thức giải trí như karaoke, giao lưu khác cần dừng lại, thậm chí yêu cầu đóng cửa.
Đi lễ chùa, đền, phủ, nhà thờ… là quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người. Nhưng đang trong diện cách ly (và vài ngày sau là có kết quả dương tính với covid-19) mà bệnh nhân số 100 – một người đàn ông ở TP Hồ Chí Minh cố tình trốn cách ly đi lễ 5/lần ngày thì thật khủng khiếp. Những người biết mình tiếp xúc với ngươi đàn ông này thì sẽ khai báo tự cách ly, nhưng người vô tình gặp mà không biết thì sao?... Ai dám chắc tại Hà Nội, ngoài các cơ sở y tế chữa bệnh cho người mắc dịch, và tại các địa điểm cách ly tập trung không có ai mắc Covid-19?.
Đi lễ để cầu an, cầu lộc, cầu tài không ai cấm. Nhưng trong lúc “dịch giã” như thế này rất cần sự chấp hành nghiêm túc của mỗi người dân. Đến thời điểm hiện tại, cũng đã có nhiều ý kiến nên xử lý hình sự những trường hợp mắc Covid-19 hoặc đang bị cách ly mà vẫn trốn cách ly. Đi lễ để cầu cho mình hay cho gia đình mình thì mới chỉ lo cho cá nhân. Để cầu lộc cho bản thân và gia đình mà bất chấp đến sự an toàn của nhiều người trong xã hội thì ý thức công dân của người đó để đâu? Thậm chí, trong đám đông nhốn nháo đi lễ ở Phủ Tây Hồ, người ta còn thấy cả những người phụ nữ bụng mang dạ chửa sắp đến ngày sinh cũng đi lễ. Nếu họ mong sự an toàn cho mình và đứa bé sắp chào đời thì đừng như vậy. Cầu lộc còn chưa thấy đâu thì nguy cơ gây ra nguy hiểm đã cận kề.
Thực tế đã cho thấy có những ca nhiễm Covid-19 khiến hàng trăm hộ gia đình phải cách ly. Mới đây chỉ riêng ca nhiễm số 123 đã khiến gần 1.600 người thuộc 480 hộ dân trên cồn Nghêu thuộc ấp Thừa Lợi, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre phải cách ly. Chao ôi, chỉ 10 người nhiễm như thế mà đi lại tự do như ca nhiễm số 34 đã được báo chí từng phản ánh thì con số cách ly thật khủng khiếp.
Hãy vì mình, vì cộng đồng, vì sự an toàn của xã hội. Hãy làm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hãy làm theo lời kêu gọi của Chính phủ, của chính quyền địa phương. Trách nhiệm của mỗi công dân cần được nâng lên để công cuộc phòng, chống dịch đạt hiệu quả.
Như thế tình trạng gần giữa hè mà đường phố ở thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vắng vẻ như ngày tết mới nhanh chóng kết thúc.