Mỗi khu dân cư là một 'pháo đài' chống dịch

Tuệ Phương 27/03/2020 08:00

Các biện pháp giám sát, phát hiện các ca bệnh; giám sát việc thực hiện cách ly hay việc hỗ trợ khi xảy ra dịch bệnh, chung tay thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch… muốn phát huy hiệu quả đều phải thực hiện từ cơ sở. Kinh nghiệm tại “điểm nóng” Hà Nội cho thấy, những địa bàn triển khai thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh cũng chính là những địa bàn mà cán bộ Tổ dân phố, cán bộ Mặt trận ở khu dân cư vào cuộc tích cực nhất.

Mỗi khu dân cư là một 'pháo đài' chống dịch

Người dân tại các khu vực cách ly được tạo điều kiện tốt nhất.

Một đoạn phố Trúc Bạch (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) vừa kết thúc đợt khoanh vùng, cách ly kéo dài 14 ngày. Chính trong thời gian cách ly phòng, chống dịch, gần 70 hộ gia đình mới cảm thấy tình nghĩa hàng xóm, tấm lòng của nhân dân khu vực lân cận có ý nghĩa thế nào. Các hộ gia đình được tiếp tế đầy đủ các nhu yếu phẩm.

Ngoài chế độ chung của thành phố quy định, các cấp MTTQ đã tặng nhiều phần quà, trang thiết bị cho nhân dân yên tâm phòng chống dịch bệnh. Và quan trọng hơn, đây là địa bàn đầu tiên của thành phố phải cách ly theo khu vực. Nhưng người dân trên địa bàn phường Trúc Bạch, địa bàn quận Ba Đình không bị rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ.

Bà Đỗ Thị Duy Nhiên- Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Ba Đình cho biết: “Ngay khi nhận được tin trên địa bàn quận Ba Đình phát hiện ca bệnh dương tính đầu tiên của thành phố, hệ thống MTTQ từ quận tới phường đã tích cực vào cuộc. Chúng tôi xác định phải hướng đến cơ sở, vì cơ sở là nơi gần gũi nhất với cuộc sống nhân dân. Các cán bộ Mặt trận phường, Trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư phải cùng các ban, ngành tích cực tuyên truyền phát tờ rơi, áp phích cho các hộ dân; phối hợp với chính quyền, công an trong việc ký cam kết đối với từng hộ gia đình về thực hiện phòng, chống dịch, đảm bảo kịp thời có các thông tin chính thống đến người dân”.

Cán bộ Mặt trận phối hợp cùng lực lượng chức năng trên địa bàn 14 phường phân công lãnh đạo và cán bộ ứng trực thường xuyên tại địa bàn để chủ động xử lý tình huống phát sinh, đồng thời kiểm soát hoạt động điện thoại di động 24/7, đảm bảo thông tin thông suốt.

Cũng theo bà Nhiên, cùng với việc hỗ trợ công tác cách ly, vai trò của Ban Công tác Mặt trận trong phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát danh sách những người đã tiếp xúc với các bệnh nhân trên địa bàn quận, tổ chức khoanh vùng cách ly không để dịch bùng phát trên diện rộng là hết sức quan trọng.

Kinh nghiệm của phố Trúc Bạch nói riêng, Ba Đình nói chung trong ứng phó với ca nhiễm đầu tiên đã tạo kinh nghiệm cho các đơn vị khác của Hà Nội thực hiện công tác cách ly, hỗ trợ các hộ gia đình cách ly, rà soát đối tượng có nguy cơ lây nhiễm.

Trên địa bàn Hà Nội, quận Long Biên cũng là địa bàn phức tạp, hiện có hai ca nhiễm bệnh. Một ca nằm trên địa bàn phường Bồ Đề. Là một trong những người trực tiếp đi vận động, bà Nguyễn Thị Lan- Tổ trưởng Tổ dân phố số 19, phường Bồ Đề, quận Long Biên cho biết, để công tác vận động được thuận lợi chúng tôi thành lập nhóm Zalo của tổ dân phố để người dân phòng tránh cao nhất nhưng cũng không hoang mang, không lo sợ quá mức.

“Chúng tôi đã đến từng nhà, rà soát từng đối tượng để lấy thông tin. Trong quá trình làm việc có những thông tin phản hồi lại bày tỏ sự lo sợ nhưng đã được chúng tôi tuyên truyền để phòng tránh tốt nhất, có cơ hội thành công tốt nhất. Nếu mình hoang mang, lo sợ tức là mình đã tự làm cho mình không phòng chống được tốt. Mỗi một người dân thực hiện tốt và làm tốt công tác phòng chống vệ sinh cá nhân: rửa tay hàng ngày, sát khuẩn, vệ sinh gia đình, làm sạch ngõ phố… tức là người dân đang giữ gìn sự an toàn cho chính bản thân mình cũng như chính gia đình mình”- bà Lan chia sẻ.

Cũng theo bà Lan, Tổ dân phố 19 đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tổ trưởng tổ dân phố cho đến MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Sự phối hợp đồng bộ này giúp việc rà soát không bỏ lọt các đối tượng cần theo dõi.

“Để đạt được tiêu chí toàn dân chống dịch, thì phải bắt đầu từ mỗi gia đình, mỗi cá nhân, mỗi người trong tổ dân phố nơi mình cư trú, đây là điều quan trọng nhất. Tổ dân phố 19 có người cách ly tại nhà nhưng để người dân không hoang mang chúng tôi cũng hết sức tế nhị, không giấu nhưng cũng không để người dân hoang mang. Vì có người chỉ cần nhắc đến hai từ cách ly thôi là hoảng sợ rồi”- bà Lan chia sẻ.

Tại địa bàn quận Đống Đa, bà Châu Thị Kim- Phó ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 4, phường Thổ Quan cũng chia sẻ kinh nghiệm, muốn chống dịch, thì phải dựa vào chi bộ, hoạt động của tổ trưởng tổ dân phố và “liên ngành” Mặt trận, các đoàn thể ở khu dân cư.

Đảng ủy phường Thổ Quan đạt được sự thống nhất cao với MTTQ và các đoàn thể, nên các chủ trương, chính sách được các đoàn thể xắn tay vào làm. Khi khu phố vận động các gia đình có người đi nước ngoài về hoặc gia đình có người nghi ngờ thì tự nguyện cách ly đều thông báo cho tổ trường và tổ phó. Ngay sau đó, nhân viên y tế cùng đại diện tổ dân phố, đại diện lãnh đạo phường trực tiếp có mặt động viên, chia sẻ.

Việc làm này khiến người phải cách ly thấy mọi người luôn đồng hành, chính quyền quan tâm nên yên tâm thực hiện. Do đó, đến nay, việc phát hiện, khoanh vùng, cách ly những người nghi ngờ nhiễm bệnh đã được thực hiện rất tốt, nhiều người đã chủ động khai báo về tình trạng sức khỏe của mình, nhiều người dân đã kịp thời cung cấp thông tin những người không khai báo khi đi từ vùng dịch về cho các cơ quan chức năng, nhờ vậy đã góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Hà Nội đang là địa bàn có nhiều người nhiễm Covid-19 nhất cả nước. Nhưng thực tế, hầu hết các ca nhiễm đều có nguồn gốc từ nước ngoài, các khu dân cư vẫn đang được xây dựng thành những “pháo đài phòng chống dịch bệnh”.

Bà Nguyễn Lan Hương- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho biết, ngay từ những ngày đầu xuất hiện dịch bệnh, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Ủy ban MTTQ TP đã xây dựng kế hoạch “Chung tay phòng chống dịch bệnh” triển khai trong hệ thống Mặt trận và tổ chức thành viên các cấp trên địa bàn. Để làm được việc này, cán bộ Mặt trận các cấp, đặc biệt là các Ban Công tác Mặt trận đã phối hợp với cơ quan chức năng tại các địa phương tiếp cận từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân tự giác khai báo, chủ động thông tin về những người đi, đến từ vùng dịch mà chưa tự giác khai báo, tham gia giám sát những trường hợp đang thực hiện cách ly tại nhà. Tuyên truyền để nhân dân thấy được việc phòng chống dịch là công việc của toàn dân, là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình. Tuyên truyền đề người dân nhận thấy người xung quanh không bị nhiễm dịch bệnh thì mình mới không bị nhiễm dịch bệnh.

Tuệ Phương