Như muối mặn gừng cay lòng khế xót
Cô bé ấy viết hồn nhiên, kể hồn nhiên: “Thân thương khủng khiếp vì cả cái sân bay Doha vắng hoe xong đâu cũng nghe tiếng Việt” và “Tay bắt mặt mừng làm ván bài cho xôm”…
Chuẩn bị cơ sở vật chất để sẵn sàng phục vụ cho kiều bào về cách li phòng, chống dịch Covid-19.
Halsey Nguyen - trang cá nhân của một du học sinh ở Hà Lan trở về Việt Nam trên chuyến bay cuối cùng của hãng Qatar (từ châu Âu đến Việt Nam) ngày 18/3, xuống Nội Bài ngày 19/3, với album ảnh “Việt Nam bốn bể đi đâu cũng là nhà” rất nhanh chóng nhận được hơn 17,2 nghìn lượt chia sẻ, hơn 38,5 nghìn lượt like và hơn 3,8 nghìn lượt bình luận. Cô bé sinh viên trong trẻo ấy kể về chuyến bay trở về Việt Nam, những câu chuyện trên đường đi, lúc xuống sân bay và đêm đầu tiên ở khu cách ly. Cô bé ấy viết hồn nhiên, kể hồn nhiên: “Thân thương khủng khiếp vì cả cái sân bay Doha vắng hoe xong đâu cũng nghe tiếng Việt” và “Tay bắt mặt mừng làm ván bài cho xôm”…
Tôi không biết tên thật của Halsey Nguyen và tôi cũng không định hỏi xem em là ai, con nhà ai. Bởi vì cái cách em kể chuyện theo từng bức ảnh người thật việc thật, kể cả cái bức ảnh các bạn sinh viên Việt Nam ngồi làm ván bài trong lúc chờ đợi ở sân bay Doha ấy, bỗng cho thấy tâm thế của một thế hệ vừa hiện đại, hồn nhiên, vừa công bằng trong nhận thức và đánh giá. Halsey Nguyen trong câu chuyện đầy khách quan của mình khi tả cảnh xuống sân bay và được đón về khu cách ly luôn luôn bày tỏ lòng biết ơn với đất nước và với những người đang trực tiếp đón tiếp, lo chỗ ăn chỗ ngủ cho các em…
Có khi trước đó, hai chữ đồng bào đối với một người trẻ tuổi như cô gái ấy còn là một khái niệm xa xôi, Tổ quốc có khi còn mơ hồ trừu tượng… thì sau một biến cố, những bạn trẻ đã hiểu Tổ quốc là nơi để trở về trong tình nghĩa đồng bào trong hoạn nạn thì đùm bọc, yêu thương. Halsey Nguyen đã kể khi nhóm du học sinh được các cán bộ gọi tên hướng dẫn ăn ở: “Một câu đồng bào, nghe ấm lòng. Nào là các công dân, các anh chị. Nghe người lớn hẳn ra”. Hay cô chụp một bức ảnh các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ ở sân bay ngồi bệt xuống đất trên tấm bìa để nhường ghế cho đồng bào, rồi đặt một câu hỏi tự vấn: “Mình thấy biết ơn thực sự, cũng thấy có lỗi là có phải mình đang làm gánh nặng cho đất nước không?”…
Bức ảnh trên trang cá nhân của Halsey Nguyen với dòng chú thích “Mang đồ ra xe để chở về khu cách li. Mình may mắn được cách li ở Thanh Trì, và là đoàn “khai trương” địa điểm này luôn…”.
Halsey Nguyen chỉ là một trong số hàng chục nghìn đồng bào làm ăn, sinh sống, học tập ở bên ngoài Tổ quốc đã trở về đất nước trong những ngày đại dịch này. Không phải đến bây giờ khi châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác rơi vào tình trạng khẩn cấp vì đại dịch thì chúng ta mới đặt vấn đề đón công dân Việt Nam trở về. Đầu tháng 2 đã có những chuyến phi cơ đón công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán trở về. Chính phủ không bỏ lại công dân của mình – những chuyến bay ấy là thông điệp của đất nước đối với những người Việt Nam xa quê hương. Cuối tháng 2 là những công dân ở Hàn Quốc được đón về. Người về từ Vũ Hán, từ Hàn Quốc đều được cách ly ăn ở miễn phí và nếu chẳng may dương tính với Covid-19 thì được chữa bệnh miễn phí…
16 ca nhiễm đầu tiên đã được chữa khỏi, nhiều ngày sau không có ca nào mắc thêm. Thành tích diệu kỳ ấy cùng với thông điệp không ai bị bỏ lại đã khiến khi dịch bệnh lan ra khắp châu Âu, nước Mỹ và nhiều quốc gia khác với tốc độ khủng khiếp, nước Ý có ngày tới 600 ca tử vong, thì nhiều người Việt Nam đã quyết định trở về. Số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam tăng lên mỗi ngày chủ yếu đều bắt nguồn từ những người trở về từ vùng dịch.
Đóng cửa biên giới thì dễ quá. Nhất là khi ở châu Âu, người ta tuyên bố đóng cửa biên giới từ 12h trưa ngày 17/3. Việt Nam có thể nhân tuyên bố này mà cắt mọi chuyến bay đón công dân về nước. Vừa tránh được nguồn lây bệnh (thực tế những ngày qua nhiều ca nhiễm đều là du học sinh trở về từ châu Âu), vừa giảm được chi phí… Nhưng chúng ta đã không làm như thế. Đất nước không chối bỏ những công dân của mình. Không có ai nếu có nhu cầu về mà bị bỏ lại. Lại có những chuyến bay chỉ để đón công dân về nước, nỗ lực đến những phút giây cuối cùng, trước khi nhiều quốc gia phong toả biên giới.
Trong các ngày từ 18/3, các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cam Ranh, Đà Nẵng... đón nhận hàng nghìn công dân Việt Nam về từ châu Âu, từ Mỹ, từ Úc, từ các nước ASEAN... Hàng nghìn dòng trạng thái trên mạng xã hội bày tỏ mong muốn được trở về, hàm ơn vì đã được trở về. Cũng trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh những bữa cơm bộ đội, những giấc ngủ bộ đội chịu phần thiệt thòi để nhường chỗ cho những người cách ly.
Cuộc trở về của kiều bào vào tháng 3 này không biết có phải là lớn nhất trong lịch sử hay chưa, nhưng chúng ta biết rằng trong tâm trí những người Việt Nam khi trở về, đặt chân vào đất mẹ đều hiểu thiêng liêng 2 chữ Đồng bào. Tất nhiên trong số ấy, không phải không có những tiếng nói lạc lõng, những cư xử xúc phạm đất nước mình, đồng bào mình gây sự phẫn nộ ghê gớm trong dư luận. Hàng trăm người từ tổ bay, nhân viên cảng vụ, chiến sĩ an ninh, bộ đội, y bác sĩ đã phải căng mình bất chấp việc có thể bị lây nhiễm bệnh để đảm bảo cho việc trở về của đồng bào được an toàn, vừa đảm bảo sức khoẻ cho chính họ, vừa tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Kiều bào là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Nhiều năm qua chính sách của chúng ta là nhất quán với quan điểm kiều bào là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Nhiều năm qua, hàng triệu kiều bào làm ăn sinh sống học tập ở nước ngoài vẫn hướng về quê hương đất nước với những đóng góp lớn về công sức, trí tuệ, vật chất.
Trong cơn hoạn nạn, càng hiểu lòng nhau. Trên tinh thần nhất định chiến thắng dịch Covid-19, qua cơn hoạn nạn hôm nay, hy vọng trong lòng những người con Việt Nam ở bên ngoài tổ quốc, nhất là các bạn trẻ đang là học sinh, sinh viên, càng thấm thía 2 chữ đồng bào, càng thấu hiểu hơn về Tổ quốc.
Tổ quốc tháng 3 này bỗng trở lên gần gũi với những người con xa quê hương, nơi mỗi người thảng thốt gọi tên đất mẹ Việt Nam bằng tiếng Việt như một câu thơ Lưu Quang Vũ: “Như muối mặn gừng cay lòng khế xót”!
Đất Mẹ bao dung và nhẫn nại!