Lấy ý kiến xây dựng Thông tư quản lý tiền công đức
Bộ Tài chính đang tiến hành xin ý kiến các Bộ, cơ quan, địa phương… góp ý dự thảo Thông tư Hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Dự thảo được đăng tải trên Cổng thông tin Bộ Tài chính để lấy ý kiến góp ý đến ngày 24/4/2020.
Thông tư quy định 7 nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ. Ví dụ như phải đảm nguyên tắc tự nguyện, không ép buộc, không coi việc huy động các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ là điều kiện cho việc tổ chức hoặc cung cấp quyền tham gia, tham quan, du lịch, nghiên cứu lễ hội, di tích. Bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch; việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai…
Dự thảo cũng quy định các hình thức dâng cúng, công đức, tài trợ. Đồng thời quy định rõ về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội. Theo đó, nội dung sử dụng tiền, tài sản công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội gồm: Hoạt động của BTC lễ hội; bồi dưỡng cho những người được trưng tập, BTC lễ hội, phục vụ trực tiếp các hoạt động của di tích vào các dịp lễ hội và tham gia kiểm đếm, chấm công, giám định và giám sát…
Về quản lý tiền, tài sản dâng cúng, công đức, tài trợ cho di tích, Dự thảo quy định việc thành lập Tổ tiếp nhận các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ để bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch. Tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích có trách nhiệm quản lý, sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ, cụ thể: Bố trí đặt hòm công đức hợp lý; phân công ghi phiếu công đức; niêm phong các hòm công đức phục vụ cho việc kiểm đếm theo quy định; mở tài khoản tiền gửi để tiếp nhận, quản lý tiền dâng cúng, công đức, tài trợ; mở sổ theo dõi thu, nộp tiền và tài sản được dâng cúng, công đức, tài trợ.