Nhìn lại Thế vận hội 'lỡ hẹn' năm 1944

Đình Tú 27/03/2020 08:00

Nhật Bản cuối cùng đã tuyên bố hoãn Olympic 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thời điểm sớm nhất để có thể tổ chức lại Thế vận hội là vào hè 2021. Trong lịch sử các thế vận hội mùa hè, đây là lần đầu tiên trong gần 80 năm qua kể từ khi bị hoãn năm 1944.

Nhìn lại Thế vận hội 'lỡ hẹn' năm 1944

Có một Olympic khác được tổ chức tại nhà tù Đức quốc xã vào năm 1944 bởi các tù nhân.

Hoãn bởi chiến tranh

Đầu năm 1944, bóng ma và sự tàn phá của chiến tranh trong cuộc đại chiến lần 2 bao trùm, đe dọa tất cả các quốc gia châu Âu. Thế nhưng, bất chấp tất cả, các vận động viên thể thao đỉnh cao của châu Âu cũng như trên toàn thế giới đang đổ dồn sự tập trung của mình vào London, Anh. Họ đang chờ đợi vào quyết định cuối cùng của nước chủ nhà và thành phố sẽ dự kiến sẽ tổ chức Thế vận hội mùa hè năm đó.

Ngay trước khi bùng nổ Thế chiến 2 trên diện rộng, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã trao quyền tổ chức Olympic mùa hè 1944 cho London. Thủ đô của Anh đã thắng trong cuộc đua với 7 thành phố khác là Athens, Budapest, Detroit, Helsinki, Lausanne, Montreal và Rome để giành quyền đăng cai.
Trong vòng 2 năm, Chính phủ, Ủy ban Olimpic của Anh và chính quyền London đã đầu tư, nâng cấp loạt các điểm và sân vận động phục vụ cho Thế vận hội.

Cuối cùng, Olimpic 1944 cũng không được diễn ra, bởi đại chiến bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Quyết định của Chính phủ Anh và thành phố London làm buồn lòng của hàng ngàn vận động viên của hơn 50 quốc gia và chính nước chủ nhà như cách mà họ gọi “cực chẳng đã”.

Để “bù” cho London, IOC đã cho phép thành phố này tổ chức Thế vận hội mùa hè năm 1948. Truyền thông Anh thời điểm đó miêu tả “Olympic 1948 diễn ra trong khốn khó” khi các nước vẫn đang hồi phục sau chiến tranh. Thế vận hội đầu tiên sau đại chiến chứng kiến các kỷ lục khi có tới 59 quốc gia tham dự, với hơn 4.000 vận động viên thành tích cao.

Một thế vận hội đặc biệt tại nhà tù phát xít

Thế vận hội 1944 chính thức tại London bị hoãn nhưng ít ai biết còn một thế vận hội khác được tổ chức tại nhà tù phát xít Đức tại trại giam Woldenberg Oflag II-C,thị trấn Woldenberg (nằm gần biên giới giữa Ba Lan và Đức).

“Khác với những trại tập trung diệt chủng người Do Thái, nơi tù nhân bị buộc phải lao động khổ sai và bị đưa vào phòng hơi ngạt thì ở trại Woldenberg Oflag II-C, trong một chừng mực nào đó, lính Đức giam giữ chúng tôi theo Công ước Geneve”- một tù binh của trại giam nhớ lại.

Được tập và chơi thể thao thường xuyên, các tù binh của chế độ phát xít tại trại giam Woldenberg Oflag II-C trở thành những vận động viên không chuyên. Sau khi nghe Thế vận hội mùa hè tại London bị hoãn, các tù binh đã họp bàn và trình bày ý định lên trưởng trại giam là trung tá Đức Quốc xã Henrich Steinner, đề nghị cho được tổ chức Thế vận hội ngay trong nhà tù.

Thật bất ngờ bởi ý tưởng đó được thực hiện. Các tù binh đã nhanh chóng bắt tay vào việc chuẩn bị. Lá cờ Olympic được thực hiện bằng một tấm vải trải giường màu trắng rồi vẽ lên đó 5 vòng tròn 5 màu, tượng trưng cho 5 châu lục cùng hàng chữ “ROK 44 IIC” (tiếng Ba Lan viết tắt nghĩa là Olympic 1944 tại Woldenberg Oflag II-C).

Chương trình thi đấu và tên của các vận động viên được viết lên những tấm bìa các tông. Giấy mời được gửi đến từng tù nhân và cả đội ngũ giám thị là sỹ quan và binh lính phát xít.

Theo lời kể của ông Wolavski, một tù binh Ba Lan, sáng ngày 23/7/1944, ngoại trừ những người đau ốm hoặc quá yếu không thể tham dự, còn thì tất cả tập trung trong sân trại để dự lễ khai mạc. “Không thể tin được sự phấn khích của mọi người lúc ấy khi lá cờ Olympic lạ lùng nhất thế giới từ từ kéo lên”.

Thế vận hội độc nhất vô nhị diễn ra trong 21 ngày liền với hàng loạt các môn bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, bóng ném, điền kinh và quyền Anh. Đã có 369 tù nhân tham gia 464 cuộc thi trong toàn bộ các ngày thi đấu. “Nếu như ngoài đời, các vận động viên chạy 100m chỉ mất khoảng 9 đến 12 giây thì ở trại Woldenberg Oflag II-C, người chạy nhanh nhất cũng phải hơn 1 phút vì đói” - ông Wolavski nói.

“Dù vậy, các vận động viên vẫn thi đấu rất tích cực, không ai bỏ cuộc nửa chừng để chứng minh cho phát xít Đức biết rằng hàng rào dây thép gai không giam cầm được ý chí của chúng tôi” – các tù binh kể lại. Tinh thần thể thao, tinh thần đoàn kết quốc tế trở thành ngọn đuốc giúp các tù binh vượt qua và sống sót, được giải phóng khi phát xít Đức đầu hàng quân Đồng minh (tháng 8/1945).

Đình Tú