Trong mọi tình huống, phải đảm bảo an ninh lương thực
Xung quanh câu chuyện xuất khẩu hay dừng xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực, tại cuộc họp giữa Bộ Công thương với các DN xuất khẩu gạo diễn ra tại TP Hồ Chí Minh mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, nguồn cung gạo trong nước vẫn dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực.
Trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo an ninh lương thực, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp, sẽ tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới. “Đối với hợp đồng xuất khẩu gạo đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật sẽ được xử lý cụ thể sau khi nghe Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Công thương báo cáo” – Công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
Tại cuộc họp chiều ngày 26/3 với Bộ Công thương, ý kiến của Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các DN xuất khẩu gạo đều cho rằng, nguồn cung gạo trong nước và tại kho các doanh nghiệp khá dồi dào, đủ để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), vụ đông xuân vừa qua nông dân thu hoạch trước 1 tháng, không bị ảnh hưởng hạn mặn, lại trúng mùa nên lượng gạo tồn kho cũng như lượng lúa trữ trong dân khá lớn, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu bình thường.
Đại diện một DN xuất khẩu gạo cho hay, lượng gạo trong kho của DN vẫn còn nhiều. Hiện DN đang xuất khẩu theo hợp đồng đã ký từ đầu năm. Nếu tiếp tục cho xuất khẩu gạo, người nông dân sẽ có lợi vì thời điểm này sẽ bán được lúa với giá cao. Hiện nay, vụ đông xuân tại ĐBSCL còn đang thu hoạch khoảng 20%-30% nữa nên xuất khẩu sẽ giữ được giá tốt cho bà con nông dân.
Chính bởi vậy, VFA cũng như các DN xuất khẩu gạo đã nêu lên đề xuất với Bộ Công thương sớm báo cáo với Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu ý kiến, mặc dù xâm nhập mặn có ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa nhưng không đáng kể. Cụ thể, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), ông Lê Thanh Tùng cho hay, thực trạng hạn mặn có ảnh hưởng song chỉ tác động một diện tích nhỏ, các vùng sản xuất lúa chính yếu đều không bị ảnh hưởng. Hơn nữa, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT ứng phó với biến đổi khí hậu chống xâm nhập mặn, các địa phương sản xuất lúa gạo đã triển khai gieo sạ vụ đông xuân 2019-2020 sớm, vì vậy thu hoạch sớm trước 20 ngày đến một tháng nên trúng mùa, và hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về sản lượng đã thu hoạch tại Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến là 11 triệu tấn thóc vụ Đông Xuân, đến giờ này đã thu hoạch 9 triệu tấn, thời gian tới sẽ thu hoạch 2 triệu tấn.
Với những diễn biến của tình hình ngành lúa gạo nước nhà, vị lãnh đạo Cục Trồng trọt cho rằng, đề xuất của các DN cũng như VFA về việc cho xuất khẩu gạo trở lại là hợp lý. “Lượng gạo vẫn đảm bảo cung ứng dồi dào cho thị trường trong nước” – đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời nêu quan điểm, trong bối cảnh dịch bệnh tràn lan, việc Thủ tướng đưa ra chỉ thị nên tạm dừng xuất khẩu gạo trong thời gian này là hợp lý. Bên cạnh đó, động thái siết chặt xuất nhập khẩu đối với mặt hàng lương thực cũng sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ. Tuy nhiên, ông Thòn cho rằng, Việt Nam là nước sản xuất lúa gạo, từ bao năm nay chưa bao giờ bị thiếu lương thực. Số lượng lúa gạo hiện tồn trong dân cũng như trong DN là khá dồi dào. Trong bối cảnh này, các quyết định của nhà quản lý cần cân nhắc, hướng đến việc đảm bảo hài hòa giữa lợi ích DN, nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Dù đề xuất việc cho xuất khẩu gạo trở lại, song nhiều DN cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, việc tiếp tục ký các hợp đồng mới cũng cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn để vừa đảm bảo xuất khẩu được gạo nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước.