Gỡ khó cho chế biến và xuất khẩu gỗ

Hạnh Nhân 27/03/2020 08:00

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa gửi công văn tới các hiệp hội, các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ, lâm sản nhằm động viên tinh thần tương trợ giữa doanh nghiệp và người lao động, quan tâm, đãi ngộ phù hợp cho người lao động vượt qua khó khăn trước mắt với mong muốn “không để ai ở lại phía sau”.

Gỡ khó cho chế biến và xuất khẩu gỗ

Trong khó khăn, càng cần đến sự năng động của các doanh nghiệp.

Tác động mạnh từ “bão Covid-19”

Năm 2020, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 12,5 tỷ USD. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, “bão Covid-19” gây tác động mạnh đến ngành gỗ và chế biến gỗ Việt Nam ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Theo số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hết tháng 2/2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,578 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2019, trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,137 tỷ USD, tăng 13,9%. 2 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc tăng, nhưng lại có xu giảm tại các thị trường: Anh (-13%), Hàn Quốc (-6%), Hà Lan (-23%), Úc (-13%)… Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 giảm gồm: Dăm gỗ giảm 3%; gỗ dán và các loại ván nhân tạo xuất khẩu giảm 15%; gỗ xẻ xuất khẩu giảm 32%.

Ở chiều ngược lại, 2 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 329,8 triệu USD, giảm 11,1% so với năm 2019. Việc nhập khẩu gỗ giảm do nguồn cung trong nước tăng, dịch Covid-19 khiến một số DN thận trọng trong việc nhập nguyên liệu do sợ xuất khẩu gặp khó khăn.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản gỗ Việt Nam dự báo năm 2020, có thể lần đầu tiên trong vòng gần 10 năm qua, ngành gỗ sẽ không có tăng trưởng. Theo ông Ngô Sỹ Hoài- Phó Tổng Thư ký Hiệp hội, các thị trường trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật… hiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh đến khả năng nhận hàng, phân phối và tiêu thụ đồ gỗ tại các thị trường này. Một số khách hàng đề nghị chậm giao hàng theo đơn hàng đã ký, chậm thanh toán tiền hàng vì nhân viên phải nghỉ tránh dịch bệnh. Dự kiến để ký đơn hàng mới sẽ chậm từ 3 - 6 tháng do lo ngại dịch bệnh, khách hàng chưa sang.

Đề xuất giải pháp gỡ khó cho DN ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài kiến nghị: Các cơ quan chức năng giảm thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ từ 2% xuống còn 0% đến hết năm 2020 để thúc đẩy xuất khẩu và giảm ảnh hưởng dây chuyển tới doanh nghiệp và hộ dân trồng rừng. Đối với mặt hàng gỗ xẻ xuất khẩu hiện nay đang áp thuế 25%, đề nghị giảm xuống 0% trong năm 2020. Đồng thời kiến nghị trả chậm thuế VAT nhập khẩu nguyên liệu gỗ nhằm hỗ trợ tài chính cho DN. Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ thêm 3 - 6 tháng, không tính lãi suất phạt quá hạn....

“Không để ai ở lại phía sau”

Với vai trò của Bộ chủ quản, nhằm thúc đẩy sản xuất, chế biến gỗ thích ứng với “bão Covid-19”, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN PTNT Hà Công Tuấn vừa gửi công văn động viên, khích lệ các hiệp hội, DN chế biến, xuất khẩu gỗ đoàn kết, sáng tạo vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ông Hà Công Tuấn nhận định, thời gian hiện nay dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lan rộng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản Việt Nam.

Bộ NN và PTNT đánh giá cao những cố gắng của các hiệp hội ngành hàng cùng với cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản với quyết tâm cao, khắc phục khó khăn luôn khát vọng phấn đấu thúc đẩy ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản phát triển nhanh, bền vững. Trong thời gian tới, dịch Covid-19 có diễn biến khó đoán định, trong bối cảnh mới, Bộ NN PTNT đề nghị các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng DN chế biến gỗ và lâm sản phát huy tâm - tài - trí, tìm cơ trong nguy, như phép thử đối với “sức khỏe” mỗi DN và sự liên kết cộng đồng, là cơ hội nhận rõ hơn những phần yếu kém, tiếp tục tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Theo ông Hà Công Tuấn, các hiệp hội, DN chủ động các phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị điều kiện bù vào những thiệt hại do thời gian bị gián đoạn trong thời gian hiện nay ngay sau khi dịch bệnh lắng xuống. Trước mắt, tăng cường một số hoạt động sau: Kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố nơi DN đóng trên địa bàn, các bộ, ngành về những khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 và đề xuất giải pháp cụ thể để tháo gỡ trong giai đoạn trước mắt nhằm duy trì sản xuất, ổn định của doanh nghiệp đồng thời giải quyết đời sống của người lao động. Vận động, động viên tinh thần tương trợ giữa DN và người lao động, cùng với quan tâm, đãi ngộ phù hợp với người lao động để vượt qua khó khăn trước mắt với mong muốn “không để ai ở lại phía sau”.

Ông Hà Công Tuấn khẳng định, Bộ NNPTNT luôn đồng hành cùng các hiệp hội, DN, đang theo dõi chặt chẽ tình hình, tổng hợp kiến nghị của các hiệp hội, DN để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản trong gói những chính sách hỗ trợ chung của Nhà nước.

Hạnh Nhân