Làm việc trực tuyến thời Covid

Nguyên Khánh 05/04/2020 08:00

“Để bảo đảm an toàn, nhất là thời điểm hiện nay và thời gian tới, người dân nên ít di chuyển và thay đổi phương thức làm việc, từ trực tiếp sang trực tuyến và các hình thức phù hợp khác để tránh lây nhiễm”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu như vậy tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ bàn các biện pháp chống dịch Covid-19.

Làm việc trực tuyến thời Covid

Thay đổi cách làm, cách học do dịch Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.

Tránh tiếp xúc, thay đổi hình thức làm việc

Tất nhiên không chỉ chờ đến chỉ đạo một cách cụ thể của người đứng đầu Chính phủ người dân, các doanh nghiệp, các công ty, bộ, ngành mới thay đổi từ phương thức làm việc trực tiếp sang trực tuyến. Từ sau khi phát hiện ra bệnh nhân 17 nhiễm dịch Covid-19 tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức đã hoãn toàn bộ các cuộc họp, sự kiện tụ tập đông người, đồng thời khuyến khích nhân viên làm việc trực tuyến thay vì đến cơ quan.

Anh Nguyễn Quang Trung- chủ một công ty chuyên phần mềm tại Hà Nội cho biết, do đặc thù công việc nên công ty anh đã cho toàn bộ nhân viên làm việc online. “Công việc chủ yếu xét đến kết quả cuối cùng, nên để đảm bảo sức khỏe của mỗi người cũng như đảm bảo an toàn cho cộng đồng, công ty đã cho làm việc online để hạn chế tiếp xúc. Dù làm việc online nhưng các thành viên vẫn thường xuyên trao đổi công việc cũng như hoàn thành công việc theo kế hoạch”- anh Trung cho hay.

Cho phép nhân viên làm việc online trong thời kỳ này của nhiều doanh nghiệp không chỉ giúp làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh mà còn giúp giảm bớt lo lắng của nhiều cán bộ, nhân viên có con nhỏ trong độ tuổi đi học trong việc sắp xếp công việc, người trông nom con trẻ…

Anh Tùng- nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội chia sẻ: “Đang trong thời kỳ dịch bệnh cao điểm, ít nhất trong 1-2 tuần tới, tất cả các sự kiện tập trung đông người đều bị hủy. Vì thế, công ty cũng tranh thủ cho nhân viên làm việc online”. Tuy nhiên, làm việc ở nhà cũng nhiều điều bất tiện vì nó thường xuyên bị gián đoạn bởi những việc không tên khác. Tuy nhiên, mọi người đành phải cố gắng khắc phục những sự bất tiện này để hoàn thành tốt công việc được giao.

Không chỉ những người làm việc liên quan đến công nghệ thông tin mới có thể chuyển đổi mô hình làm việc từ trực tuyến sang trực tiếp mà hiện nay nhiều ngân hàng, các loại hình doanh nghiệp khác cũng cho nhân viên nghỉ luân phiên chỉ để một bộ phận cán bộ trực giao dịch, còn đa số nhân viên làm việc ở nhà qua mạng. “Dịch bệnh xảy ra gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả người lao động và doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi. Làm việc online là một trong những cách giúp người lao động chúng tôi vẫn đảm bảo thu nhập, doanh nghiệp bớt thiệt hại mà lại an toàn cho cộng đồng. Dịch bệnh còn phức tạp, các doanh nghiệp cũng như người lao động buộc phải tìm cách thích ứng với tình hình”- chị Quyên, nhân viên Ngân hàng Sacombank chia sẻ.

Đó là công việc của các nhân viên văn phòng, hiện nay khi hầu hết các dịch vụ không thiết yếu đã bị “đóng”, các nhà hàng, quán bar, quán café đều không được phép mở cửa để tránh tụ tập đông người thì hầu hết các hàng quán này đành chuyển đổi kinh doanh bằng hình thức phục vụ online. Anh Huy Anh, chủ một nhà hàng ở quận Hoàn Kiếm cho biết, từ sau tết đến giờ quán của anh vắng khách hơn trước rất nhiều. Thời gian gần đây gần như không có khách bởi người dân sợ dịch. Vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, tiền nhân viên, anh đành chuyển sang hình thức bán hàng online với giá mềm hơn. Hy vọng, anh vẫn phục vụ được các thực khách và vượt qua được những khó khăn bởi dịch bệnh này.

Nhiều bộ ngành họp trực tuyến giảm tối đa tiếp xúc

Hiện rất nhiều bộ ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình. Cụ thể, Bộ LĐTBXH xây dựng hệ thống điều hành trực tuyến với 10 bộ thiết bị đầu cuối tích hợp đầy đủ màn hình hiển thị, camera, âm thanh. Thay vì đến phòng họp chung, lãnh đạo Bộ và các đơn vị có thể ngồi tại phòng làm việc của mình, trao đổi công việc qua màn hình. Họp trực tuyến, giảm tiếp xúc, ngay trong tháng 3 này, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã chủ trì cuộc họp trực tuyến đầu tiên với 7 điểm cầu tham dự gồm lãnh đạo Bộ, thủ trưởng một số đơn vị. Lãnh đạo tại điểm cầu các đơn vị có thể triệu tập thêm cán bộ liên quan tham dự để nắm bắt ngay lập tức sự chỉ đạo của Bộ.

Với Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh thông tin, Bộ Nội vụ đã dừng một hội thảo về Luật Thanh niên theo kế hoạch tổ chức tại Phú Quốc ngày 9 và 10/3. “Những hội nghị đông người, hoặc đi công tác xa bằng máy bay chúng tôi dừng lại hết”- ông Minh nói. Theo ông Minh, khi hạn chế hội họp, lãnh đạo Bộ tăng cường giao ban trực tuyến với cán bộ, nhân viên với tài liệu online; trường hợp phải họp tập trung thì số người tham dự ít nhất có thể, ghế ngồi xếp cách nhau 2 mét.

Tương tự, Bộ Quốc phòng hoãn các hội nghị, cuộc họp tập trung đông người chưa cần thiết, chuyển sang họp trực tuyến hoặc trao đổi qua điện thoại. Thứ trưởng Quốc phòng Trần Đơn cho biết thêm, Bộ tạm dừng các chuyến công tác nước ngoài không thực sự cấp bách.

Tại Hà Nội, Văn phòng Thành ủy Hà Nội đã thông báo dừng, không tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố và buổi gặp mặt lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ vào giữa tháng 3, Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Một trái tim hồng” cũng tạm dừng. Thành phố cũng hoãn hội thảo khoa học “Đảng bộ thành phố Hà Nội - 90 năm xây dựng, phát triển”, và cho biết sẽ tổ chức vào thời điểm phù hợp trong năm 2020.

Theo Cổng dịch vụ công quốc gia, sau khi tích hợp nhiều dịch vụ công thiết yếu lên Cổng dịch vụ công quốc gia lượng giao dịch đã ngày càng tăng lên. Cụ thể, cho đến ngày 24/3 tại Hà Nội có 2.155 hồ sơ; TP Hồ Chí Minh 13.062 hồ sơ; Đà Nẵng có10.608 giao dịch trực tuyến. Với các Bộ, ngành sau khi đưa một số dịch vụ tiện ích lên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng thu hút người dân sử dụng dịch vụ này bằng hình thức giao dịch trực tuyến. Cụ thể, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có 2.179.863 hồ sơ; Bộ GTVT có 5.600 và Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 199.112 hồ sơ giao dịch trực tuyến.

Không chỉ giao dịch trực tuyến ở Cổng dịch vụ công quốc gia tăng lên mà tại các địa phương người dân đã dần từ giao dịch giấy tờ sang trực tuyến. Cụ thể, hơn một tháng nay, khu vực tiếp nhận và trả kết quả tại quận Bình Tân, TPHCM vắng vẻ hẳn. Nguyên nhân là bởi hầu hết người dân chọn sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Theo thống kê, số lượng đăng ký trực tuyến tăng từ 15 - 20%. Trên thực tế, lượng hồ sơ không ít đi mà chuyển sang trực tuyến, giúp những cán bộ tại quận chỉ cần thao tác trên máy.

Trước tác động xấu từ bệnh dịch cho thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tránh tiếp xúc trực tiếp là những vấn đề cần thực hiện trong thời điểm này cũng như trong tương lai. Không ai muốn dịch bệnh xảy ra, nhưng do hoàn cảnh bắt buộc, mọi hoạt động trong xã hội đều phải thích ứng với xu hướng làm việc trực tuyến hơn là trực tiếp. Covid-19 sẽ thúc đẩy các quốc gia đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin, và Việt Nam sẽ nhanh chóng bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Làm việc trực tuyến thời Covid - 1

Bà Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội: Làm ở nhà hoặc bị cách ly, lương sẽ tính thế nào?

Làm việc ở nhà mà hiệu quả vẫn giống như đến cơ quan, đương nhiên mức lương và thưởng vẫn giữ nguyên cho người lao động. Trong trường hợp các công ty gặp khó khăn thậm chí là ngừng hoạt động vì tác động của dịch cần quan tâm đặc biệt đến người lao động. Bởi người lao động là tài sản của chính các công ty này, họ đã chung lưng đấu cật góp phần xây dựng phát triển công ty này. Do vậy, trong trường hợp bất khả kháng, không có việc phải cho nhân viên nghỉ việc thì nên làm từ từ, không đùng một cái cho người lao động nghỉ việc không lương. Trong trường hợp doanh nghiệp không thể kham nổi, Nhà nước nên hỗ trợ bằng hình thức nào đó để ít nhất trả được lương tối thiểu cho người lao động.

Trong trường hợp cán bộ, công nhân viên không thể làm việc online mà vô tình phải bị cách ly họ có được nhận lương hay không? Tôi thấy nhân viên hàng không khi tiếp xúc với hành khách dương tính Covid-19 phải lập tức cách ly, công ty vẫn trả lương lao động và chế độ như ngày hoạt động bình thường. Bởi cách ly là điều bất khả kháng, không ai muốn. Theo Khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động quy định trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm hoặc vì lý do kinh tế thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Nguyên Khánh