Dịch bệnh đến từ Virus: Loài người hãy cảnh giác!
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại dịch là bệnh dịch tễ do nhiễm khuẩn, virus lây lan nhanh, xảy ra đồng thời ở một vùng dân cư rộng lớn, xuyên biên giới. WHO chia đại dịch thành 6 giai đoạn, miêu tả quá trình một loại virus cúm mới nhiễm trùng vài người đầu tiên rồi phát triển thành dịch. Điều này có thể hiểu rằng khởi đầu là sự lây nhiễm ở động vật, với một vài ca động vật lây nhiễm qua người; sau đó đến giai đoạn virus bắt đầu phát tán lây lan trực tiếp giữa người sang người, có khả năng lây nhiễm trên phạm vi toàn cầu.
Lịch sử đã ghi nhận nhiều đại dịch, như dịch hạch, tiêu chảy, sốt phát ban, sởi, lao, đậu mùa… chủ yếu do vi khuẩn gây ra, đều cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn tới vài chục triệu người. Tuy nhiên, dịch do virus được cho là xuất hiện sau này và vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt, việc tìm ra vaccine tiêu diệt virus gây bệnh không dễ dàng, trong khi mức độ và tốc độ lây lan của nó lại rất khủng khiếp.
Theo The Washington Post, dịch cúm virus khủng khiếp đầu tiên được ghi nhận và báo cáo lần đầu vào tháng 5/1889 ở Bukhara, Uzbekistan. Lúc bấy giờ hiểu biết của loài người về cúm virus là rất ít ỏi, nhiều trường hợp tử vong còn không biết đó là do cúm virus. Đợt dịch đó còn lan tới tận Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Ấn Độ, Úc; cho đến năm sau năm 1890 thì chấm dứt, với sự thiệt mạng của gần 1 triệu người. Sau này, y học phát triển, người ta xác định dịch cúm này là do các chủng virus H3N8 và H2N2 của virus cúm A.
Cũng kể từ đó, y học thế giới thêm một hướng tập trung nghiên cứu: Nghiên cứu các chủng virus gây ra cúm trên người. Cùng đó, các phòng điều chế vaccine cũng phát triển rất mạnh. Đối với những cơ sở này, tất cả các quốc gia đều bảo vệ rất nghiêm ngặt, vì trong quá trình nghiên cứu, điều chế vaccine, không may chỉ cần một số ít virus “sổng” ra thì đại họa là khôn lường, vì sự tự nhân lên của chúng không khác gì phản ứng hạt nhân.
Thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, cho dù y học thế giới đã có những bước tiến dài trong điều trị, chữa bệnh cũng như khống chế, dập dịch do virus gây ra, thì vẫn còn đó những đại dịch xuất phát từ virus- thật sự kinh hoàng. Hiện chủng mới virus corona (SARS-CoV-2) gây dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội, với gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; thì truyền thông quốc tế đã đưa lại những đại dịch lớn trong thế kỷ XX, như một bài học để loài người phòng chống cũng như phải chung tay chiến đấu. Trong những đại dịch do virus corona gây ra ở thế kỷ XX, phải kể đến dịch cúm Tây Ban Nha, SARS và Ebola.
Khu vực điều trị cúm Tây Ban Nha năm 1918, tại doanh trại Funston, Kansas, cho thấy nhiều bệnh nhân nằm la liệt.
Dịch cúm Tây Ban Nha: Giấu dịch và thảm họa kinh hoàng
Năm 1918, xuất hiện một dịch cúm mà mức độ lây lan và hủy hoại cực kỳ lớn. Người ta gọi là “dịch cúm Tây Ban Nha”. Theo History.com, dịch bệnh này được xác định đầu tiên ở Madrid (Tây Ban Nha) vào đầu mùa Xuân năm 1918. Cho tới tháng 3 cùng năm nó bùng phát dữ dội trong một trại huấn huyện lính của Mỹ tại Kansas. Nó lây lan thành một dịch bệnh toàn cầu vì những người lính đến châu Âu trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất rồi mang theo virus “tỏa ra” khắp các lục địa.
Cúm Tây Ban Nha đã lây nhiễm tới 500 triệu người, tức là 1/3 dân số thế giới vào thời điểm đó. Thật khủng khiếp khi năm 1919 khi dịch tạm kết thúc, đã có tới 50 triệu người chết. Sau đó, các nhà khoa học đã xác định nguyên nhân là do virus H1N1 gây ra.
Dịch cúm này quét qua trái đất dù tới nay đã 100 năm có lẻ, nhưng vẫn là đề tài của giới truyền thông, do ký ức của loài người vẫn không thể nguôi ngoai. Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí PLOS ONE, cúm Tây Ban Nha giết chết “nhiều người hơn chiến tranh thế giới lần thứ nhất “. Trong vòng 25 tuần bùng phát dữ dội, nó đã giết chết nhiều người hơn so với dịch HIV/AIDS suốt 25 năm.
Nhớ lại, mùa xuân năm 1918, báo chí Pháp đưa tin vua Tây Ban Nha liệt giường, có thể là nạn nhân của trận dịch cúm đang hoành hành tại Tây Ban Nha. Trong kho lưu trữ của các hãng truyền thông lớn trên thế giới cho thấy, một bài trên tờ Le Matin (ngày 30/5/1918) đã đưa ra con số 120 nghìn người bệnh, riêng chỉ tại Madrid. Báo Gaulois, cùng thời điểm này mô tả “dịch đang phát triển với tốc độ kinh hoàng’’.
Một chi tiết rất đáng chú ý, sau này được cho là lý do để “kết tội”: Đó là việc những ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào tháng 4/1918, trong quân đội, thế nhưng báo chí đã không được phép nói bất cứ điều gì. Trong một lần trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24, nhân dịp 100 năm đại dịch cúm Tây Ban Nha (năm 2018), nhà sử học Anne Rasmussen- giáo sư Đại học Strasbourg, giải thích: ‘’Vào thời điểm đó, nước Pháp đang trong tình trạng chiến tranh. Thông tin bị kiểm duyệt tại tất cả các quốc gia tham chiến’’. Nhà sử học này nói thêm rằng, thoạt tiên người ta tin rằng dịch cúm chỉ có tại Tây Ban Nha, chứ không phải ở những nơi khác.
Chưa hết, trên tờ Le Monde ra ngày 4/3/2020, nhà sử học, kinh tế gia Pierre-Cyrille Hautcoeur- Giám đốc nghiên cứu tại EHESS (Trường cao học về các khoa học xã hội), Paris (Pháp), có bài viết mang tựa đề ‘’Dịch cúm Tây Ban Nha, một bí mật được che giấu’’. Theo đó, quy mô dịch bệnh kinh hoàng này đã bị che giấu trong những tháng cuối cùng của chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Nhà sử học này còn dẫn nghiên cứu của Eric Leroy-Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Pháp, nhan đề ‘’Cúm Tây Ban Nha: Giải thích về một đại dịch’’, từ đó khẳng định sự nguy hiểm vô cùng to lớn: Virus cúm có khả năng biến chủng và đột biến.
Cũng thật kinh hoàng khi cúm Tây Ban Nha lại tấn công tàn phá rất mạnh vào những người trong độ tuổi từ 25 đến 35, vốn được coi là có sức đề kháng cao. Cũng về lý do “giấu dịch”, theo nhà sử học Pierre-Cyrille Hautcoeur, nếu như thông tin về tỉ lệ chết cao khác thường này được công chúng rộng rãi biết đến, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến các chiến dịch hành quân cuối cùng trong thời gian đại chiến. Vì thế, nhà cầm quyền nhiều nước đã “ỉm đi”, gây ra hậu họa khôn xiết.
Cũng kể từ sau vụ cúm Tây Ban Nha, người ta nhận ra rằng, giấu dịch chính là một tội ác vì nó có khả năng tiêu diệt loài người. Việc không thông tin chính xác, đầy đủ về dịch bệnh trên thực tế đã cản trở việc phổ biến những hiểu biết quan trọng, cũng như các kinh nghiệm trị liệu. Và cũng chính từ vụ này người ta đã phải tìm cách “sửa sai”: Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, năm 1921, các chính phủ tìm cách lập ra Cơ quan Y tế của Hội Quốc Liên- tiền thân của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); với chức năng chính là kiểm soát dịch bệnh, thông tin về dịch bệnh, điều phối sự hợp tác quốc tế- điều mà trước đó hoàn toàn không có. Kể từ thời điểm đó, cuộc chiến chống dịch bệnh do virus gây ra cúm bước sang một trang mới.
Maria Chan Siu-san, cựu kiếm sĩ người Hồng Kông, người thoát chết trong dịch SARS
2 đợt dịch SARS và lời khuyên của 1 nữ kiếm sĩ
SARS hay “Hội chứng hô hấp cấp tính” là một chứng bệnh hô hấp ở con người gây ra bởi virus. Nó xảy ra 2 đợt, cho nên mức độ nguy hại rất khó lường. Bao gồm giữa tháng 11/2002 và tháng 7/2003; lúc đầu xảy ra ở Hồng Kông (Trung Quốc), rồi nhanh chóng lây lan ra 37 quốc gia với mức độ của một đại dịch, với 8.422 trường hợp và 916 trường hợp tử vong (10,9% người bị dịch tử vong). Cụ thể: Tử vong ít hơn 1% nhóm người ở độ tuổi 24 hoặc trẻ hơn; 6% đối với những người 25 đến 44 tuổi; 15% đối với những người 45 đến 64 tuổi, và hơn 50% đối với những người trên 65 tuổi.
Đáng chú ý, tới nay SARS vẫn không được WHO tuyên bố đã được loại trừ, như vậy là vẫn có khả năng nó có thể trở lại trong tương lai. Cho dù ngày 5/7/2003, WHO thông báo chuỗi lây truyền SARS cuối cùng ở người sang người đã bị cắt đứt.
Các nghiên cứu y khoa cho biết, hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) bởi một loại coronavirus gây ra, có tên là SARS (SARS-CoV). Nó được cho là một loại virus động vật từ một ổ chứa động vật (được cho là loài dơi) lây sang các động vật khác (trong đó có mèo). Từ đó, SARS-CoV đã lây từ người sang người. Cũng giống như các virus gây cúm khác, SARS-CoV tạo ra những triệu chứng sốt cao, ớn lạnh, đau nhức cơ thể. SARS còn gây ra triệu chứng tiêu chảy, và chính điều này làm người bệnh nhanh chóng mất nước, mất sức đề kháng, suy nhược nhanh chóng dẫn tới nguy cơ tử vong.
Trẻ em Hồng Kông (Trung Quốc) rửa tay tại trường học để phòng dịch SARS, năm 2003.
Khi dịch SARS qua đi, người ta bắt đầu chú ý tới những bệnh nhân sống sót. Trong đó có cô Maria Chan Siu-san, cựu kiếm sĩ người Hồng Kông, người từng trải qua những ngày chăm sóc đặc biệt sau khi nhận kết quả dương tính với căn bệnh chết người này. Sở dĩ những phát biểu của Chan gây chú ý là do cô đưa ra khuyến cáo “của người trong cuộc”, cần rút kinh nghiệm từ những sai lầm của chính mình, đồng thời đặt vấn đề: Làm thế nào bảo vệ bản thân tốt nhất trong bối cảnh đại dịch hoành hành?
“Khi đó, tôi đã rất bất cẩn. Tôi không đeo mặt nạ và vẫn thường xuyên đi đến trung tâm mua sắm - nơi có đông người lui tới. Tôi nghĩ chỉ có những người bị bệnh mới cần phải đeo khẩu trang. Tôi còn không dự trữ khẩu trang và nước rửa tay để bảo vệ mình và gia đình”- cô Chan nói.
Vào thời điểm đó, cô Chan sống ở Nhà F, bên cạnh Nhà E (một khu dân cư ở Hồng Kông)- nơi bắt đầu của sự bùng phát cục bộ. Hơn 200 người từ Nhà E đã bị nhiễm bệnh và 22 người chết. Sau đó không lâu, những ca nhiễm bắt đầu lan sang Nhà B, Nhà C. Tự tin vào sức khỏe, nữ kiếm sĩ đã không ngờ mình mắc căn bệnh chết người chỉ từ “một cái hắt hơi của người khác”.
Maria Chan Siu-san là một trong những người đầu tiên được đưa vào Bệnh viện Princess Margaret vào ngày 29/3/2003. Thời điểm đó, cô mới 29 tuổi và đang ở đỉnh cao của sự nghiệp đấu kiếm. Cô viết: “Những gì tôi đã học được sau 17 năm kể từ cuộc khủng hoảng SARS là mỗi người cần làm đúng trách nhiệm của mình. Nếu có khả năng nào đó giúp chúng ta ngăn chặn được sự bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng như tránh đám đông, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và thực hiện các nhiệm vụ cơ bản khác thì mọi người cần phải tuân thủ. Tôi đã không làm những điều đó hồi dịch SARS nên đã bị nhiễm, dù may mắn thoát chết”.
Về việc này, cũng có thể dẫn thêm ý kiến của giáo sư John Nicholls (Đại học Hồng Kông, Trung Quốc), khi ông cho rằng dịch SARS đã kết thúc vào tháng 7/2003 nhờ thói quen vệ sinh tốt như thường xuyên rửa tay, và các nhân tố môi trường gồm nhiệt độ và độ ẩm cao trong các tháng mùa hè khi virus này đã bị “kiệt sức”.
Hình ảnh thường thấy khi dịch do Ebola gây ra ở Tây Phi, năm 2014.
Ebola và những tấm lòng trắc ẩn
Vào năm 2014, dịch Ebola bùng phát, các nhà khoa học đã ngăn chặn bệnh dịch này bằng vaccine và thuốc kháng virus. Đến tháng 3/2016 WHO vào đánh giá dịch Ebola tại Tây Phi đã được ngăn chặn. Nhưng chỉ 2 năm sau, năm 2018, Ebola bùng phát lại. Ebola cũng đe dọa nhiều quốc gia, nhưng Tây Phi chính là nơi chịu nhiều mất mát nhất. Virus Ebola gây bệnh trên người được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976, nhưng gầm 40 năm nó mới thực sự tác oai tác quái, giết chết hơn 11.000 người và trên 28.000 người bị lây nhiễm- theo WHO.
Sau này, khi dịch đã đi qua, người ta mới truy về bệnh nhân đầu tiên là một cậu bé ở Guinea, 2 tuổiđược cho là bị nhiễm virus khi chơi trong một hốc cây nơi có đàn dơi sinh sống. Ngôi làng Meliandou nơi cậu bé sinh sống trở thành “phòng nghiên cứu virus” một cách bất đắc dĩ.
Một kinh nghiệm “xương máu” và cũng là thành công trong quá trình dập dịch Ebola được giáo sư Peter Hotez (Trường Cao đẳng Y khoa Baylor, Mỹ) nhận định là do “phản ứng phối hợp quốc tế” cũng như sự can thiệp của con người một cách kiên quyết.
Kavugho Ngitsi Giresse, người sẵn sàng đến với người bệnh Ebola.
Trong cuộc chiến chống Ebola, thế giới ghi nhận nhiều tấm gương quả cảm giàu lòng nhân ái. Trong số đó, cô Kavugho Ngitsi Giresse là một điển hình. Virus Ebola đã cướp đi cậu con trai yêu dấu của cô. “Tôi biết mình bị nhiễm Ebola khi đang mang thai. Tôi đã ngất lịm. Tôi đã mất con vì thứ virus quái ác này. Tôi đã không tin rằng mình có thể sống sót, tôi nghĩ mắc phải Ebola chẳng khác nào phải mang bản án tử hình. Tôi muốn nói với những bệnh nhân Ebola là đừng sợ hãi, có thể qua khỏi, đặc biệt là nếu họ được điều trị sớm”. Trên thực tế, cô đã trở thành một tình nguyện viên hết lòng chăm sóc cho những người bị nhiễm Ebola.
Tương tự, cô Mulasi Musaba- người đã may mắn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần sau khi bị nhiễm cũng tình nguyện chăm sóc bệnh nhân Ebola. “Tôi làm điều này là để mang lại hy vọng cho các bệnh nhân khác. Khi mắc bệnh, tôi không nghĩ mình có thể qua khỏi. Khi qua khỏi, tôi thấy mình phải có trách nhiệm bước vào thế giới của người bệnh Ebola và trò chuyện với họ bằng lòng trắc ẩn”.
Nói như Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Pháp, Eric Leroy, thì cuộc chiến của loài người chống virus sẽ vẫn kéo dài khi mà virus vẫn tiếp tục biến thể để “né” được bất cứ loại vaccine nào. Cuộc chiến ấy cũng không dễ dàng hơn nếu so với những thế kỷ nối nhau loài người phải chịu đựng sự tàn phá của vi trùng, vi khuẩn. Tuy nhiên, nếu muốn cuộc chiến ấy ít gây họa và sớm kết thúc thì loài người phải sát cánh bên nhau, tính mạng của người khác cũng là tính mạng của mình. “Trong cuộc chiến chống lại virus gây bệnh trên người, thì cùng với các thầy thuốc, các chính phủ cũng như mỗi người dân đều phải là chiến sĩ”, Viện sĩ Eric Leroy nói.
Không thể khẳng định SARS-CoV-2 sẽ yếu đi khi mùa hè đến
Trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp mang tính toàn cầu, bất cứ một nhận dịnh sai lầm nào cũng đưa tới hậu họa. Gần đây, có ý kiến cho rằng, SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19 sẽ yếu dần và tự chết khi thời tiết nóng lên. Với ý kiến này, giáo sư dịch tễ học Marc Lipsitch- Giám đốc Trung tâm bệnh truyền nhiễm của Trường y tế công cộng T.H. Chan (Đại học Harvard, Mỹ) cho rằng, đó là một nhận định sai lầm. Ý kiến đó dựa trên việc “biến mất” của SARS vào mùa hè năm 2003. “Tôi cho rằng ‘biến mất’ là một từ dở tệ đã được dùng để mô tả những gì xảy ra với dịch SARS. SARS được kiểm soát nhờ những nỗ lực y tế cộng đồng mạnh mẽ, can đảm chưa từng thấy ở thời hiện đại. Dịch bệnh này không tự biến mất”- giáo sư Marc Lipsitch nói. Tương tự, Emily Chan Ying-yang, giáo sư Khoa Y (Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông, kiêm giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Oxford) cho rằng những khác biệt về pháp lý, chính sách và hành vi của con người trên toàn cầu sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh kéo dài trong một khoảng thời gian. Một số chuyên gia cho rằng ngay cả khi Covid-19 suy yếu vào mùa hè thì dịch bệnh vẫn có thể tái xuất hiện vào mùa đông.
Trở lại với giáo sư Lipsitch, ông cho rằng: “Những virus mới có nhiều vật chủ có thể hoạt động tốt, thậm chí khi thời tiết không thuận lợi. Ngay cả khi những virus corona chúng ta đã biết có xu hướng phụ thuộc vào yếu tố mùa, thì hi vọng SARS-CoV-2 cũng có xu hướng tương tự là một sai lầm”.