Trách nhiệm của người trẻ
Có những hình ảnh dường như đối lập giữa những ngày này: Một bên là một số những cậu ấm cô chiêu đi du học được bố mẹ “giải cứu” hướng dẫn từ cách dùng khẩu trang đến găng tay trên đường trở về nước, về rồi ở khu cách ly thì tiếp tế từ bim bim đến trà sữa; một bên là những chiến sĩ bộ đội, công an, bác sĩ và nhân viên y tế trẻ tuổi đang ngày đêm ở tuyến đầu chống dịch. Những hình ảnh gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ, nhất là khi tháng ba này là tháng thanh niên, về trách nhiệm của những người trẻ tuổi với chính bản thân họ, với cộng đồng, với dân tộc và Tổ quốc.
Tại chốt gác chống dịch Covid-19 khu vực Cốc Nam (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn). Ảnh: Duy Chiến.
Trong lịch sử, trải qua những cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh của dân tộc, chúng ta đã từng có những lớp lớp thanh niên luôn ở tuyến đầu. “Tuổi 20 khi lẽ đời đã thấy/ Thì xa xôi cách mấy cũng lên đường”; hay “Tuổi hai mươi ai mà chẳng tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc đời mình thì còn chi Tổ quốc”… Qua những năm tháng hòa bình, tuổi trẻ không còn lúc nào cũng phải ở tuyến đầu chiến đấu với quân thù nhưng vẫn luôn luôn là tuổi trẻ dấn thân đi đầu trong lập thân, lập nghiệp. Chuyển sang giai đoạn hội nhập với thế giới, một thế hệ trẻ lớn lên trong đầy đủ vật chất, trong tiếp cận rất nhanh với khoa học, công nghệ và thông tin. Nhiều bạn trẻ đã trở thành những công dân toàn cầu, dù ở đâu thì cũng là cống hiến…
Tuy nhiên trong những năm qua, không phải không có những biểu hiện của những người trẻ tuổi sống hưởng thụ, lười biếng, dựa dẫm, thực dụng. Không phải không có những lo ngại về một số những người trẻ đã chưa nhận thức được trách nhiệm của mình. Không ít lần chúng ta đã phải đặt ra câu hỏi: Nếu Tổ quốc cần, những người trẻ tuổi có còn sẵn sàng ở tuyến đầu hay không?
Thì đây, câu trả lời đã có ở những ngày tháng này, khi cả thế giới nói chung đang cùng phải chiến đấu với một loại virus để bảo vệ tính mạng con người, ở Việt Nam chúng ta lại nhìn thấy những gương mặt trẻ, những hình ảnh đẹp đẽ về những người trẻ tuổi đang ở tuyến đầu chống dịch. Trong quá khứ chúng ta từng có những thế hệ sinh viên sẵn sàng viết đơn xin ra trận, bỏ dở việc học hành. Hôm nay chúng ta lại nhìn thấy những sinh viên trường y xin được bổ sung vào đội ngũ những người ở tuyến đầu chống dịch. Hôm nay chúng ta lại nhìn thấy hình ảnh bộ đội biên phòng làm lán trại ngủ giữa rừng để kiểm soát đường mòn lối mở, nhìn thấy những bộ đội không quản ngày đêm phục vụ nhân dân ở khu cách ly. Người bác sĩ trực tiếp làm việc ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương vừa dương tính với SARS-CoV-2 là một người còn rất trẻ. Anh đã có 2 tháng trời trực tiếp tiếp xúc với những bệnh nhân nhiễm bệnh. Sức người có hạn và việc nhiễm bệnh là một khả năng đã được lường trước. Biết trước có khả năng nhiễm bệnh mà những bác sĩ, điều dưỡng vẫn kiên cường bám trụ. Ngay cả khi biết có đồng nghiệp đã nhiễm bệnh vẫn không ai chùn bước…
Tháng ba này, xin được tôn vinh những người trẻ tuổi đang ở tuyến đầu chống dịch!
Lý tưởng và hoài bão không phải là mỹ từ nói cho đẹp. Trách nhiệm của tuổi trẻ không phải là những từ đao to búa lớn. Tuổi trẻ không thể là ngồi trên mạng gõ phím phê phán và chê trách. Tuổi trẻ không phải là chỉ hô hào xuông trên mạng. Tuổi trẻ là dấn thân. Là ở đúng chỗ Tổ quốc cần. Là tự biết làm những việc gì có ích.
Đã bộc lộ rất nhiều vấn đề trong giáo dục tinh thần trách nhiệm của những người trẻ tuổi với cộng đồng, với xã hội qua đợt phòng, chống dịch Covid-19. Có gì đáng khoe khoang khi một người mẹ kể lể về quá trình “giải cứu” con mình “chạy trốn” khỏi châu Âu mà cứ đi một chặng, thì cô cậu sinh viên nào đó lại phải nhắn tin, gọi điện để hỏi mẹ tiếp theo làm gì. Có gì đáng khoe khoang khi một người đang ở tuổi sung sức và đẹp đẽ nhất của đời người lại đã được du học ở xã hội văn minh lại phải cầu cứu mẹ hướng dẫn từ việc di chuyển đến việc ăn uống…
Có nhiều bạn trẻ trở về nước và được cách ly tập trung đã phàn nàn từ khu vệ sinh đến việc thiếu nước nóng để tắm. Trong tình thế “chống dịch như chống giặc”, trong tình thế nguy hiểm và vất vả của những người trẻ khác là bộ đội, là bác sĩ, những bạn trẻ phàn nàn về điều kiện sinh hoạt không được như ở nhà các bạn nghĩ gì? Đất nước, gia đình có thể kỳ vọng gì ở những người trẻ tuổi mà chỉ một thời gian ngắn thiếu thốn vật chất đã không chịu đựng nổi? Và xét ở nền tảng giáo dục thì những người lớn nên suy nghĩ lại trong cách giáo dục khi vác cả tủ lạnh đến tiếp tế cho các bạn trẻ đang bị cách ly.
Cho dù có vậy, giữa những ngày tháng ba này, chúng ta vẫn tin tưởng vào phần đông những người trẻ tuổi hôm nay. Tuổi trẻ là tương lai dân tộc, là rường cột quốc gia. Khi đất nước gặp khó khăn những người trẻ tuổi lại luôn sẵn sàng có mặt ở những nơi hiểm nguy nhất, khó khăn nhất. Có thể đâu đó có một vài bạn trẻ chưa ý thức được trách nhiệm của mình, nhưng lớp lớp những người trẻ tuổi vẫn đang miệt mài học tập, rèn luyện, cống hiến. Niềm tin vào thế hệ trẻ lại được thắp lên giữa những ngày chống dịch, họ lại ở tuyến đầu, nguy hiểm không chùn bước. Một thế hệ trẻ đã khác trước, đã bước ra ngoài thế giới, đã đầy đủ điều kiện để có thể phát triển tốt nhất, nhưng vẫn không bao giờ được quên trách nhiệm với cộng đồng, với Tổ quốc.