Họa vô đơn chí
Ở Nam Định, xét mức độ tai tiếng, để lại nhiều hệ lụy xã hội, khó có dự án nào sánh bằng dự án xây dựng KCN Mỹ Trung (Mỹ Lộc). Chuyện là, năm 2006, UBND tỉnh Nam Định giao cho Công ty CP Công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh (trước đây thuộc Tập đoàn Vinasin, nay thuộc TCT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) làm chủ đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Trung. Để có đất giao cho Công ty Hoàng Anh, trước đó chính quyền tỉnh đã thu hồi đất nông nghiệp, đất ở của nhiều hộ dân địa phương...
Sau khi được giao đất, Công ty Hoàng Anh đã tiến hành san lấp mặt bằng, xây tường bao, đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước. Tuy nhiên sau đó, với hàng loạt sai phạm, thua lỗ dẫn tới việc Tập đoàn Vinasin bị sụp đổ. Hàng loạt dự án đầu tư của Tập đoàn, trong đó có DA đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Trung (thông qua công ty con là Hoàng Anh Vinasin) bị đình trệ. Trên thực tế, từ năm 2010 đến nay, Công ty Hoàng Anh đã dừng hẳn việc đầu tư tại đây. Hạ tầng không hoàn thiện nên hiệu quả thu hút đầu tư vào KCN rất thấp, phần lớn đất thương mại của KCN nhiều năm nay bị bỏ hoang. Dù rất muốn “đòi” lại đất KCN Mỹ Trung nhưng đến nay tỉnh Nam Định vẫn không thể. Nguyên nhân, hiện Công ty Hoàng Anh đang nợ các tổ chức tín dụng khoảng 20 triệu USD, phần lớn trong số này có nguồn gốc từ nguồn Trái phiếu quốc tế do Chính phủ phát hành. Mặt khác, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất KCN Mỹ Trung từ lâu đã được Công ty Hoàng Anh mang đi thế chấp tại các ngân hàng. Do vậy, tất cả các phương án từ cho Công ty Hoàng Anh tuyên bố phá sản đến tìm kiếm nhà đầu tư mới thay thế công ty này đều không thực hiện được.
Tiền đồ của KCN Mỹ Trung còn “tối” hơn, khi cách đây chưa lâu, thông tin tại một buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định, một lãnh đạo ở Trung ương cho biết đến nay ở TCT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam còn rất nhiều công ty, dự án đang ở trạng thái tương tự như Công ty Hoàng Anh, tương tự như KCN Mỹ Trung. Để giải quyết được hậu quả không thể bằng cách giải quyết riêng lẻ từng dự án mà phải bằng giải pháp...tái cấu trúc cả TCT Công nghiệp tàu thủy. Mà việc này thì không phải việc có thể làm trong ngày một ngày hai...
Hệ lụy từ KCN Mỹ Trung không chỉ có vậy!
Nhượng lại đất ở của mình phục vụ xây dựng KCN Mỹ Trung từ năm 2007, chấp nhận đi tái định cư nhưng cho đến nay mấy chục hộ dân của xã Mỹ Trung vẫn chưa được “yên thân”, vẫn đang phải ngày ngày kêu cầu chính quyền cấp sổ đỏ cho nơi ở mới của mình (cách nơi ở cũ 500-800 m). Nguyên nhân là do không nắm vững pháp luật, ngày đó mấy chục hộ dân để Công ty Hoàng Anh không thông qua chính quyền, tự đứng ra giao đất tái định cư, tự thu tiền của người dân (tùy vị trí công ty thu tiền của các hộ dân theo đơn giá từ 600.000- 750.000 đồng/m2, tổng số tiền đã thu 8,1 tỷ đồng trong khi chưa được UBND tỉnh phê duyệt, thông qua về đơn giá, danh sách các hộ đủ điều kiện tái định cư). Không đúng quy trình thủ tục, không chứng minh được nghĩa vụ tài chính với nhà nước, không đủ cơ sở pháp lý...khiến việc cấp sổ đỏ cho mấy chục hộ dân Mỹ Trung bị ách lại suốt từ đó đến nay. Người dân thiếu hiểu biết đành phải chịu hậu quả. Nhưng câu hỏi đặt ra là: khi đó chính quyền Nam Định đã ở đâu, thực thi nhiệm vụ của mình kiểu gì mà để Công ty Hoàng Anh tự làm việc không được phép, đẩy rủi ro pháp lý cho người dân?