Vượt khó cùng người lao động
Cùng với gói hỗ trợ an sinh xã hội cho lao động mất việc sẽ được xem xét thông qua tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương vào hôm nay, 31/3; các doanh nghiệp cũng bắt đầu có những sáng kiến “trợ lực” cho người lao động trong lúc khó khăn. Ở một diễn biến khác, ngành công nghiệp phụ trợ đang là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế khá ảm đạm do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Trong dịch bệnh Covid-19, người lao động rất cần được giúp đỡ để vượt khó khăn. Ảnh: Quang Vinh.
Để người lao động sớm được nhận trợ cấp
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, trong tình hình hiện nay, Bộ sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu việc mở rộng đối tượng bị ảnh hưởng của Covid-19 để nhận được hỗ trợ. Bộ cũng sẽ đề xuất việc hỗ trợ sẽ áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp (DN) chứ không phải chỉ có DN bị ảnh hưởng từ 50%. Thời hạn áp dụng tạm dừng từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020. Với đề xuất như trên, Bộ LĐTBXH ước tính sẽ có khoảng 1,5 đến 3 triệu người được hưởng lợi từ chính sách; 150.000 đến 200.000 DN được hưởng chính sách.
Với gói hỗ trợ an sinh xã hội, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho rằng: Nên tập trung vào khu vực lao động phi chính thức, bởi họ không đóng bảo hiểm xã hội khi mất việc sẽ không biết bấu víu vào đâu. Hàng loạt quán bia, nhà hàng, cửa hàng kinh doanh karaoke, hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ... đóng cửa hoạt động kinh doanh thời gian qua đã đẩy hàng chục ngàn lao động ra đường. Đây chính là những lao động bị tổn thương lớn nhất do ảnh hưởng dịch bệnh. “Vì vậy, gói hỗ trợ an sinh xã hội đối với lao động mất việc nên hướng tới khu vực lao động phi chính thức. Với khu vực lao động chính thức cần đơn giản, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục về trợ cấp thất nghiệp để người lao động sớm nhận được trợ cấp”- ông Đồng nhấn mạnh.
Bày tỏ quan điểm,theo TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trương hình thành một gói hỗ trợ an sinh xã hội rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, hàng chục ngàn lao động mất việc. Cách hỗ trợ tốt nhất là hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Trong bối cảnh dịch bệnh thì cách làm phải rút ngắn lại để người lao động bị ảnh hưởng có thể tiếp nhận nhanh nhất các khoản hỗ trợ từ Chính phủ và các địa phương để ổn định cuộc sống”- ông Thắng lưu ý.
Người lao động cần được tiếp sức để trụ lại trong giai đoạn khó khăn. Ảnh: Quang Vinh.
Sáng kiến “cứu” người lao động
Không ngồi chờ hỗ trợ, một số DN bắt đầu có những động thái hỗ trợ lao động khu vực phi chính thức. Ví dụ, GoViet đã mua bảo hiểm Covid-19 cho hàng nghìn tài xế thuộc top đầu, những tài xế còn lại sẽ được công ty hỗ trợ mua bảo hiểm với giá gốc. “Ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo sức khoẻ và sự an toàn của đối tác tài xế, cũng như giảm thiểu những rủi ro liên quan đến Covid-19 đối với sự ổn định thu nhập của họ”, ông Phùng Tuấn Đức- Giám đốc vận hành GoViet cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Toản- Giám đốc Công ty Images Travel cho biết, công ty vừa tiễn những khách du lịch cuối cùng về nước. Toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty tạm ngưng. Tuy nhiên, theo ông Toản, trước mắt, vào tháng tới, dù không còn bất cứ tour tuyến nào vận hành, công ty vẫn sẽ trả lương đầy đủ cho tất cả nhân viên, như một lời tri ân người lao động đã góp sức vì công ty.
Còn đại diện Vietnam Airlines cho biết, đến nay, 1.400 tiếp viên xin hoãn hợp đồng trong tháng 3, 4, 5, chiếm gần 50% tổng đoàn tiếp viên. Đây chỉ là con số nghỉ tạm thời chờ diễn biến dịch chứ hãng sẽ không sa thải bất cứ ai lúc khó khăn này. Ngoài số tạm nghỉ, nhiều tiếp viên làm toàn thời gian nhưng tình nguyện không nhận lương chức danh (mức lương này chiếm 1/4 thu nhập, khoảng 7-8 triệu đồng một tháng). Thậm chí lãnh đạo cấp cao cũng đang cơ cấu lại lương tạm thời để hạn chế tối đa chi phí. Đại diện Vietnam Airlines cho biết, sự tự nguyện này được như tinh thần “sức mạnh bó đũa” là động lực giúp hãng vượt qua khó khăn…
Điểm sáng công nghiệp phụ trợ
Dịch Covid-19 khiến các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng với lĩnh vực công nghiệp phụ trợ lại có mức tăng trưởng khá tốt nhờ đơn hàng về nhiều. Đơn cử, đại diện Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định cho biết, thời gian gần đây, lượng đơn hàng của DN đã tăng gấp đôi, bởi các DN may mặc trong nước gặp khó khăn do bị hạn chế nhập khẩu nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Đặc biệt, nhờ tăng lượng đơn hàng, có DN ngành dệt vải còn cho hay, trước đây, DN chủ yếu xuất khẩu vải, nhưng khi nhu cầu trong nước cao thì DN này lại chuyển sang tiêu thụ trong nước.
Hay ở phía Nam, một số DN liên tục nhận đơn đặt hàng sản xuất những linh phụ kiện như: gioăng cho ngành cấp thoát nước, gioăng silicon cho nắp hộp thức ăn, y tế, hay giày đi tuyết... để xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Nhật, Đức, Australia.
Chia sẻ về cơ hội của DN trong đại dịch, ông Hà Quyết Thắng- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ thương mại Kim Long- DN sản xuất sản phẩm cơ khí, cho biết, lượng đơn hàng của DN đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt, khách hàng lại chủ yếu là các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nguyên nhân đơn hàng tăng là do các DN này đang thiếu nguyên phụ liệu sản xuất do bị hạn chế nhập khẩu hàng từ Trung Quốc và các chuyên gia nước ngoài của các DN này cũng không thể sang Việt Nam để giám sát, nên không sản xuất được và phải chuyển sang đặt hàng gấp tại các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước. Vì thế, để đáp ứng lượng đơn hàng tăng thêm này, các công nhân của Công ty Kim Long đã phải tăng tốc sản xuất, làm thêm giờ để không chỉ đảm bảo thời hạn giao hàng mà còn để sản phẩm đạt tiêu chuẩn tương đương, thậm chí vượt trội hơn hàng nhập khẩu.
Theo nhiều chuyên gia, đây sẽ là lúc DN lĩnh vực công nghiệp phụ trợ Việt Nam tổ chức lại sản xuất và khai thác hết công suất nhà máy. Điều đó cũng cho thấy, bên cạnh những khó khăn, vẫn có những cơ hội cho các DN, tuy rằng con số đó không nhiều.