'Phép thử' trong đánh giá cán bộ
Dịch Covid-19 như là một phép thử lớn, trong đó nó đặc biệt đòi hỏi bản lĩnh của người cán bộ. Nếu cán bộ không tài giỏi, không gần dân, sát dân, không đủ bản lĩnh chính trị thì không thể trở thành người lãnh đạo quản lý tốt trong tương lai.
Không một bản đánh giá cán bộ cuối năm nào chính xác bằng bản đánh giá về kỹ năng xử lý công việc trong thực tế. Và chống dịch Covid-19 cũng chính là phép thử lớn đối với cán bộ trong bối cảnh đại hội đảng bộ các cấp sẽ diễn ra trong năm 2020.
Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, bùng phát mạnh ở nhiều nước, tác động sâu, rộng tới sự phát triển kinh tế-xã hội trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người dân ở nhiều quốc gia. Trong suốt hơn 100 ngày qua, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo các cấp, các ngành nắm chắc tình hình, diễn biến, kịp thời có những giải pháp hiệu quả phòng, chống dịch bệnh. Ở cấp cao, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân. Điều đáng quý, trong đó có nhiều cán bộ, đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ ngoại giao, các đoàn viên thanh niên trên cả nước và đã triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao. Còn nhân dân đã thể hiện sự bình tĩnh cùng với các cấp ủy, chính quyền các cấp tham gia phòng, chống dịch bệnh với tinh thần đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn với tinh thần “chống dịch như chống giặc” nên phần nào nước ta đã kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Trong hoàn cảnh khó khăn, cam go đó thì bản lĩnh của mỗi người sẽ được bộc lộ rõ ràng nhất. Bởi từ công tác phòng, chống dịch bệnh có thể đánh giá được ý thức của từng người, ở từng vị trí công tác thay vì những bản đánh giá cán bộ cuối năm đều tuyệt đối hoàn thành nhiệm vụ (chỉ gần 1% cán bộ công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ), trong khi thực tế theo đánh giá thì sức ì của bộ máy vẫn còn lớn, vẫn có đến 30% cán bộ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về như Thủ tướng (lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã từng đề cập, hay chí ít con số này cũng nằm ở mức “hai con số” như lãnh đạo các địa phương từng nhận xét. Chính vì vậy, dịch Covid-19 cũng có thể coi là “bộ lọc” thực tế nhất nhằm đánh giá cán bộ một cách khách quan, để “lọc” bớt những cán bộ chỉ vì cái riêng mà lơ là việc chung. Như người xưa có câu “chỉ ra trận mới biết tướng tài”.
“Chống dịch như chống giặc” đòi hỏi sự quyết tâm và bản lĩnh rất lớn của người cán bộ. Song bên cạnh đa số những cán bộ và toàn dân tham gia, thì cũng có một bộ phận cán bộ chưa hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Mới đây trong Thông báo số 172-TB/TW thông báo kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Chính trị cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch cũng có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng, phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng chưa được nhuần nhuyễn; một số nơi chưa thực sự quyết liệt, công tác thông tin, tuyên truyền ở một số thời điểm, địa bàn định hướng chưa rõ, hiệu quả chưa cao”.
Trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế đất nước, khi trao đổi với ĐĐK, ông Bùi Đức Thụ- thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính-Tiền tệ quốc gia từng than phiền khi trong mấy tháng đầu năm 2020, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, nguy cơ chi không hết trong điều kiện ngân sách thâm hụt. Và theo ông, đây đang là một nghịch lý “có tiền không tiêu được” trong khi ngân sách vẫn phải đi vay để có tiền đầu tư. Theo phân tích của vị chuyên gia này, nhu cầu xã hội cần nhưng đáp ứng đầu tư còn thấp là điều đáng buồn, nó không chỉ làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách mà còn tạo ra những nút thắt trong nền kinh tế, nguồn lực đầu tư công không khơi thông được làm giảm toàn bộ sự thu hút đầu tư với các thành phần kinh tế khác, làm ách tắc, cản trở tốc độ tăng trưởng GDP. Do vậy hơn lúc nào hết, không chỉ tiết kiệm ngân sách, tái cơ cấu mạnh mà nhiệm vụ chi đầu tư công phải được coi như là nhiệm vụ chính trị từ Trung ương cho tới địa phương. “Bất cứ cá nhân, tổ chức nào không thực hiện kế hoạch đầu tư công có thể bị coi như “không hoàn thành nhiệm vụ” gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, nếu người đó nằm trong quy hoạch nhân sự khóa tới cần phải hết sức xem xét, đánh giá”- ông Thụ đề xuất.
Mới đây, tại cuộc họp cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý “không được chủ quan, bằng lòng, thỏa mãn mà phải luôn theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình”. Vì thế ứng phó với dịch bệnh cũng được xem như là một thử thách để đánh giá cán bộ khi hiện nay ngoài nhiệm vụ chống dịch, các địa phương cũng đang tích cực chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo của cán bộ trước khi vào cấp ủy khóa mới sẽ được thể hiện rõ nhất, sinh động nhất từ thực tiễn phòng, chống dịch bệnh hiện nay. Trong tương lai, cán bộ có thể còn phải đối diện với nhiều thử thách lớn và phức tạp hơn trong dịch bệnh. Nếu cán bộ không vượt qua được thử thách ban đầu này thì e rằng khó có thể có được bản lĩnh để nắm giữ vị trí quan trọng hơn. Chỉ những người vượt qua khó khăn, cùng với nhân dân chiến thắng dịch bệnh thì người đó rất xứng đáng vào cấp ủy khóa mới. Vì thế không quá khó để loại bỏ những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ từ việc không chịu “chống dịch như chống giặc”.