1/3 dân số thế giới sống trong tình trạng phong tỏa
Theo dữ liệu mới nhất, đại dịch Covid-19 đã khiến khoảng 1/3 dân số thế giới sống trong tình trạng phong tỏa. Con số người chết trên toàn cầu vượt qua 30.000, trong đó 2/3 là ở châu Âu. Tổng số ca nhiễm là 660.700. Dịch diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia.
Italy hiện là ổ dịch lớn nhất của châu Âu.
Mỹ: Cân nhắc cách ly với các điểm nóng
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/3 đã bác bỏ lời kêu gọi cách ly đối với các điểm nóng virus corona chủng mới bao gồm bang New York, New Jersey và Connecticut; thay vào đó công bố một khuyến cáo di chuyển nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của chủng virus này.
Sau khi tham vấn với đội phản ứng Covid-19 của Nhà Trắng và Thống đốc của 3 bang chịu ảnh hưởng nặng nhất, ông Trump nói: “Tôi đã đề nghị CDC công bố khuyến cáo di chuyển mạnh mẽ, và khuyến cáo này sẽ được thực thi bởi các Thống đốc, dưới sự tham vấn với chính quyền liên bang. Lệnh cách ly là không cần thiết”.
Lời kêu gọi cách ly đã vấp phải chỉ trích của Thống đốc các bang New York và Connecticut. Thống đốc New York Andrew Cuomo trước đó từng cảnh báo rằng việc cách ly thành phố lớn nhất quốc gia, nơi chiếm tới một nửa tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ, có thể tạo nên “sự hỗn loạn”.
Động thái mới của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ đã vượt trên con số 120.000, số ca tử vong vượt trên 2.000.
Hàn Quốc: Cách ly bắt buộc tất cả những người đến nước này
Tất cả những người từ nước ngoài đến Hàn Quốc sẽ sớm phải cách ly bắt buộc trong vòng 2 tuần lễ, chính quyền Seoul hôm 29/3 tuyên bố.
Tuyên bố được đưa ra sau khi chính quyền Seoul xác nhận thêm 105 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 9.583 người. Trong số các ca nhiễm mới, có 41 người đến từ nước ngoài, trong đó có 40 công dân Hàn Quốc và 1 người nước ngoài - theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc.
Lệnh cách ly bắt buộc đối với mọi du khách sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày1/4 tới, Thủ tướng Chung Sye-kyun nói trong một cuộc họp Chính phủ.
Quy định mới cũng sẽ được áp dụng đối với cả công dân Hàn Quốc, như những du học sinh trở về từ nước ngoài. Nếu những người nước ngoài không thuộc diện cư trú ở Hàn Quốc, họ sẽ bị cách ly tại các cơ sở mà Chính phủ chỉ định, và phải chi trả toàn bộ chi phí sinh hoạt trong suốt khoảng thời gian bị cách ly; Thủ tướng Chung nói.
Dù có tiến triển tích cực nhưng Hàn Quốc vẫn siết chặt kiểm tra chống dịch Covid-19.
Canada: Cấm di chuyển với những người có triệu chứng bệnh
Cũng trong hôm 29/3, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố rằng bất kỳ người dân Canada có dấu hiệu xuất hiện các triệu chứng bệnh Covid-19 sẽ không được phép lên các con tàu hay máy bay di chuyển nội địa. Chỉ thị bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay, 30/3, ông Trudeau nói trong cuộc họp báo thường nhật. Theo đó, các hành khách sẽ phải trải qua một cuộc kiểm tra sức khỏe bắt buộc trước khi lên máy bay hoặc tàu hỏa, và người nào có sức khỏe không tốt hoặc bị nghi nhiễm virus corona chủng mới sẽ không được phép lên tàu hoặc máy bay.
Các biện pháp này không chỉ được áp dụng với những hành khách đi tàu trong một thành phố, mà cả với những hành khách trên các chuyến tau liên thành phố.
Cùng ngày, Phu nhân của Thủ tướng Trudeau nói rằng bà đã khỏi bệnh Covid-19. “Tôi cảm thấy tốt hơn nhiều”- bà Sophie Trudeau nói trong một tuyên bố trên mạng xã hội. Bà cũng cho hay đã nhận được kết quả xét nghiệm khỏi bệnh từ bác sĩ riêng của bà và Cơ quan Y tế công Ottawa.
Trước đó, ngày 12/3, Văn phòng Thủ tướng Trudeau cho hay bà Sophie đã xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới sau khi cảm thấy mệt mỏi, bị sốt sau chuyến đi tới London, Anh. Thủ tướng Trudeau và gia đình ông kể từ đó phải tự cách ly tại nhà. Ông và 3 người con không xuất hiện triệu chứng bệnh.
Italy: Thông qua gói hỗ trợ khẩn cấp
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte hôm 29/3 thông báo đã thông qua gói hỗ trợ mới có trị giá 4,7 tỷ euro (khoảng 5,24 tỷ USD) nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Conte nêu rõ Chính phủ sẽ dành 4,3 tỷ euro cho chính quyền các thành phố đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và dành một quỹ đặc biệt 400 triệu euro cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Cùng ngày, trả lời phỏng vấn nhật báo Italy Il Sole 24 Ore, ông Conte hối thúc Liên minh châu Âu (EU) triển khai một loại “trái phiếu phục hồi” nhằm hỗ trợ đối phó với dịch bệnh Covid-19.
Ông Conte cho rằng EU cần có một công cụ nợ chung để thúc đẩy kế hoạch phục hồi và tái đầu tư nhằm hỗ trợ nền kinh tế của toàn khu vực.
Nhằm ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan, Bộ trưởng Giáo dục Italy Lucia Azzolina cho biết quyết định đóng cửa trường học, bắt đầu từ ngày 5/3 vừa qua, sẽ được gia hạn đến hết ngày 3/4 tới.
Những thông báo trên được đưa ra sau khi giới chức y tế Italy thông báo thêm 889 bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên tới 10.023 người kể từ khi dịch bùng phát tại đây ngày 21/2 vừa qua. Trong khi đó, tổng số ca mắc bệnh tại Italy đã tăng thêm 6.000 ca lên 92.472 ca, chỉ xếp sau Mỹ - nước có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới.
Tây Ban Nha: Gần 6.000 ca tử vong
Ở Tây Ban Nha, số liệu mới nhất cho thấy 5.812 người đã chết vì dịch bệnh Covid-19 và 72.000 người có kết quả dương tính.
Hôm 28/3, Tây Ban Nha đã công bố các biện pháp cứng rắn hơn để khắc phục sự lây lan virus corona chủng mới khi nước này trở thành quốc gia thứ hai ở châu Âu, chỉ sau Italy bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid - 19.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết nước này sẽ dừng mọi hoạt động kinh tế “không thiết yếu” trong hai tuần. “Tất cả công nhân trong các hoạt động kinh tế không thiết yếu phải ở nhà trong hai tuần,” ông Sanchez nói. Biện pháp hạn chế này được đưa ra ở Tây Ban Nha sau khi chính phủ Italy có một động thái tương tự.
Tây Ban Nha đang tiến gần đến cuối tuần thứ hai thực hiện các biện pháp hạn chế nhằm ngăn virus lây lan. Hầu hết cửa hàng phải đóng cửa nhưng người dân vẫn được phép đi làm nếu như họ không thể làm tại nhà.