Sai phạm cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Thời hạn nào thì cưỡng chế?
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. Trong đó nổi bật là việc thực hiện thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả lại số tiền mà Tổng Công ty vận tải thủy (Vivaso) đã mua. Trước diễn biến mới này, PV báo Đại Đoàn Kết đã phỏng vấn một số nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam.
NSND Nguyễn Thanh Vân: Tôi thấy hững hờ
Qua một số báo điện tử, tôi biết thông tin về việc Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình có chỉ đạo việc “thu hồi vốn”, “thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2018”... Trong năm 2019, tôi được biết ít nhất cũng có một số văn bản chỉ đạo từ Văn phòng Chính phủ xuống Bộ VHTTDL về việc này. Kết quả: có 2 cuộc họp mà tôi được biết và tham dự. Một cuộc là để rút kinh nghiệm sâu sắc. Một cuộc gặp gỡ anh chị em nghệ sĩ, người lao động ở Hãng để lắng nghe ý kiến và chuyển lên cho lãnh đạo Bộ (không có biên bản). Còn các cuộc họp “khẩn trương” và “tích cực” khác, tôi không có may mắn được biết. Kết quả là “sự im lặng đáng sợ”.
NSND Nguyễn Thanh Vân.
Rồi đến văn bản chỉ đạo này... Điểm mấu chốt của những văn bản này đều không ra “Thời hạn” giải quyết cụ thể. Nó cũng tương đồng với bản kết luận của Thanh tra Chính phủ (... Vivaso phải xin thoái vốn trước thời hạn), đồng nghĩa với việc chẳng có thời hạn cụ thể nào cả. Hệ luỵ của những văn bản không thời hạn này là chúng tôi sẽ phải chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi. Từ lời hứa “2 tháng” của vị Thứ trưởng Bộ VHTTDL và vị Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khi công bố kết luận thanh tra, đến nay đã trôi 18 tháng rồi và sẽ còn không biết đến lúc nào mới xong.
NSƯT, Đạo diễn Bùi Trung Hải: Chúng tôi thua thiệt đủ đường
Tôi thấy quan điểm của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình là rất rõ ràng và phương án chỉ đạo cũng mang tính kiên quyết, cụ thể.
Trong thời gian khoảng 3 năm cổ phần hóa, cho tới thời điểm hiện nay tình hình sản xuất kinh doanh của Hãng phim truyện Việt Nam vẫn tiếp tục ở vào tình thế bi đát. Không một bộ phim nào được triển khai, khối nghệ thuật gồm đạo diễn, quay phim, biên kịch, và khối kỹ thuật là thành phần nòng cốt của Hãng phim bị cắt lương và bảo hiểm xã hội từ khoảng tháng 7/2018 (đến nay là đã gần 2 năm). Từ tháng 7/2019 chúng tôi cũng bị cắt bảo hiểm y tế.
Từ ngày 2/4/2019 trong thông báo số 116/TB –VPCP Chính phủ đã lên phương án chỉ đạo để giải quyết vấn đề cổ phần hóa: Chỉ đạo Bộ VHTTDL gấp rút giải quyết vấn đề để nhà đầu tư chiến lược rút vốn trước thời hạn, đồng thời nhanh chóng lập phương án để củng cố và phát triển Hãng phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, đã gần tròn một năm từ ngày Chính phủ ra văn bản đó, hoàn cảnh của Hãng phim truyện Việt Nam không có gì thay đổi, vẫn hoàn toàn bị bế tắc, tê liệt. Hãng vẫn không có người đại diện chính danh để tiến hành công việc sản xuất phim của Hãng và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Anh chị em vẫn không việc làm, không lương, không bảo hiểm trong 2 năm liền...
NSƯT Bùi Trung Hải.
Thực sự mà nói thì việc cổ phần hóa này chưa hề đem lại được bất cứ một lợi ích nào cho Hãng phim truyện Việt Nam. Nó chỉ đem lại thua thiệt đủ đường cho các nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên của Hãng, đẩy họ hoàn cảnh vô cùng khó khăn, họ hoàn toàn không được hưởng những quyền lợi tối thiểu nhất của người lao động. Tinh thần anh em bị xáo trộn, căng thẳng, dẫn tới việc mất lòng tin vào sự công bằng, minh bạch. Ảnh hưởng lớn cả về mặt vật chất và tinh thần đối với các anh chị em văn nghệ sĩ, cũng như cán bộ công nhân viên của Hãng phim. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đoàn kết, mong muốn và tin tưởng rằng vấn đề này sẽ được giải quyết nhanh chóng dứt điểm trong thời gian tới, để Hãng phim truyện Việt Nam được trở lại hoạt động bình thường, để mọi người được làm phim, được tiếp tục sống, làm việc với niềm đam mê nghề nghiệp của mình.
Ngoài ra chúng tôi cũng mong muốn được Chính phủ, Bộ VHTTDL thông tin cập nhật thường xuyên quá trình giải quyết vấn đề, cũng như quá trình lên phương án củng cố và phát triển Hãng phim truyện Việt Nam trong tương lai, như tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình. Đây là điều rất quan trọng để củng cố tinh thần anh chị em văn nghệ sĩ cũng như cán bộ của Hãng phim truyện Việt Nam, cũng nhằm tránh để sự thiếu thông tin gây ra những bức xúc.
NSƯT Nguyễn Đức Việt: Hy vọng giải quyết được trong năm 2020
Dù thời gian trôi qua với bao hụt hẫng nhưng mỗi lần có chỉ đạo của Chính phủ, tôi vẫn hy vọng. Trong lúc dịch Covid 19 đang nghiêm trọng vấn đề về sai phạm cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam vẫn được đưa ra. Lần đầu tiên văn bản nhắc đến “cưỡng chế” chứng tỏ là cẩn thận và chi tiết hơn. Tôi hy vọng Vivaso sẽ thoái vốn trong năm 2020. Cùng với đó là việc sắp xếp lại tổ chức ở Hãng phim truyện Việt Nam.
NSƯT Nguyễn Đức Việt.
Nội dung thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL căn cứ Kết luận thanh tra số 1412 ngày 23/8/2018 của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 277 ngày 2/8/2019 của Văn phòng Chính phủ thực hiện các quy trình, thủ tục để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Trong đó, làm việc với Tổng công ty Vận tải thuỷ (Vivaso - nhà đầu tư) để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, trường hợp Vivaso không chấp hành thì phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét áp dụng biện pháp cưỡng chế để thực hiện kết luận thanh tra.
Đồng thời tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 10883/VPCP ngày 28/11/2019 của Văn phòng Chính phủ về số tiền để hoàn trả cho nhà đầu tư.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ kiểm tra, hướng dẫn Bộ VHTTDL thực hiện kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 277/TB-VPCP ngày 2/8/2019 của Văn phòng Chính phủ.
Mạnh Thắng