Thư người xa xứ
Chùa Việt trên đất Lào
Những cánh cửa gỗ ấm áp của ngôi chùa Việt tại Viêng Chăn.
Minh thân,
Có lẽ trong mọi câu chuyện lúc này, điều đầu tiên người ta muốn hỏi thăm nhau chính là sức khỏe phải không cậu? Hiện ở Lào cũng đã có hai ca nhiễm Covid-19. Chính phủ Lào đã ban bố các biện pháp phòng dịch như đóng cửa trường học và địa điểm công cộng, đóng cửa biên giới cũng như xây dựng cơ sở khám bệnh cho người nhiễm Covid-19 từ trước khi có ca nhiễm...
Có thể nói công việc và cuộc sống của bà con người Việt bên này cũng chưa bị ảnh hưởng nhiều. Mọi người vẫn nhắc nhau bình tĩnh và thực hiện mọi biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
Với lại Minh biết không, Viêng Chăn nổi tiếng với nhịp sống chậm. Một lối sống đơn giản, không nhiều bon chen, giành giật. Càng trong khó khăn, nét văn hóa đó lại càng đẹp hơn. Phố phường đầu giờ sáng hay buổi tan tầm người và xe rất đông nhưng không có hiện tượng ùn tắc hay còi xe inh ỏi. Mọi phương tiện đều lưu thông một cách trật tự và đúng luật. Nếu muốn rẽ ngang hay xin đường, người cùng đi sẽ sẵn sàng nhường đường, thậm chí là dừng xe chờ cho người khác đi qua họ mới tiếp tục hành trình, chậm rãi và rất bình tĩnh.
Văn hóa, phong cách và nhịp điệu sống của người dân nơi đây cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến người Việt. Mọi người sống nhường nhịn, đoàn kết và yêu thương nhau, cảm giác như ở làng quê mình vậy. Nhớ quê, trong những năm qua, bà con người Việt mình cũng tự nguyện đóng góp xây dựng nhiều ngôi chùa để giúp phật tử nói riêng và bà con trong cộng đồng người Việt nói chung có thêm một điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, đặc biệt giúp thế hệ trẻ luôn nhớ về cội nguồn.
Và mình muốn kể cho Minh nghe về ngôi chùa Phật Tích ở trên đại lộ Naxay, một con phố rất đẹp ở trung tâm thủ đô Viêng Chăn, là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của đông đảo bà con người Việt xa xứ trên đất nước Triệu Voi. Cũng giống như nhiều ngôi chùa ở làng quê Việt, trước cổng chùa Phật Tích là cây Bồ Đề tỏa bóng rợp mát. Ni sư Diệu Thiện chính là người đã dành hết 43 năm trụ trì chùa để kết nối bà con Việt sinh sống nơi đất khách quê người. Bà cũng là người đưa hai sư thầy Thích Minh Quang và Thích Minh Nguyệt sang Lào tiếp nối ni sư trụ trì chùa.
Rất nhiều bà con người Việt thăm viếng ngôi chùa chia sẻ rằng, chỉ chạm chân tới sân chùa đã nhận ra những nét thân quen và đặc trưng như những ngôi chùa ở làng quê Việt. Theo nhà chùa thì toàn bộ tôn tượng, hoành phi, câu đối và bài trí các ban thờ đều do các thợ từ Việt Nam sang thực hiện nên không khác những ngôi chùa ở Việt Nam.
Hiện nay, ngoài kinh sách tiếng Việt, nhà chùa đã in sang chữ Lào để cho một số kiều bào có thể đối chiếu so sánh và cũng phục vụ cả một số gia đình gốc Lào – Việt thực hành nếp tín ngưỡng được thuận lợi, là bởi bao thế hệ bà con Việt kiều sinh sống trên đất Lào đã hòa mình vào cuộc sống của người dân sở tại. Và trong lúc khó khăn này, người Lào cũng như người Việt đều có chung một tinh thần đoàn kết, đoàn kết để cùng nhau sớm đẩy lùi dịch bệnh.