Hy vọng mong manh cho Afghanistan
Đã một tháng sau thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Mỹ và Taliban tại Afghanistan được ký kết với việc Mỹ sẽ rút toàn bộ quân đội trong vòng 14 tháng. Nhưng những gì đang diễn ra cho thấy một nền hòa bình lâu dài cho quốc gia này chỉ là hy vọng mong manh.
Xung đột và đổ máu vẫn tiếp diễn tại Afghanistan.
Liên tục đụng độ, đổ máu
Theo Tân Hoa Xã, ngày 28/3, ít nhất 10 binh sĩ quân đội Afghanistan và 8 phiến quân Taliban đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ tại huyện Jurm ở tỉnh Badakhshan, miền Bắc Afghanistan. Ông Abdullah Naji Nazari- quan chức Hội đồng tỉnh Badakhshan cho biết các phiến quân Taliban đã tấn công các trạm kiểm soát an ninh của các lực lượng an ninh và quốc phòng Afghanistan ở nhiều vị trí khác nhau tại vùng Dara-e-Khostak thuộc Jurm.
Lực lượng an ninh Afghanistan đã đẩy lui cuộc tấn công của phiến quân sau các vụ giao tranh dữ dội. “Đã có ít nhất 5 binh sĩ bị thương và một số thành viên lực lượng an ninh đã mất tích sau các vụ đụng độ kéo dài 4 tiếng, đồng thời nhấn mạnh con số thương vong có thể tiếp tục tăng”- ông Abdullah Naji Nazari nói.
Bộ Quốc phòng Afghanistan đã xác nhận vụ việc, đồng thời cho biết các lực lượng an ninh nước này đã rút khỏi 4 trạm kiểm soát an ninh ở Jurm. Do huyện vùng núi Jurm nằm ở vị trí chiến lược phía Nam thủ phủ Faizabad của tỉnh Badakhshan nên Taliban luôn tìm cách kiểm soát vùng này, dẫn tới các vụ đụng độ đẫm máu với lực lượng an ninh Afghanistan trong những ngày vừa qua.
Trước đó, Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Nội vụ Afghanistan cho biết, ngày 25/3 các tay súng và các phần tử đánh bom liều chết đã tấn công vào đền thờ đạo Sikh - Hindu tại trung tâm Thủ đô Kabul. Các lực lượng quốc phòng Afghanistan đã phong tỏa khu vực và tìm cách đẩy lui vụ tấn công.
Theo Người phát ngôn Bộ Nội vụ Afghanistan, có nhiều người mắc kẹt bên trong đền thờ và lực lượng an ninh phải “hết sức nỗ lực giải cứu họ và có hàng chục người thương vong”. Theo nhóm tình báo SITE, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận thực hiện vụ tấn công nhằm vào ngôi đền này. Đây là cuộc tấn công mới nhất do nhóm phiến quân hồi giáo cực đoan này tiến hành nhằm vào một nhóm thiểu số ở quốc gia Tây Nam Á.
Thậm chí, sau khi ký kết thỏa thuận hòa bình, xung đột cũng trực tiếp diễn ra giữa quân đội Mỹ và các tay súng Taliban. Hồi đầu tháng, Mỹ đã tiến hành không kích Taliban ở tỉnh Helmand - cuộc tấn công đầu tiên kể từ khi Washington và phiến quân ký thỏa thuận hòa bình hôm 29/2.
Sonny Leggett - Phát ngôn viên lực lượng Mỹ tại Afghanistan - cho rằng “các chiến binh Taliban đã tấn công dữ dội một trạm kiểm soát của Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan. Chúng tôi thực hiện một đòn không kích phòng thủ để phá vỡ cuộc tấn công này”.
Hy vọng và thất vọng
Trung tuần tháng 3, Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã đồng ý giảm số lượng quân nhân tại Afghanistan từ khoảng 12.000 người xuống còn 8.600 người trong vòng 135 ngày, một phần trong thỏa thuận với Taliban.
Cụ thể, các đơn vị Mỹ bắt đầu rời khỏi hai căn cứ ở Lashkar Gah tại miền Nam và Herat ở miền Đông Afghanistan. Đến giữa tháng 7 năm nay, các lực lượng Mỹ cũng sẽ đóng cửa 5 trong số 20 căn cứ ở Afghanistan. Sự việc làm dấy lên những hy vọng hòa bình cho quốc gia đã trải qua hàng chục năm xung đột và đổ máu.
Thế nhưng, ở một động thái ngược lai, Reuters dẫn lời Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Afghanistan J.Faisal cho biết, chính quyền Kabul đã hoãn kế hoạch thả các tù nhân Taliban. Ðộng thái được đánh giá đẩy tiến trình hòa đàm vốn đã bấp bênh giữa Kabul với Taliban rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Cùng đó, các diễn biến trên chính trường Afghanistan cũng đang cản trở tiến trình hòa bình. Ở một động thái chưa từng có, cả Tổng thống Ghani và đối thủ của ông trong cuộc bầu cử hồi tháng 9/2019 là ông Abdullah Abdullah đều tuyên thệ nhậm chức làm Tổng thống. Tình trạng này đã dẫn tới việc tạm dừng bổ nhiệm một nhóm đại diện cho Chính phủ Afghanistan để đàm phán với Taliban khiến Mỹ đặc biệt lo ngại.
Sau chuyến thăm bất ngờ vào ngày 25/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay nước này sẽ cắt giảm 1 tỉ USD viện trợ sau khi ông không thuyết phục được Tổng thống Ghani và đối thủ của ông này kết thúc cuộc đối đầu. Theo giới quan sát, Mỹ sẽ không buông tay trong thỏa thuận hòa bình với Taliban nhưng cũng không thể trông chờ và hy vọng vào một nền chính trị tranh chấp và hỗn loạn ngay từ trọng nội bộ Kabul.