Điểm tựa cho doanh nghiệp Việt tại Séc
Tại Hội thảo về Luật doanh thu trực tuyến (EET) vừa tổ chức mới đây, rất nhiều thông tin được đưa ra nhằm tư vấn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) người Việt tại Séc về các vấn đề liên quan đến pháp luật và môi trường kinh doanh tại nước sở tại. Theo các doanh nhân người Việt tại Séc, hoạt động này rất thiết thực không chỉ trong kinh doanh mà còn góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của cộng đồng người Việt tại Séc.
Ngày hội văn hóa của người Việt trên đường phố Séc.
1.Là hiệp hội đầu tiên của người Việt Nam tại CH Séc, Hội DN Việt Nam luôn đồng hành cùng các nhà doanh nghiệp, giúp các DN dần trưởng thành trên thương trường Séc và có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của người Việt tại nước sở tại. Và Hội thảo này chính là một trong những hoạt động thiết thực đó. Vấn đề được đưa ra tại Hội thảo là chủ đề cộng đồng người Việt tại Séc rất quan tâm vì từ ngày 1/5 tới, luật EET sẽ được triển khai trong giai đoạn 3 và 4, trong đó mở rộng áp dụng đối với các đối tượng trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất như luật sư, kế toán, bác sĩ, thợ thủ công, lái xe taxi…
Ông Phạm Thành Long - Chủ tịch Hội DN Việt Nam tại Séc cho rằng, việc tổ chức hội thảo về Luật EET nhằm giúp bà con người Việt kinh doanh tại Séc hiểu hơn và chấp hành tốt luật pháp của Séc để nâng tầm cộng đồng DN Việt Nam trong xã hội cũng như trong cộng đồng DN Séc.
Đây cũng là một trong những hoạt động thể hiện mong muốn của Hội kết nạp thêm các thành viên tham gia để tạo ra một sân chơi đoàn kết các DN Việt, giúp cho người Việt tự tin hơn và có tiếng nói chung. Giống như thời gian trước đó, Hội đã ký được những hợp đồng giảm giá cho tất cả các DN Việt có giấy phép kinh doanh khi dùng mạng Vodaphone, khi mua các xe BMW, AUDI, bảo hiểm Kooperativa. Kết hợp với Bộ Tài chính Séc tổ chức các buổi tọa đàm EET, xuất bản Cẩm nang DN II…
Phó Chủ tịch Hội DN trẻ Việt Nam tại Séc, Đỗ Anh Đức cho rằng thông qua tổ chức hội thảo này, bà con kinh doanh người Việt có điều kiện trực tiếp tiếp nhận thông tin cũng như được giải đáp các thắc mắc về luật pháp, thuế, kinh doanh từ Bộ Tài chính Séc. Ngoài ra, việc tổ chức hội thảo cũng giúp tăng cường quan hệ kết nối giữa cộng đồng DN Việt Nam tại Séc với Chính phủ nước sở tại.
Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Séc và các chuyên gia của Bộ Tài chính đã trao đổi và giải đáp các câu hỏi của bà con kinh doanh trong cộng đồng người Việt liên quan tới luật EET… giúp các DN Việt Nam tại Séc hiểu rõ hơn và thực hiện tốt các quy định của luật EET.
2.Trong những năm gần đây, cộng đồng người Việt Nam được chính quyền sở tại ghi nhận và đánh giá cao với nỗ lực hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống kinh tế - xã hội tại CH Séc. Và một trong những yếu tố góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của cộng đồng là sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp người Việt tại CH Séc, góp phần tạo thêm việc làm cũng như giới thiệu hàng hóa Việt Nam tới người bản xứ.
Điển hình như mới đây, Công ty TAMDA FOODS - một công ty của người Việt hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ các mặt hàng thực phẩm và đồ dùng gia đình đã khai trương Trung tâm Thương mại TAMDA quy mô lớn với diện tích hơn 20.000 m2 tại thành phố Usti nad Labem thuộc tỉnh Ustecky để cung cấp hàng hóa, trong đó có hàng Việt Nam tới người dân địa phương và khu vực biên giới với Đức.
Đây là điểm kinh doanh thứ 3 sau hai trung tâm thương mại lớn tại Praha và Brno được đánh giá cao về sự năng động, tháo vát của người Việt tại Séc.
3.Từ khi trở thành cộng đồng thiểu số tại Séc, cuộc sống của bà con người Việt ngày càng ổn định hơn. Bà con kiều bào ở đây có rất nhiều hội nhóm hoạt động để tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Cùng với Hội DN Việt thì các hội đồng hương cũng hoạt động rất mạnh. Như Hội đồng hương Hưng Yên, Hội đồng hương Quảng Bình, Hội đồng hương Thanh Hóa, Hội đồng hương Phú Thọ…
Trong đó, Hội đồng hương Nghệ Tĩnh gặt hái rất nhiều thành tích trong hoạt động văn hóa, xã hội, thể dục thể thao như: Nhiệt tình ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt; giành giải cao tại giải bóng đá Thanh niên sinh viên Việt Nam, giải bóng đá dành cho các dân tộc thiểu số do Thượng viện Séc tổ chức; thành lập câu lạc bộ dân ca Ví Giặm nhằm giới thiệu, duy trì và phát triển di sản văn hóa phi vật thể của quê hương xứ Nghệ đã được UNESCO công nhận.
Ước tính người Nghệ Tĩnh tại Séc đông đảo nhất trong cộng đồng người Việt ở Séc với hơn 10 ngàn người. Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tuy thành lập mới được 5 năm, là một trong những Hội còn trẻ của cộng đồng người Việt ở Séc nhưng đang phát triển mạnh mẽ, bà con trong hội rất gắn kết và ủng hộ nhau về mọi mặt trong cuộc sống xa xứ cũng như đóng góp cho quê hương đất nước.
Cùng với các Hội của cộng đồng người Việt tại séc - những điểm tựa cả về tinh thần và vật chất giúp bà con hội nhập ngày càng sâu rộng vào nước sở tại thì rất nhiều các bạn trẻ thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên tại Cộng hòa Séc luôn được tiếp cận thông tin tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của người Việt cũng như có các hoạt động hướng về quê hương, đất nước.