Làm giàu từ nuôi ong lấy mật

Văn Dân 01/04/2020 06:30

Đó là câu chuyện ở huyện Yên Minh, tỉnh hà Giang. Yên Minh là một trong 6 huyện nghèo và là một trong 4 huyện thuộc vùng cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang, gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ. Đây là nơi cư trú của đa số đồng bào dân tộc thiểu số, tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún; đời sống người dân còn khó khăn.

Làm giàu từ nuôi ong lấy mật

Nuôi ong lấy mật ở Tây Nguyên.

Để giúp bà con thoát nghèo, UBND huyện Yên Minh đã ban hành Nghị quyết 14 của HĐND huyện (năm 2019) hỗ trợ người dân thụ tinh nhân tạo trên đàn bò; hỗ trợ người dân chuyển đổi đất trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Cùng đó, nhằm hỗ trợ người dân phát triển nuôi ong lấy mật, huyện Yên Minh đã giải ngân theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh được trên 1,4 tỷ đồng/16 hộ, nâng tổng số đàn ong của huyện đến thời điểm cuối năm 2019 lên 4.130 đàn.

Bằng những nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, thu nhập bình quân của huyện Yên Minh, đến năm 2019 đã đạt 20,7 triệu đồng/người/năm; tăng 7,2 triệu đồng so với năm 2015 (là năm kết thúc giai đoạn 1 Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ 2010-2015).

Hôm nay đến huyện Yên Minh, mọi người đều có thể tận mắt chứng kiến sự đổi thay đáng kể, đời sống người dân được nâng lên. Nuôi ong lấy mật được nhiều hộ gia đình đầu tư, phát triển tốt. Mật ong Yên Minh từ đó nổi tiếng xa gần, tiêu thụ mạnh tại nhiều địa phương khác, trong đó có Hà Nội.

Còn tại huyện miền núi Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhiều gia đình giàu lên nhờ biết đầu tư vào nuôi ong một cách khoa học và chọn nghề nuôi ong làm hướng đi để xóa đói, giảm nghèo.

Tuy rằng, nuôi ong là nghề “một vốn bốn lời” vì chi phí đầu tư thấp, vốn đầu tư ban đầu không lớn, không mất nhiều diện tích; nhưng thực tế cho thấy một số hộ nuôi ong vẫn lúng túng, hiệu quả kinh tế chưa cao do không nắm vững kĩ thuật. Vì thế, xin được giới thiệu một số kinh nghiệm, kĩ thuật cơ bản nuôi ong lấy mật để bà con cùng tham khảo.

Trước hết là chọn điểm nuôi ong, phải gần nguồn mật phấn hoa, nơi không phun thuốc sâu hóa chất; ít hoặc không có ong rừng, chim thú hại. Địa hình thoáng mát, yên tĩnh, không gần đường giao thông, nhà máy đường, nhà máy hóa chất, nhà máy chế biến hoa quả và không có hồ lớn bao quanh...

Thùng ong nên kê cao 25 - 30cm so với mặt đất, thùng nọ cách thùng kia ít nhất là 1m, cửa ra vào đặt các hướng khác nhau, chọn nơi khô ráo, thoáng mát như dưới hiên nhà, cạnh gốc cây... Không nên đặt trên sân gạch, nền xi măng, nơi qúa ẩm ướt hoặc gần chuồng gia súc.

Về nguyên tắc nhập đàn ong, cầu ong: Phải nhập vào buổi tối. Nhập đàn ong không có chúa vào đàn ong có chúa. Nhập đàn ong yếu vào đàn ong mạnh.

Cách nhập ong: Nhập gián tiếp (ngoài ván ngăn). Khử hoặc tách chúa ở đàn bị nhập trước 6 giờ. Đến tối nhấc các cầu định nhập đặt ngoài ván ngăn của đàn ong được nhập. Sáng hôm sau nhấc ván ngăn ra ngoài và ổn định cầu mới nhập vào. Còn với nhập trực tiếp (trong ván ngăn): Buổi chiều, tách ván ngăn ra xa, đến tối đặt nhẹ cầu nhập vào hoặc thổi nhẹ cho ong già bay khỏi tổ, còn lại toàn ong non.

Phương pháp chia đàn ong cần chú ý mấy phương pháp chia như sau:

1.Chia đàn song song: Sau khi chuẩn bị được ong chúa, mũ chúa, dùng một thùng mới có mầu sơn giống với mầu thùng cũ của đàn ong định chia. Chia đều số cầu, quân nhộng, ấu trùng và thức ăn ra làm đôi, đặt 2 đàn liền nhau. Để 2 đàn cách đều vị trí đàn cũ 20 - 30cm. Nếu đàn ong vào nhiều hơn thì nhích xa vị trí cũ, đàn nào vào ít thì nhích gần lại. Dần dần tách 2 đàn ra xa nhau, quay cửa tổ ra 2 hướng.

2.Chia dời chỗ: Mang thùng mới đến gần đàn cơ bản, tách ra 2 - 3 cầu, chèn lại, rồi chuyển đi cách đó 1km, thường mang ong chúa đã đẻ đi. Nên tiến hành trước vụ mật 40 ngày.

3.Tách cầu ghép thành đàn mới : Cần lấy từ các đàn mạnh, mỗi đàn một cầu nhộng và quân để tách ra hình thành đàn mới. Ngày đầu chỉ nên lấy 1 cầu, ngày sau lấy 1 cầu của đàn khác và hôm sau lấy thêm 1 cầu của đàn thứ 3. Nếu ong chúa đẻ, đàn ghép sẽ phát triển nhanh.

Văn Dân