Trong 5 ngày, hỗ trợ hơn 800 công dân Việt mắc kẹt ở nước ngoài về nước an toàn
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, từ 21-25/3, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước hỗ trợ hơn 800 công dân Việt Nam. Đến nay còn khoảng 40 công dân đang bị kẹt ở các sân bay quốc tế.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
Tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra ngày 26/3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời nhiều câu hỏi của truyền thông quan tâm đến công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến nhanh và phức tạp.
Theo đó, bà Hằng cho biết, trong bối cảnh Covid-19 lây lan nhanh, phức tạp trên thế giới, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã hạn chế, thậm chí đóng cửa đường bay quốc tế, không cho quá cảnh, khiến nhiều hành khách trong đó có công dân Việt Nam bị kẹt tại các sân bay quốc tế, Bộ Ngoại giao đã liên tục cập nhật thông tin và đưa ra khuyến cáo với công dân Việt Nam. Đặc biệt Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam hạn chế tối đa đi lại giữa các nước và về Việt Nam trong thời điểm hiện nay.
Công dân cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại, thường xuyên kiểm tra, cập nhật quy định của nước sở tại và các hãng hàng không, đảm bảo có đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu để thực hiện chuyến đi, đặc biệt là giấy tờ xác nhận tình trạng sức khỏe nếu có. Trường hợp không có đầy đủ giấy tờ cần thiết có thể bị kẹt ở các sân bay quốc tế.”,Người Phát ngôn nhấn mạnh.
Bà Hằng cùng cho biết thêm, từ 21-25/3, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước hỗ trợ hơn 800 công dân Việt Nam. Đến nay còn khoảng 40 công dân đang bị kẹt ở các sân bay quốc tế. Các bên đang phối hợp chặt chẽ để đảm bảo chăm sóc y tế, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết, hỗ trợ tìm chỗ ở tạm thời cho các công dân cũng như tiếp tục hỗ trợ, tìm kiếm, thu xếp các chuyến bay về Việt Nam.
Về vấn đề bảo đảm an toàn cho cán bộ ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngay từ khi có thông tin về dịch bệnh, Bộ Ngoại giao đã quán triệt cho tất cả cán bộ, công chức viên chức của bộ ở trong và ngoài nước nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về việc phòng chống Covid-19, thực hiện nghiêm quy định yêu cầu phòng chống dịch của nước sở tại, yêu cầu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quán triệt tinh thần bám trụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại, sẵn sàng bảo hộ công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo vệ sinh an toàn dịch tễ, tuân thủ nghiêm các yêu cầu, khuyến cáo, quy định về phòng chống dịch ở sở tại.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cán bộ ngoại giao ở nước ngoài phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe, một số cán bộ phải tự cách ly khi trong quá trình làm việc thực hiện công tác bảo hộ công dân đã tiếp xúc với những người nhiễm bệnh.
Bà Hằng khẳng định, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn duy trì các hoạt động đối ngoại, dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân như duy trì đường dây nóng bảo hộ công dân 24/24, thường xuyên cập nhật thông tin và giữ liên hệ với sinh viên và cộng đồng người Việt Nam ở sở tại, thăm hỏi động viên, chủ động trao đổi với cơ quan chức năng sở tại, đề nghị tạo điều kiện cư trú và chăm sóc y tế cho công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết, phối hợp hỗ trợ công dân trong quá trình về nước.
Có một số không lớn cán bộ ngoại giao khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh ở sở tại đã phải thực hiện việc cách ly theo quy định. Tới nay phần lớn cán bộ đã hoàn thành thời gian cách ly, sức khỏe ổn định, quay trở lại làm việc bình thường. Đến thời điểm hiện tại, chưa có cán bộ ngoại giao nào nhiễm virus SARS- CoV-2.
Nói về trường hợp người nước ngoài hiện đang ở Việt Nam muốn xin gia hạn visa khi hết hạn, bà hằng cho biết, người nước ngoài có thể làm thủ tục gia hạn thị thực tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an theo đúng quy định. Việt Nam thường xuyên chia sẻ thông tin và sẵn sàng phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam thực hiện công tác bảo hộ công dân, giải quyết các vấn đề liên quan tới thị thực lưu trú của công dân nước ngoài tại Việt Nam trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật và thực tiễn quốc tế.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Hải quân Mỹ xác nhận có 8 thủ thuỷ trên tàu sân bay USS Roosevelt dương tính với Covid-19, hôm 25/3. Tàu này đến thăm Đà Nẵng cách đây 2 tuần. Vậy liệu có phải họ đã nhiễm Covid-19 khi đến Việt Nam và Việt Nam đã tìm kiếm những người tiếp xúc với họ hay chưa?
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Chúng tôi quan tâm và đang tìm hiểu thông tin này. Theo tôi được biết, phía Mỹ cũng đã có phát biểu về vấn đề này. Chuyến thăm của đội tàu USS Theodore Roosevelt đến Đà Nẵng từ ngày 5-9/3 kết thúc tốt đẹp”.
*Tại họp báo, Người Phát ngôn thông tin: Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 về Covid-19 sẽ diễn ra vào 19h ngày 26/3 (giờ Hà Nội). Đây là hội nghị thượng đỉnh đặt biệt của G20 nhằm truyền thông điệp cấp cao nhất của G20 trong thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong ứng phó dịch Covid-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự hội nghị trực tuyến này trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 nhằm thể hiện trách nhiệm, đóng góp của ASEAN và Việt Nam đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong chống dịch Covid-19.
*Trả lời câu hỏi về việc Chính phủ Việt Nam quyết định hoãn lại các hợp đồng xuất khẩu gạo, do liên quan vấn đề an ninh lương thực hay do quan điểm của Bộ Công Thương?
Người Phát ngôn nói: Việc này báo chí đã đưa tin đầy đủ. Ngày 25/3, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ Công thương, Tài chính, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo hiện nay của Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng giao cho các bộ này phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan lập các đoàn làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt rà soát kiểm tra đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ, lưu thông, tình hình thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo.
“Tôi cũng muốn nói thêm, Chính phủ Việt Nam luôn luôn quan tâm đến vấn đề đảm bảo an ninh lương thực ở trong nước, cùng với vấn đề xuất khẩu gạo”.