Vùng biển Aegean lại nóng
Quan hệ Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ lại trở nên nóng bỏng khi mới đây Bộ Vận tải biển Hy Lạp cho biết kế hoạch cải tạo 28 đảo không người ở trên biển Aegean sắp hoàn thành.
Biển Aegean là một trong 7 điểm nóng trên biển toàn thế giới.
Liên tục tranh chấp
Tranh chấp trên biển Aegean giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến thềm lục địa và chủ quyền của một số đảo kéo dài từ năm 1973 đến nay. Xung đột thường xuyên diễn ra giữa hai nước, đặc biệt số sự vụ tăng lên nhanh chóng kể từ năm 2013 và được coi là một trong 7 điểm nóng trên biển toàn thế giới.
Vụ việc mở đầu bằng sự kiện ngày 1/11/1973, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép mốt số công ty khai thác dầu mỏ nước này khai thác dầu trên 27 khu vực ở thềm lục địa biển Aegean. Các tàu của Thổ Nhĩ Kỳ có thể thăm dò và khai thác nguồn dầu mỏ ở vùng thềm lục địa nằm giữa địa phận hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Hi Lạp. Ngay lập tức ngày 7/2/1974, Chính phủ Hy Lạp đã gửi Công hàm cho Thổ Nhĩ Kỳ đặt câu hỏi và phản đối các chính sách của Ankara.
Thời gian tiếp sau đó, hai nước liên tục trao đổi các công hàm thể hiện quan điểm của vấn đề này. Hy Lạp không ngừng tuyên bố chủ quyền trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định những khu vực đó là vùng thềm lục địa của mình, và đưa các thiết bị nhằm khai thác nguồn dầu mỏ ở đây.
Vào tháng 3/1987, khi Hy Lạp thông báo khoan dầu tại vùng biển tranh chấp gần đảo Thasos, Thổ Nhĩ Kỳ điều động tàu thăm dò RV MTA Sismik 1 đến khu vực với sự tháp tùng của tàu chiến. Căng thẳng leo thang và cả hai phía đều đặt lực lượng vũ trang trong tình trạng báo động, sẵn sàng đánh chìm tàu của bên kia. Cuối cùng, nhờ sự dàn xếp của Tổng Thư ký NATO Peter Carington, 2 nước xuống thang và đồng ý không cho tàu chính phủ vào vùng tranh chấp.
Đến cuối tháng 1/1996, căng thẳng leo thang nghiêm trọng hơn. Khủng hoảng bắt đầu khi tàu chở hàng Figen Akat của Thổ Nhĩ Kỳ mắc cạn trên cặp đảo Imia/Kardak nằm giữa biển Aegean. Một nhóm người thậm chí hạ cờ Hy Lạp và dựng cờ Thổ Nhĩ Kỳ lên, để rồi bị biệt kích Hy Lạp gỡ bỏ không lâu sau đó.
Lãnh đạo hai bên chỉ trích nhau kịch liệt, đồng thời triển khai tàu chiến, máy bay và binh sĩ đến khu vực. Tình hình căng thẳng đến mức có thời điểm Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ khi đó là Tansu Çiller ra tối hậu thư buộc Hy Lạp rút quân trong vòng 2 tiếng đồng hồ, nếu không muốn chiến tranh. Lần này, đến lượt Mỹ vào cuộc làm trung gian, 2 nước đồng ý rút quân và phục hồi nguyên trạng.
Giải quyết qua đối thoại
Đến nay Hy Lạp kiểm soát đảo phía Đông, còn đảo phía Tây do Thổ Nhĩ Kỳ quản lý. Tuy nhiên, mồi lửa tranh chấp vẫn tồn tại, chỉ chờ cơ hội bùng phát khi 2 nước tiếp tục có tuyên bố chủ quyền chồng chéo đối với nhiều hòn đảo nhỏ không người khác. Chiến đấu cơ 2 nước cũng thường xuyên “vờn” nhau trên vùng trời thuộc biển Aegean.
Hồi đầu năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos đến thăm đảo Đông của Imia/Kardak. Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng bằng tuyên bố rằng Hy Lạp cần chấm dứt các hoạt động đơn phương nếu không muốn làm tổn hại “không khí tích cực” giữa 2 nước.
Theo các chuyên gia về luật biển và an ninh hàng hải, dù tranh chấp Aegean vẫn chưa thể giải quyết, nhưng về cơ bản, sau hơn 50 cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao của hai quốc gia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý để những tranh chấp không có giải pháp cho sự phán quyết của Tòa án Quốc tế (IJC).
Đáng lưu ý, gần đây, trong chuyến thăm, gặp gỡ giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, cả 2 đã khẳng định sẽ giải quyết tranh chấp giữa hai nước thông qua đối thoại.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Tsipras nói: “Tôi rất hài lòng khi các kênh liên lạc với Thổ Nhĩ Kỳ được mở để chúng tôi có thể tiến hành các bước đi mang tính xây dựng hơn, kêu gọi một mối quan hệ dựa trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và hiểu các vấn đề của nhau.” Về phần mình, Tổng thống Erdogan cũng khẳng định: “Chúng tôi tin rằng mọi vấn đề có thể được giải quyết thông qua đối thoại”.
Theo nhận định của GS Gukin từ HV Quốc phòng Nga, các tranh chấp của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vùng biển trên rất có thể sẽ được 2 bên thống nhất đưa ra tòa trọng tài quốc tế vào thời điểm tới. “Một phán quyết mà 2 bên cùng tuân thủ là biện pháp tốt nhất để giải quyết các bất đồng dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế”- GS Gukin kêu gọi.