Cần giải pháp chứ không cần kêu khó
Trước những khó khăn do tác động của bệnh dịch, dự kiến ngày 31/3 tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị tập trung bàn về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội trước đại dịch Covid-19. Thủ tướng mong muốn các địa phương đưa ra các giải pháp, “chứ không phải kêu khó” bởi càng khó khăn chúng ta càng quyết tâm, đoàn kết, nhất trí.
Chúng ta lo phát triển sản xuất và phải lo cả đời sống nhân dân.
Khó khăn vì Covid thỉ đã rất rõ. Thảm họa Covid là nỗi kinh hoàng của các quốc gia bởi nó tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Với Việt Nam ta, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng lúc chúng ta chịu tác động “kép”, cả từ phía cung và cầu, tác động đến tất cả các thị trường đầu ra và thị trường đầu vào chủ lực, cả sản xuất và tiêu dùng. Cùng lúc Việt Nam đối mặt với khó khăn cả về nguyên liệu sản xuất và thị trường xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng điện tử, điện thoại, may mặc, da giày. Du lịch, vận tải, hàng không, dịch vụ khách sạn, nhà hàng... cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giảm lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Bộ LĐTBXH cũng đã trình các giải pháp gỡ khó về bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp giúp tạo điều kiện một cách tốt nhất cho doanh nghiệp (DN), cho người lao động trước ảnh hưởng bởi đại dịch. Mới nhất ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký Tờ trình số 47/TTr-BTC trình Chính phủ dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ các đối tượng bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19.
Theo đó Bộ Tài chính đề xuất gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng của DN với số tiền hơn 61.600 tỷ đồng; thuế thu nhập DN hơn 11.100 tỷ đồng; thuế của nhóm cá nhân, hộ kinh doanh là hơn 3.000 tỷ đồng; tiền thuế thuê đất hơn 4.500 tỷ đồng. Tổng số tiền gia hạn nộp thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính là 80.200 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngày 31/3 tới Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị toàn quốc bàn 4 nội dung lớn. 4 nội dung này bao gồm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19. Tất cả 4 vấn đề này đều cực kỳ quan trọng, cấp bách.
Chẳng hạn với các giải pháp gỡ khó cho sản xuất kinh doanh khi chúng ta gặp tình trạng yếu cả cung, yếu cả cầu, tất nhiên phải có biện pháp giữ ổn định sản xuất kinh doanh. Bởi, nếu không, không thể giải quyết việc làm và tăng trưởng. Và nếu tình trạng mất việc làm xảy ra, an sinh xã hội không thể đảm bảo khi mà tình trạng nghỉ việc không lương, thất nghiệp sẽ xảy ra. Cho nên, nói như Thủ tướng thì an sinh xã hội là câu chuyện lớn. “Chúng ta bàn nhiều thứ nhưng cuối cùng vẫn là đời sống của nhân dân, của công nhân, đối tượng chính sách”. “Phải ngay lập tức tìm các giải pháp chứ “không thể để tình hình quá xấu rồi mà chúng ta rơi vào thế bị động”.
Phải tìm giải pháp khôi phục sản xuất. Vậy, câu hỏi đặt ra là làm sao phục hồi nhanh sau dịch, làm sao các DN, các địa phương và người dân thấy được tình hình này để trước hết là tự cứu mình, tự tái cơ cấu, vươn lên chứ không phải là ỷ lại?
Thủ tướng đề nghị theo từng chuyên đề, phải đi sâu vào những biện pháp thuộc trách nhiệm của Chính phủ, ngành và địa phương, phải lo với một tinh thần lớn là nâng gói hỗ trợ của các đơn vị được báo cáo nhiều hơn, “số hiện nay còn quá ít”. Phải làm sao nhân dịp này tái cơ cấu lại DN và nền kinh tế, tái cơ cấu thị trường, tổ chức lại sản xuất, đào tạo… Chúng ta lo phát triển sản xuất và phải lo cả đời sống nhân dân, làm sao bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa cho người dân trong lúc diễn ra dịch và sau dịch. Một số mặt hàng ảnh hưởng đến CPI phải được ổn định. Phải đổi mới cách làm nhanh hơn, như trong “thời chiến”, bởi càng khó khăn chúng ta càng quyết tâm, đoàn kết, nhất trí.
Đồng tình với các giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Thủ tướng đã chỉ đạo các giải pháp đồng bộ, kịp thời, nhưng việc triển khai của các bộ ngành để các chính sách đi vào thực tiễn cần nhanh chóng hơn nữa. Bởi, trong thời gian tới, có những giải pháp có thể triển khai được ngay, dù có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách trước mắt nhưng sẽ giúp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tác động lan tỏa tới các DN khác trong cả nền kinh tế và cùng với các dự án đầu tư công tạo nên cú hích lớn cho tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, từ đó tạo nguồn thu lâu dài, bền vững hơn cho ngân sách.
Cũng cần nhắc lại, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục rà soát gói hỗ trợ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giảm thuế thu nhập DN và các loại thuế khác, tăng chi chống dịch. Về tiền tệ, Thủ tướng lưu ý các giải pháp hỗ trợ vốn, giảm lãi suất, trong đó tiếp tục nghiên cứu việc cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0% hỗ trợ DN trả lương cho người lao động… Thủ tướng cũng đề nghị tính toán, nghiên cứu một gói nữa từ trái phiếu Chính phủ để kích cầu. Tất cả những giải pháp này sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng, dứt khoát để gỡ khó cho sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống người lao động.