Thành phố trong rừng xanh
Được mệnh danh là “thành phố trong rừng xanh”, “thành phố công viên” hay “thành phố cây cổ thụ”, nhiều năm qua Trà Vinh đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Cây xanh đi vào tâm thức của các cộng đồng dân cư bản địa và được hình tượng hóa với những ý nghĩa rất đặc biệt trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng.
Những tuyến đường rợp bóng cây.
Thành phố “độc nhất vô nhị” ở miền Tây
Sở dĩ thành phố Trà Vinh được ví như “thành phố trong rừng” bởi mật độ cây xanh ở đây có thể nói là dày đặc. Đoàn chúng tôi gồm bảy người, có dịp ghé thăm thành phố đặc biệt này của Đồng bằng sông Cửu Long vào những ngày giữa tháng ba. Bây giờ vẫn đang là mùa khô, thế nhưng đi dưới những tán cây cổ thụ rợp bóng mát ai cũng có cảm giác như đang đi giữa mùa thu Hà Nội. Những người làm công tác cây xanh ở thành phố nói với chúng tôi những con số rất ấn tượng: Thành phố Trà Vinh có tới trên dưới 15.000 cây, với nhiều chủng loại và trong số đó có rất nhiều cây cổ thụ, với khoảng gần 1.000 cây trên trăm tuổi, được trồng từ thời Pháp. Nhờ cây cối bao bọc, khí hậu ở đây rất mát mẻ, dễ chịu.
Cũng không biết từ khi nào, cây xanh ở đây đã đi vào tâm thức của người dân Trà Vinh với những tên gọi rất thân quen, gần gũi, như đường Hàng Me, Cây Dầu Lớn…gợi đến nhiều ký ức lịch sử. Chia sẻ với chúng tôi, nhà nghiên cứu Trần Dũng- Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh cho biết, không phải ngẫu nhiên thành phố Trà Vinh trở thành nơi “độc nhất vô nhị” về mảng xanh và được ví như “thành phố cây xanh”. Đó là bởi vì hàng trăm năm qua, một nguyên tắc đã được duy trì qua nhiều thế hệ là bất cứ ở đâu có các phum sóc và chùa thì cũng có hệ thống cây xanh đặc hữu. Nếp sống truyền thống này của người Trà Vinh đã lan tỏa, từ đó định hình tính cách thân thiện quý trọng, không đối đầu, không hủy hoại thiên nhiên.
Từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã cho triển khai việc trồng cây xanh ở các đô thị tỉnh lị của 20 tỉnh ở Nam kỳ, trong đó có Trà Vinh. Về chủng loại, cây xanh được trồng phổ biến, gồm các thực vật bản địa đặc hữu (me, sao, dầu…). Đến nay, ngoài hệ thống cây xanh được trồng mới trong quá trình phát triển đô thị, hàng ngàn cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tiếp tục được các cộng đồng người bản địa bảo vệ và chăm sóc tập trung ở hơn 530 di tích (trong đó có 15 di tích được xếp hạng di tích quốc gia), phổ biến nhất là tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer.
Một lãnh đạo Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho chúng tôi biết, hiện nay ở nhiều địa điểm di tích, tuổi thọ của các cây cổ thụ đã đến hàng trăm năm. Trong số này, có các chủng loại thực vật bản địa, đa số là các cây sao và dầu rất có giá trị. Hệ thống cây xanh đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc tạo giá trị cảnh quan, giá trị thẩm mỹ, điều tiết khí hậu, chuyển tải các thông điệp văn hóa tâm linh (cụ cây, cây thiêng, cây ước nguyện…) cho các di tích tại Trà Vinh.
Sống gần gũi, giao hòa, gắn bó với cây xanh, thành phố Trà Vinh không hổ danh là “thành phố trong rừng xanh”. Nhà nghiên cứu Trần Dũng còn tiết lộ với chúng tôi rằng, người nơi đây còn coi cây xanh, với từng hàng cây cổ thụ như những người bạn thân thiết, thậm chí còn được coi như máu thịt, tâm hồn của chính cộng đồng mình.
Những ngôi chùa ở Trà Vinh mát rượi cây xanh.
Cây xanh - biểu tượng có tâm hồn
Những ngày lưu lại “thành phố trong rừng”, chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện gần gũi, gắn bó và giao hòa giữa con người và cây xanh hết sức xúc động.
Trong đời sống văn hóa bản địa ở đây cho đến nay còn lưu truyền giai thoại về “ông Năm Me” (tên thật là Nguyễn Văn Hung). Ông được chính quyền cách mạng lâm thời sau giải phóng giao thầu nhiệm vụ thu hái trái me trên đường Hàng Me.
Để bảo vệ, chăm sóc cây me, ông Năm Me đã gần như dành toàn bộ thời gian và tâm huyết, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, chỉ với những dụng cụ rất thô sơ (cây móc tầm vông, sợi dây luột và một chiếc cưu tay thủ công) để thăm khám, chăm sóc, tỉa bỏ, trồng mới… để giữ cho chủng loại thực vật đặc hữu bản địa này tồn tại vượt qua nắng mưa.
Công lao chăm sóc, bảo vệ cây xanh của ông Năm Me đã được bà con truyền tụng. Sau đó một số tuyến đường dù đã được chính quyền đặt tên chính thức (đường Lê Văn Duyệt, nay là đường 19 tháng 5) nhưng vẫn được người dân bản địa gán luôn thành tên đường “ông Năm Me”.
Hiện nay, ngoài tuyến đường này ở Trà Vinh, một số địa danh như đường Hàng Sao (Lê Thánh Tôn), đường Cây Dầu (Nguyễn Thị Minh Khai) cũng được người bản địa gọi tên cây xanh theo cách rất gần gũi.
Theo chỉ dẫn của nhà nghiên cứu văn hóa Thạch Thị Út Linh (Phó ban Giới và Dân tộc, ĐH Trà Vinh), đoàn chúng tôi có dịp tham quan khu vực di tích Ao Bà Om (danh lam thắng cảnh cấp quốc gia) ở phường 8, thành phố Trà Vinh.
Ở đây hiện còn bảo tồn được nhiều chủng loại thực vật bản địa cổ thụ quý hiếm đang được chăm sóc, bảo vệ đặc biệt và đã trải qua hàng trăm năm tuổi. Ao Bà Om cũng gắn liền với truyền thuyết kể về cuộc thi đào ao giữa phái Nam và phái Nữ người Khmer.
Kết quả phần thắng đã thuộc về phái Nữ, nhờ sự thông minh, mưu trí và chăm chỉ của phái mình, sau đó được chính cộng đồng người Khmer tôn vinh, đặt tên thành Ao Bà Om. Bên cạnh truyền thuyết này thì trong phương ngữ địa phương, từ “Ao Bà Om” ban đầu được sử dụng biến âm là “Ao Ngò Om” có ý nghĩa là “ao mọc nhiều cây ngò om”.
Lý do vùng đất Ao Bà Om hiện nay chính là vùng đất cát pha thịt phía tây nam thành phố Trà Vinh trước đây có rất nhiều rau ngò om vào mùa mưa. Người dân trước kia có thói quen sử dụng rau ngò om như một thực phẩm truyền thống và cũng để mang ra chợ đổi lấy gạo.
Ngày nay, Ao Bà Om không chỉ được biết đến như một địa điểm danh thắng cấp quốc gia nổi tiếng ở Trà Vinh, với hệ thống cây xanh cổ thụ quý hiếm, mà còn là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa của người Khmer trong lễ hội Ok Om Bok (tổ chức vào rằm tháng mười hàng năm).
Những năm trước đây, nhà nghiên cứu Trần Dũng rất tích cực trong sưu tầm những truyện kể dân gian của các tộc người cộng cư bản địa. Ông kể, trong số những gì tìm kiếm được có tới 30 chuyện kể nói về mối quan hệ của người Trà Vinh đối với môi trường tự nhiên thông qua biểu tượng con cọp.
Ở đó, con người và cọp không đối đầu nhau, cùng chung sống trong môi trường xây xanh gần gũi trong đời sống của mình, không có chuyện nào người giết cọp và cũng không có chuyện cọp giết người, khác hẳn với các truyện dân gian về cọp ở một số địa phương khác.
Từ đó, trải qua diễn trình lịch sử, có thể thấy rằng tính cách không đối đầu, không xâm hại, không hủy hoại môi trường tự nhiên, sống hòa mình với xây xanh để rồi được chính cây xanh che chở, yêu thương đã đảm bảo quá trình sinh kế, sinh tồn lâu dài cho cộng đồng các dân tộc ở Trà Vinh.
Trong những ngày rong ruổi ở các phum, sóc Trà Vinh, chúng tôi cũng được những vị cao niên ở đây kể về biểu tượng cây Buông (khá giống với lá cây thốt nốt) đối với các cộng đồng bản địa. Không biết từ lúc nào, người Khmer nơi đây đã biết dùng lá của cây Buông để ghi chép kinh, gọi là “Kinh Lá Buông”. Sau đó, người ta còn biết sử dụng lá Buông vào ghi chép tài liệu, trao đổi thư từ, văn bản, thường được gọi phổ biến là các Satra Slât Rit.
Riêng Kinh Lá Buông được sử dụng rộng rãi trong các cộng đồng Khmer Trà Vinh cho đến ngày nay, được lưu trữ trong các chùa Phật giáo Nam tông Khmer và được quý trọng như một di sản văn hóa tiêu biểu. Một số chùa ở Trà Vinh hiện còn sử dụng Kinh Lá Buông để thuyết giảng kinh Phật trong các dịp lễ truyền thống.
Mới đây nhất, nghệ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer An Giang còn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hơn 120 năm đã qua, Trà Vinh liên tục phát triển, đô thị được mở rộng ra, cùng hệ thống cây xanh đặc hữu bản địa có tuổi thọ hàng trăm năm. Người Trà Vinh kiêu hãnh, tự hào khi được biết đến như một xứ sở “thành phố cây xanh” ở miền sông nước Tây Nam bộ….
Trải qua diễn trình lịch sử, có thể thấy rằng tính cách không đối đầu, không xâm hại, không hủy hoại môi trường tự nhiên, sống hòa mình với xây xanh để rồi được chính cây xanh che chở, yêu thương đã đảm bảo quá trình sinh kế, sinh tồn lâu dài cho các cộng đồng các dân tộc ở Trà Vinh. Hệ thống cây xanh đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc tạo giá trị cảnh quan, giá trị thẩm mỹ, điều tiết khí hậu, chuyển tải các thông điệp văn hóa tâm linh (cụ cây, cây thiêng, cây ước nguyện…) cho các di tích tại Trà Vinh.