Tiếng Việt ở xứ người
Phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước ta coi trọng. Để thực hiện tốt mục tiêu này, công tác dạy và học tiếng Việt cho các thế hệ người Việt cũng được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, liên tục.
Một lớp tiếng Việt của Trường Sao Mai (Berlin, Đức).
Trong tình hình hiện nay, vận động người Việt Nam ở nước ngoài đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, đó là làm sao thực hiện tốt các nhiệm vụ như: bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cộng đồng; động viên bà con phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, hội nhập vào xã hội sở tại; đồng thời làm cầu nối hữu nghị cho quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
Ông Hoàng Văn Lộc-Việt kiều Anh cho rằng, ở bất cứ một quốc gia nào, trọng tâm của xây dựng và phát triển cộng đồng đều phải dựa vào nền tảng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thế giới, và muốn làm được điều đó thì mỗi người Việt Nam chúng ta cả trong và ngoài nước đều cần ý thức và nỗ lực giữ gìn, phát huy.
Các nhà nghiên cứu về văn hóa cho rằng, để giữ gìn bản sắc dân tộc đối với người Việt ở nước ngoài, điều kiện tiên quyết là làm sao bà con phải giữ được tiếng Việt. Biết được tiếng Việt mới hiểu được tâm hồn người Việt, mới biết được những bản sắc văn hóa tốt đẹp và truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc. Ý thức được tầm quan trọng của tiếng Việt trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và hướng về Tổ quốc, đa phần người Việt Nam ở nước ngoài đều đã và đang cố gắng làm sao để học, sử dụng thích hợp tiếng Việt. Nhiều hình thức học tiếng Việt được áp dụng và mang lại hiệu quả tốt như đọc sách báo, tạp chí, nghe đài, xem truyền hình, giao lưu, học tại trường, học trên mạng Internet…
Tuy nhiên, ông Trần Chiến Thắng- nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch đánh giá, cùng với những thành công mà cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có được, vẫn còn nhiều lo âu khi những nét đẹp truyền thống gia đình đang bị ảnh hưởng. Sự gắn kết giữa các thành viên gia đình theo mô hình truyền thống đang thay đổi do môi trường sống cũng như điều kiện làm việc, việc tổ chức các ngày Tết truyền thống cũng gặp khó khăn do điều kiện xã hội khách quan. Vì vậy, ông Thắng đề nghị, cần khuyến khích hỗ trợ cho hoạt động dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là lớp trẻ vì họ là người ít có điều kiện sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ. Hỗ trợ sách giáo khoa đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt từ xa, xây dựng trường, lớp học tiếng Việt cho con emngười Việt ở nước ngoài.
Ông Thắng cho biết, từ 2003 đến nay, thông qua Quỹ hỗ trợ vận động người Việt Nam ở nước ngoài đã có gần 100 dự án về hỗ trợ công tác dạy tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài được thực hiện. Bên cạnh đó, hằng năm Nhà nước cũng tổ chức trại hè cho thanh niên Việt kiều, đón Việt kiều có công về thăm quê hương đất nước, tổ chức các lớp tham quan về nguồn, kết hợp tìm hiểu, học tập văn hóa Việt Nam và tiếng Việt nhằm giúp cho thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài có cơ hội tìm hiểu thực tế đất nước, con người Việt Nam. Tại các địa bàn đặc biệt khó khăn như Lào, Campuchia, việc học và dạy tiếng Việt được hỗ trợ đặc biệt. Cụ thể trong nước đã tài trợ hơn hàng tỉ đồng cho xây dựng nhiều trường học cho con em người Việt tại Lào, Campuchia.
Bên cạnh việc dạy và học tiếng Việt, ông Hoàng Văn Lộc mong muốn, cần tổ chức thêm các sự kiện văn hóa như: Lễ hội, ẩm thực, ca nhạc…Mục đích tổ chức các sự kiện văn hóa như lễ hội nhằm tưởng nhớ công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các liệt sĩ và các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên và các nhu cầu chính đáng khác của bà con cộng đồng. “Thông qua các sự kiện lễ hội ẩm thực, ca nhạc chúng ta có thể quảng bá được hình ảnh đặc sắc của Việt Nam, đồng thời là cơ hội để bà con cộng đồng giao lưu, xây dựng tình đoàn kết gắn bó”- ông Lộc nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc tổ chức giao lưu học sinh Việt kiều và học sinh Việt Nam là cơ hội tốt để các cháu học thêm và thực hành tiếng Việt , hiểu biết thêm về văn hóa và lịch sử Việt Nam một cách đúng đắn và có hiệu quả nhất. Thông qua các chương trình giao lưu đó, chúng ta sẽ giúp các cháu có cơ hội mở mang kiến thức, quan hệ cộng đồng và gần gũi với quê hương đất nước.
Đề cập đến một giải pháp cụ thể hơn, ông Trần Bá Việt Dũng- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay “về lâu dài, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Giáo dục các nước có nhiều người học tiếng Việt, hoặc có nhu cầu học tiếng Việt, mà trước mắt là các nước láng giềng trong khu vực để có thể đưa tiếng Việt vào thành một môn ngoại ngữ được dạy trong các trường phổ thông”. Ông Dũng cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đều hướng về Tổ quốc và muốn đóng góp xây dựng đất nước. Công cụ ngôn ngữ, tiếng Việt, sẽ góp phần giúp những người Việt Nam xa quê hương gần gũi nhau hơn, gần gũi với quê hương, đất nước hơn. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn cố gắng để có thể đóng góp một cách tốt nhất vào việc duy trì và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mong muốn nhận được sự cộng tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, bà con Việt kiều đóng góp cho công tác dạy và học tiếng Việt. Bởi tiếng Việt, được xem một công cụ, một cầu nối các thế hệ người Việt ở khắp nơi với cội nguồn.