Khánh Ly: Đừng gọi tôi là 'danh ca'

Mạnh Hà 26/03/2020 19:05

Trời cho Khánh Ly một giọng hát, dường như chỉ để hát những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Và đã có thời kỳ, những ca khúc của Trịnh chỉ khiến người ta xúc động khi nghe Khánh Ly hát. Nhiều người, vì mê vì say tiếng hát liêu trai ấy mà gọi bà là “danh ca Khánh Ly”. Nhưng trong những lần trở về hát trên quê hương, Khánh Ly chân tình: “Đừng gọi tôi là danh ca, không đúng đâu”…

Khánh Ly: Đừng gọi tôi là 'danh ca'

Mấy năm nay, năm nào người yêu tiếng hát Khánh Ly cũng có thể gặp bà ở Hà Nội. Bà hát ở Nhà hát Lớn, hay ở Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, hoặc trong một quán cà phê nào đó, vẫn là giọng hát ấy, chỉ khác là bây giờ, bà đã không còn sung sức như trước. Khánh Ly không giấu điều đó, bà chân thành chia sẻ, chân thành thừa nhận sau bài hát có phần “đuối” ở những chương trình không “trực tiếp”. Những chia sẻ, những câu chuyện “bỏ nhỏ” của bà, tạo nên cái duyên sân khấu riêng, khó lẫn, kết nối với khán giả ở các thế hệ, để nhiều người càng thêm yêu thêm quý bà hơn. Mà không chỉ về Hà Nội, Khánh Ly còn đi dọc Việt Nam, mang tiếng hát của mình đến với công chúng mến mộ bà ở Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh…

Trong những lần trở về ấy, nếu ai có dịp ngồi trò chuyện với bà, sẽ thấy mọi câu chuyện đã trải qua trong đời bà đều không quên, đều được khắc ghi. Nhất là những câu chuyện với Trịnh Công Sơn. Rất khó để kiểm chứng hay xác thực, nhưng như cách bà kể, mọi điều đều như mới xảy ra đây thôi, gần lắm. Khánh Ly, ở tuổi này hay trước đó, bà chỉ tâm niệm, “mình là một người đàn bà hát”.

Tôi thích ca khúc của Trịnh Công Sơn. Có thể nghe nhiều người hát nhạc Trịnh, chấp nhận cả sự làm mới của nhiều ca sĩ đương đại. Nhưng những lúc có thời gian, chủ động nghe nhạc, thì thường là nghe Khánh Ly hát Trịnh.

Ca sĩ Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, sinh năm 1945 tại Hà Nội, từng đoạt giải nhì cuộc thi tuyển lựa ca sĩ nhi đồng do đài Pháp Á tổ chức tại rạp Norodom năm 1956, khi mới 11 tuổi. Năm 1967 bà kết hợp với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và trở thành một hiện tượng của tân nhạc Việt Nam. Những sáng tác của Trịnh Công Sơn đưa Khánh Ly trở thành một trong 3 giọng ca nổi tiếng nhất lúc bấy giờ, bên cạnh Thái Thanh và Lệ Thu.

Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhận xét: “Khi nghe Khánh Ly hát tôi luôn có cảm giác cô ấy hát không phải chỉ cho tôi mà dường như Khánh Ly hát cho chính sự oan trái của đời mình, hát cho số phận mình. Các ca sĩ sau này ít ai hỏi tôi vì sao tôi viết như thế, câu này có nghĩa gì, có lẽ sự khác biệt là ở đó”.

Sau năm 1975, Khánh Ly rời Việt Nam và định cư tại Cerritos, California, Hoa Kỳ. Năm 1996, Đài Truyền hình NKH (Nhật Bản) đã chọn Khánh Ly là một trong 10 nhân vật nổi tiếng để làm phim tài liệu.

Khánh Ly bộc bạch: “Tôi muốn được mãi mãi làm một người Việt Nam nguyên vẹn hình hài... trong cái cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Một cộng đồng biết thương nhau bằng trái tim Việt Nam, thì tôi cũng sẽ không phải, không đến nỗi phải yêu thương cuộc đời bằng chính trái tim... của tôi. “Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên. Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình. Tôi chơt biết rằng vì sao tôi sống. Vì đất nước cần một trái tim”. Tôi ở đây và tôi cũng cần một trái tim.

Khánh Ly là người tạo cảm giác gần gũi khi ngồi trò chuyện. Gặp bà rồi, trò chuyện với bà cả buổi, vẫn muốn lần sau gặp lại. Trí nhớ cộng với sự từng trải, hài hước khiến bà trở thành một người kể chuyện duyên dáng.

Tôi tin lời Khánh Ly, khi bà nói: “Sau 40 năm, tất cả mọi người ở Việt Nam còn nghĩ tới tôi ở tuổi này, khiến tôi rất cảm động. Chính vì thế cảm thấy tự nặng lòng biết ơn Trịnh Công Sơn. Không có Trịnh Công Sơn, chẳng ai biết tới tên tôi…”.

Tôi cũng thích cách suy nghĩ của bà, khi bà chân thành tâm sự: “Xin mọi người hãy coi Khánh Ly như là một người thân trong gia đình và cũng xin đừng nghĩ là ca sĩ nữa. Cũng xin mọi người đừng gọi tượng đài, danh ca, không có đúng đâu. Tại vì tôi tài không xứng, đức cũng không, cho nên tôi không hề đón nhận gì cả. Tôi là người rất bình dân, ngồi ở vỉa hè ăn cũng ăn ngon, cần chỗ ngủ cũng chỉ cần một góc nhỏ, cho nên đời sống của một diva, tượng đài, danh ca riêng tư không có. Đó là lý do vì sao tôi không thích làm những người như thế. Tôi thích là tôi, đơn giản thôi, tối nay ăn canh khoai sọ nấu với rau rút và canh cua đồng. Xin hãy coi tôi là cua đồng, hay củ khoai sọ, rau rút vậy thôi”.

Khánh Ly: Đừng gọi tôi là 'danh ca' - 1

Ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát chung trên sân khấu.

Tôi cũng thích những tâm tình nhỏ nhẹ của Khánh Ly khi bà nhắc nhớ về mối lương duyên với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. “Tôi sống ở Đà Lạt. Khi gặp gỡ, Trịnh Công Sơn đã bảo tôi về Sài Gòn hát, nhưng tôi từ chối. Năm 1967, tôi gặp lại Trịnh Công Sơn và ông lại rủ tôi đi hát. Lần này, tôi đi cùng ông. Hồi ấy, tôi chẳng có tiền mà mua cơm bụi. Ông Sơn mua một suất thì chia làm đôi để tôi được ấm lòng đi diễn…”

“Thời đó chỉ cần hát “Hạ trắng”, “Diễm xưa”, “Biển nhớ”… là khán giả thích, họ không đòi hỏi gì nhiều. Không có ông Sơn thì tôi cũng như ca sĩ thường thôi. Người ta yêu tôi vì yêu âm nhạc của ông Sơn. Trong thâm tâm tôi luôn hãnh diện vì được hát nhạc của ông Sơn. Lúc nào tôi cũng tôn thờ ông Sơn, không ai thay thế được. Tôi chỉ thuần phục một người. Ðó là Trịnh Công Sơn. Không bao giờ hối tiếc”.

Nhưng ngoài âm nhạc, giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn có tình cảm yêu đương nam nữ không? Đó là điều nhiều người thắc mắc. “Ông Sơn có nhiều bạn thân là con trai, và tôi cũng đã trở thành một thằng bạn trai như vậy” - Khánh Ly nói - “Người ta nói không bao giờ có tình bạn giữa người đàn ông với người đàn bà, điều đó cũng đúng. Khó lắm. Với ông Trịnh Công Sơn, hỏi tôi có yêu ông không? Có yêu chứ, nói không yêu là không có lý đâu là bởi với một người tài hoa, đẹp trai, nho nhã, dáng cao gầy, cặp mắt kính, mũi dọc dừa, mắt bồ câu, răng khểnh, tóc bồng bềnh như thế, không có lý do gì để không yêu.… Nhưng tôi biết một điều ông Sơn không phải của mình đâu. Có thể ông Sơn cũng yêu tôi nhưng không nói được. Nhưng ông Sơn yêu nhiều người lắm…”.

Là giọng ca lạ, song cuộc sống riêng tư của Khánh Ly cũng rất truân chuyên. Bà không giấu giếm về sự đổ vỡ đầu tiên trong hôn nhân: “Tôi một mình. Những điều người ta mừng cho tôi lại chính là những điều tôi không màng tới. Hoàn cảnh đưa đẩy tôi trong lúc tôi bơ vơ không nơi nương tưạ. Khi đã... liều mắt đưa chân, thì là cùng đường, là không có sự lựa chọn. Gập ghềnh trắc trở, đổ vỡ là chuyện không thể tránh. Nó cứ từ từ tan ra trong sự không chung thuỷ của cả hai người. Tôi không hề hối hận với sự chia tay từ từ, kéo dài tới 3 năm. Rất nhiều năm sau, khi con trai đã có gia đình hỏi... mẹ có yêu bố con không... Không... Câu trả lời bật ra nhanh như nó đã nằm sẵn đâu đó mà từ lâu lắm rồi tôi không để ý. Đó là một lỗi lầm thời thơ dại và tôi đã phải trả giá không rẻ. Nhưng dẫu sao, tôi cũng có được hai đứa con”.

Người chồng thứ hai của ca sĩ Khánh Ly là Mai Bá Trác, và có một người con gái đặt tên Mai Mai Misa. Đáng tiếc, năm 1972, thì duyên nợ giữa Khánh Ly và Mai Bá Trác cũng chấm dứt…

Sau năm 1975, Khánh Ly sang Mỹ sinh sống, “chỉ 10 bài hát của ông Sơn tôi nuôi được mình, nuôi được con, có gia đình, nhà cửa đàng hoàng”. Và cũng trong thời gian này, Khánh Ly gặp ký giả Nguyễn Hoàng Đoan. “Anh là người tôi gặp từ hồi còn ở Việt Nam nhưng chỉ là bạn bè bình thường. Lần gặp lại, chúng tôi cũng chỉ như hai người đồng hương, đồng ngữ mà thôi. Một thời gian sau, anh đề nghị với tôi: “Ở đây anh không có gia đình, em cũng không có gia đình. Em nghĩ sao nếu chúng mình kết hợp với nhau thành một gia đình?”. Vậy là Khánh Ly gật đầu. “Hồi tôi lấy anh Đoan, gia đình tôi chẳng ai ủng hộ cả. Ông Trịnh Công Sơn cũng vậy, viết thư trách tôi: Bộ em hết người để lấy rồi hay sao?” - Khánh Ly kể - Sau này, anh Đoan có nhắc chuyện này với ông Trịnh Công Sơn, và ông Sơn cười: “Đến bây giờ tôi mới hiểu có những chuyện mà chỉ Nguyễn Hoàng Đoan làm được cho Khánh Ly thôi. Tôi không muốn nhìn thấy Khánh Ly khổ, vì nó khổ nhiều lắm rồi. Nhưng đến lúc này thì tôi yên tâm về sự gắn bó của hai người”.

Khánh Ly: Đừng gọi tôi là 'danh ca' - 2

Tháng 1/2015, Khánh Ly mất đi người bạn đời tri kỷ - ký giả Nguyễn Hoàng Đoan. Ông qua đời ở tuổi 71. Kể từ đó, những chuyến trở về Việt Nam của bà thường chỉ một mình.

“Điều quan trọng với tôi là gia đình sau khi rời sân khấu. Gia tài cuối cùng của một người đàn bà chính là những đứa con. Chồng có thể bỏ mình vì một triệu lý do. Các con thì không… Đến bây giờ thì tôi không còn mong ước gì hơn. Ngay bây giờ nếu không còn hát được nữa tôi cũng xin chắp tay lạy tạ cuộc đời và mọi người ở nơi tôi đã bắt đầu và đã trở lại…”- Khánh Ly tâm sự trong lần trở về hát trên quê hương.

Mạnh Hà