Làm việc trực tuyến vẫn hiệu quả
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với 5 thành phố trực thuộc Trung ương về phòng chống đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất cho cán bộ, nhân viên làm ở nhà, bác sĩ khám trực tuyến... vì công nghệ hiện nay có thể đáp ứng được vấn đề này.
Mặc dù đây chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, song nó lại là một ý tưởng để mở ra một thời kỳ mới làm việc hiệu quả thông qua trợ giúp của công nghệ, internet.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, phát sinh một số ổ dịch mới nên có thể cho cán bộ, nhân viên làm ở nhà để tránh tập trung đông người dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cho nhau. Để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh của các bệnh viện mà vẫn an toàn không phát sinh ổ dịch mới tương tự như Bạch Mai, ông Hùng cũng đề nghị Bộ Y tế nên tăng cường ứng dụng khám bệnh từ xa. Hiện, Việt Nam đã có phần mềm cho phép khám từ xa hơn 70% loại bệnh.
Bộ trưởng Bộ Thông tin -Truyền thông cũng hứa sẽ giúp đỡ Bộ Y tế triển khai rất nhanh công nghệ khám bệnh online, nếu Bộ này đồng ý với phương án đó. Để thêm phần thuyết phục, ông Hùng khẳng định đã chỉ đạo các nhà mạng đảm bảo hạ tầng internet để việc kết nối trực tuyến khi hội họp, khám bệnh trực tuyến... không bị nghẽn mạng. Nếu thực sự đường truyền internet do các nhà mạng cung cấp đảm bảo được “lưu thông” cho nhiều người truy cập trong cùng thời điểm thì sẽ là bước đột phá để làm việc online.
Không phải đến tận bây giờ, trong thời điểm đại dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát mạnh, vấn đề làm việc online mới được đề cập đến. Trước đó, Chính phủ đã có hẳn một đề án Chính phủ điện tử, cùng với đó mỗi cấp, ngành, địa phương cũng đã và đang cố gắng để tiến tới giải quyết công việc qua mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải đi lại nhiều gây tốn kém, lãng phí. Chỉ hơi tiếc là đề án Chính phủ điện tử chưa thực sự hoàn thiện để có thể sử dụng thông suốt, hiệu quả trong thời điểm cần thiết này.
Tuy Chính phủ điện tử chưa hoàn thiện, mỗi cấp, ngành, địa phương lại sử dụng một phần mềm riêng chưa thống nhất, nhưng cũng đã có khá nhiều thủ tục hành chính được giải quyết qua mạng, giảm hẳn phiền hà cho người dân. Nay, nhân việc nhiều cơ quan, đơn vị phải cho cán bộ, nhân viên làm việc ở nhà để tránh lây lan dịch Covid-19, tại sao không đẩy mạnh hơn nữa quá trình xây dựng hoàn thiện Chính phủ điện tử, giải quyết công vụ trực tuyến, để vừa phòng chống dịch mà vẫn đảm bảo công việc thông suốt?
Tất nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có nguy cơ bùng phát mạnh như hiện nay, chúng ta không thể dàn trải lo quá nhiều việc, mà phải tập trung mọi nguồn lực chống dịch. Song, điều đó cũng không có nghĩa chúng ta không làm gì cả, mà vẫn phải phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững an ninh - quốc phòng... Vậy nên phương án giải quyết tối ưu để vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, vừa không bị ùn ứ công việc không gì khác ngoài việc đẩy nhanh quá trình giải quyết công việc trực tuyến trong mọi lĩnh vực.
Đơn cử như hoạt động khám chữa bệnh của các bệnh viện từ tuyến cơ sở đến Trung ương. Trừ những loại bệnh không thể khám trực tuyến, còn lại hơn 70% bệnh có thể khám từ xa thì tại sao ngành y tế không triển khai thực hiện để tránh phát sinh một ổ dịch mới tại một bệnh viện nào đó như đã từng xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai? Khi mà làm việc online vẫn hiệu quả thì tại sao cứ nhất thiết phải tụ hội vào một chỗ để rồi lại phải giải quyết hậu quả khi phát sinh ổ dịch mới? Đó là còn chưa kể đến việc lây nhiễm chéo các loại bệnh khác.
Hay như một số cơ quan hành chính khác, hoàn toàn có thể làm việc trực tuyến mà công việc vẫn trôi chảy chứ đâu có nhất thiết phải đến trụ sở cơ quan. Suốt trong hơn một tuần qua, khá nhiều cơ quan, đơn vị đã cho cán bộ, nhân viên làm việc ở nhà để phòng chống dịch Covid-19. Vậy mà có cơ quan, đơn vị nào công việc bị bê trễ, chồng chất không được giải quyết đâu. Nhìn vào mặt tích cực, đôi khi làm việc trực tuyến còn hiệu quả hơn đến trụ sở cơ quan, bởi người lao động phải tập trung vào công việc.
Nói như vậy để thấy, việc đưa ra giải pháp làm việc ở nhà chỉ là giải pháp nhất thời để phòng chống đại dịch Covid-19, nhưng nó cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhìn lại, xem xét khả năng làm việc trực tuyến, ngay cả khi đã hết dịch. Khi giải quyết các thủ tục hành chính qua mạng không chỉ tạo điệu kiện thuận lợi hơn cho người dân, mà còn giảm thiểu sự hạch sách, vòi vĩnh, tham nhũng vặt. Khi làm việc online, ngân sách sẽ bớt đi được một khoản kinh phí không nhỏ vé máy bay, tàu, xe, tiền ở khách sạn trong những chuyến công tác không thực sự cần thiết.