Nuôi ốc bươu đen
Thời gian qua, nông dân một số địa phương phát triển nuôi ốc bươu đen (còn gọi là ốc nhồi). Theo bà con, ốc bươu đen dễ nuôi, đầu tư ít tuy nhiên lợi nhuận thu về cao. Cụ thể, tại tỉnh Hậu Giang, một số hộ nông dân đã chỉ dẫn nhau cách nuôi ốc bươu đen để tăng thu nhập.
Nuôi ốc bươu đen trong ao hiệu quả kinh tế cao. Nguồn: Cantho Online.
Theo thời giá hiện nay, ốc bươu đen được các nhà hàng, quán ăn gia đình tại tỉnh Hậu Giang tiêu thụ khá tốt, giá trên 40.000-45.000 đ/kg, tùy cỡ con to hay nhỏ.
Theo một hộ nông dân nuôi ốc bươu đen ở ấp Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) thì chỉ riêng chợ xã Phú Hữu đã có 5 điểm thu mua ốc. Còn về con giống, nếu người chưa có ốc giống có thể tìm mua, chia sẻ ở một số hộ đã từng nuôi ốc giống trước đó. Tại chợ Ngã Bảy (Hậu Giang) ốc bươu giống con cỡ đầu lóng tay út 300 con/kg, giá khoáng 100.000 đ/kg. Nuôi 1 kg ốc giống sau 6 tháng, có thức ăn đầy đủ có thể thu được 15-20 kg ốc thịt, hiệu quả rất cao. Hơn nữa sau một vụ nuôi ốc người nuôi có thể thu lấy trứng ốc và tự nhân ra ốc giống để nuôi tiếp cho vụ sau.
Bà con nuôi ốc ở đây đã tận dụng nước ngọt trong mương vườn hay đất ruộng trồng thêm bông súng hoặc lấy trái đu đủ xanh cắt thành miếng nhỏ thả làm thức ăn cho ốc. Nếu có biện pháp tốt ngăn ngừa chuột, bìm bịp ăn ốc, tỷ lệ hao hụt sẽ rất thấp. Còn tại những vùng đất đang bị xâm nhập mặn, bà con đã đắp đập ngăn mặn để tránh tổn thất, vì chỉ qua một đợt nước mặn tràn vào có thể mất trắng.
Tại ấp Mỹ Thuận (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ), cũng có một số hộ bà con thả nuôi ốc bươu đen thương phẩm, cho thu nhập khá. Người nuôi cho biết, ốc bươu đen đẻ quanh năm nhiều nhất vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Sau khoảng 5 đến 6 tháng, ốc trưởng thành có thể thu hoạch khoảng 25 - 30 con/kg. Để có thức ăn cho ốc, bà con ủ lục bình (bèo tây), bông súng, cỏ, rơm, bèo tai tượng từ 5 đến 10 ngày cho mục; sau đó bắt ốc bỏ vào từng thau có chứa từng loại thức ăn đã được ủ mục. Sau thời gian nuôi thử nghiệm, ốc sống ở trong bèo thịt mập mau lớn hơn. Khi nuôi thả, để ốc mau lớn hơn và nhiều thịt, bà con còn bổ sung thêm nguồn thức ăn từ gạo tấm, cám giúp.
Ở đây, người nuôi thu hoạch ốc theo từng đợt, tuần thu hoạch 1 lần khoảng từ 30 - 40kg/1.000m2 mặt nước. Thương lái đến tận ao thu mua với giá từ 33.000 - 35.000 đồng/kg rồi mang bán cho nhà hàng.
Để bà con nuôi ốc bươu được tốt hơn, xin giới thiệu một số kiến thức, kinh nghiệm cần thiết.
Thứ nhất là chuẩn bị ốc bố mẹ: Được bắt ngoài tự nhiên, chọn ốc khỏe mạnh, kích cỡ trung bình 25-30 con/kg. Tỷ lệ thả đực cái 1:1 (chọn ốc cái to hơn ốc đực cùng độ tuổi, miệng loe hơn ốc đực, vòng xoắn và đít màu vàng nghệ. Mật độ nuôi thuần dưỡng có thể từ 26-30 con/m2 hoặc có thể nhiều hơn. Độ sâu mực nước nuôi từ 0,5 đến 0,8m.
Thứ hai, thuần dưỡng ốc khoảng 1 tháng. Hàng ngày cho ốc ăn cám mịn, lá khoai mì, thời gian cho ăn là lúc chiều mát, lượng thức ăn bằng 3% trọng lượng ốc.
Thứ ba là chuẩn bị bể cho ốc sinh sản: Chuẩn bị bể bạt, kích thước 3mx3mx1m, giữa bể bố trí gò đất có kích thước 1,5m x 0,7m x 0,6m; xung quanh đáy gò đất tấn gạch nhằm hạn chế đất sạt lỡ, đồng thời trên gò đất đậy lớp cỏ mỏng tạo điều kiện giống môi trường tự nhiên. Trên bể làm máy che bớt ánh nắng để hạn chế tăng nhiệt độ nước trong các bể. Cấp nước vào bể với độ sâu 0,3 m, trong bể thả lụt bình với diện tích 2/3 bể.
Cuối cùng là chăm sóc ốc con. Hàng ngày cho ốc con ăn thức ăn là cám gạo, khối lượng cho ăn bằng 10% khối lượng ốc thả, ngoài ra còn cho ốc ăn thêm lá khoai mì 1 lần vào buổi chiều. Hàng ngày quan sát hoạt động của ốc đến khi đạt được kích thước như mong muốn thì tiến hành thả nuôi.