Về Đất Tổ nghe hát Xoan
Năm 2011, UNESCO đưa hát Xoan Phú Thọ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Chỉ 6 năm sau, năm 2017, UNESCO đã công nhận hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Như vậy, từ các cấp quản lý đến người dân Phú Thọ đã và đang nỗ lực trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của di sản.
Những năm qua, người dân đất Tổ và các cấp chính quyền địa phương đã ngày càng ý thức hơn, trách nhiệm hơn trong việc chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị để di sản hát Xoan trở thành tài sản chung của nhân loại.
Trước đây, khi là di sản cần bảo vệ khẩn cấp, nhiệm vụ hàng đầu là làm sao để di sản tồn tại và không bị biến mất. Bởi vậy, tỉnh Phú Thọ đã tập trung công tác phục hồi, tu bổ di tích và đào tạo các lớp nghệ nhân kế cận. Đến nay, toàn bộ không gian văn hóa thực hành di sản hát Xoan tại các phường Xoan đã được tu bổ và phục hồi hoàn chỉnh; 20/30 di tích không gian văn hóa thực hành hát Xoan được tu bổ, tôn tạo, phục hồi đáp ứng yêu cầu thực hành di sản hát Xoan; các lễ hội truyền thống gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan được duy trì và phục hồi tạo không gian văn hóa cho cộng đồng thực hành, trình diễn và trao truyền di sản. Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản đến nay đã có gần 100 nghệ nhân có khả năng truyền dạy và 300 nghệ nhân kế cận. Khi hát Xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các nội dung trên vẫn tiếp tục triển khai thực hiện.
Theo PGS Đặng Hoành Loan, sau khi hát Xoan được vinh danh và chuyển đổi danh sách, trong quá trình đó Phú Thọ đã làm được rất nhiều việc. Những công việc mà Phú Thọ làm có giá trị bảo tồn, lưu truyền hát Xoan về cả mặt nghệ thuật và văn hóa trong đời sống của con người đương đại. Phú Thọ đã phục dựng lại Miếu Lãi Lèn, là nhà hát nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam. Các họ Xoan đều coi ngôi miếu này là nơi phát tích của hát Xoan. Nơi mà các Vua Hùng đã từng truyền dạy điệu hát Xoan cho thôn dân và được người dân gọi là hát Lãi Lèn. Miếu đó gắn với sự tích của nghệ thuật hát Xoan.
Cùng với việc phục dựng miếu, Phú Thọ cũng đã xây dựng được rất nhiều đình làng, phục dựng lại được các không gian trình diễn nghệ thuật. Chưa dừng lại, nghệ thuật hát Xoan còn được đưa vào dạy trong các trường phổ thông của toàn tỉnh. “Trước đây, khi tôi về Phú Thọ để nghiên cứu hát Xoan, trong lúc đi điền dã, khi hỏi đến hát Xoan hầu như người dân không ai biết đó là gì. Thế nhưng bây giờ nói đến hát Xoan hầu như ai cũng biết và rất nhiều người biết hát, sức lan tỏa rất rộng, thế nên đưa hát Xoan vào trường học, để nó hiện hữu lại trong đời sống xã hội là một bước đi rất đúng đắn”- theo PGS Đặng Hoành Loan.
Đáng chú ý, bên cạnh các phường Xoan, hiện nay ở Phú Thọ còn có nhiều nhóm những người yêu thích hát Xoan tự thành lập các CLB. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 34 CLB cấp tỉnh với trên 1.500 thành viên tham gia. Các CLB vừa là nơi sinh hoạt của những người yêu Xoan vừa có nhiệm vụ truyền dạy bài bản có hệ thống ở 3 chặng hát Xoan cổ.
Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm, thành phố Việt Trì tổ chức Liên hoan Hát Xoan cho đối tượng là thanh, thiếu nhi Việt Trì với sự tham gia của hàng trăm diễn viên của 6 đơn vị trường học trên địa bàn thành phố. Các CLB hát Xoan của thành phố Việt Trì cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động biểu diễn giao lưu để đưa di sản đến gần với đời sống cộng đồng.
Hát Xoan- nguồn mạch không đứt đoạn.
Đến nay, di sản hát Xoan đã góp phần không nhỏ trong thu hút khách du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách nước ngoài. Mỗi năm, các phường Xoan và các CLB hát Xoan trên địa bàn thành phố Việt Trì đều tham gia biểu diễn, phục vụ cho rất nhiều đoàn khách nước ngoài đến tham quan du lịch và các đoàn khách đến từ các tỉnh xem biểu diễn hát Xoan tại Miếu Lãi Lèn và đình Hùng Lô.
Trên thực tế, hát Xoan đã được các thế hệ nghệ nhân nối tiếp nhau gìn giữ, hoàn thiện và truyền dạy, trở thành nghệ thuật dân gian hát múa phong phú với một trình thức biểu diễn nghệ thuật vừa chặt chẽ vừa cởi mở. Chặt chẽ trong chặng hát nghi lễ, cởi mở trong chặng hát quả cách và hát trao duyên. Chính nhờ trình thức nghệ thuật độc đáo này mà hát Xoan được cộng đồng đón nhận và biến thành định lệ trong nghi thức thờ thần trong khắp các không gian thờ cúng Vua Hùng ở Phú Thọ.
Để đảm bảo hát Xoan Phú Thọ được bảo tồn bền vững, được biết Phú Thọ sẽ tiếp tục hỗ trợ các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí để các phường Xoan duy trì sinh hoạt thường xuyên và truyền dạy cho thế hệ trẻ, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về hát Xoan Phú Thọ tới công chúng trong và ngoài nước. Nghiên cứu, sản xuất các chương trình nghe nhìn về hát Xoan từ tư liệu trình diễn của các nghệ nhân đưa trở lại cộng đồng để truyền dạy một cách bài bản, bảo vệ sắc thái riêng của mỗi phường; nghiên cứu, hoàn thiện bản thảo xuất bản sách, đĩa phục vụ dạy hát Xoan trong trường học. Tổ chức truyền dạy và thực hành hát Xoan cho các đối tượng là hạt nhân văn nghệ của các câu lạc bộ hát Xoan và dân ca trên địa bàn tỉnh. Tập huấn cho các trùm phường và cán bộ văn hóa cơ sở về nhận thức, năng lực nhận diện hát Xoan, tính nghệ thuật và tính đa dạng phong cách của mỗi phường; về biện pháp bảo vệ hát Xoan theo hướng dẫn của UNESCO; về năng lực quản lý hoạt động của phường/câu lạc bộ. Đẩy mạnh công tác phục hồi các tập tục liên quan tới hát Xoan, đặc biệt là tục Hát cửa đình và kết nghĩa giữa các phường Xoan với các cộng đồng liên quan. Tiếp tục đầu tư phục hồi các di tích, không gian liên quan tới hát Xoan còn chưa được tu bổ, tôn tạo nhằm mở rộng không gian thực hành...
Trùm phường Xoan Thét, Bùi Thị Kiều Nga cho biết: Chúng tôi rất vui mừng khi được tỉnh, thành phố quan tâm, hỗ trợ các phường Xoan gốc. Với nguồn kinh phí đó, chúng tôi đã mua sắm đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ, kinh phí truyền dạy, tham gia biểu diễn, giúp phường hoạt động tốt hơn.
Tâm sự của một nghệ nhân hát Xoan cũng chính là ước muốn của người dân Đất Tổ, để tới nay mỗi khi về Phú Thọ ta lại được nghe hát Xoan.
Xưa, hát Xoan vốn chỉ có nơi những sân đình cổ kính. Nay, hát Xoan đã và đang vang vọng khắp nơi trên vùng Đất Tổ. Không gian vùng Xoan được đầu tư mở rộng, ý thức về bảo tồn và phát huy giá trị hát Xoan trong cộng đồng được nâng cao. Di sản hát Xoan qua ngàn đời vẫn đầy sức sống trong đời sống đương đại, khẳng định nỗ lực cố gắng của các nghệ nhân, cộng đồng và của tỉnh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan Phú Thọ. "Trước đây, khi tôi về Phú Thọ để nghiên cứu hát Xoan, trong lúc đi điền dã, khi hỏi đến hát Xoan hầu như người dân không ai biết đó là gì. Thế nhưng bây giờ nói đến hát Xoan hầu như ai cũng biết và rất nhiều người biết hát, sức lan tỏa rất rộng, thế nên đưa hát Xoan vào trường học, để nó hiện hữu lại trong đời sống xã hội là một bước đi rất đúng đắn"- theo PGS Đặng Hoành Loan.