Cái khó khi chọn sách giáo khoa
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên học sinh lớp 1 trên cả nước sẽ học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện, các trường tiểu học trên cả nước đang gấp rút thực hiện để đảm bảo tiến độ nhằm chọn ra được bộ sách phù hợp nhất với học sinh; cho dù đang phải nỗ lực hết sức ứng phó với dịch Covid-19.
Được hỏi về các bộ SGK lớp 1 mới, cô Phạm Thị Liên - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ty (Sông Mã, Sơn La) đánh giá: Các bộ SGK lớp 1 mới tích hợp nhiều kênh đa phương tiện, hình ảnh hỗ trợ giảng dạy, việc này giảm được đầu sách học sinh phải mang vác mỗi khi đến trường. Nhưng trang thiết bị dạy học, máy móc để đáp ứng được các kênh đa phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin ở các trường vùng khó khăn rất hạn chế, ngay cả trường học ở thị trấn cũng chưa đáp ứng. Giải bài toán này trong năm tới với lớp 1 ở thành phố, thị xã có thể khắc phục được. Nhưng với trường học vùng khó khăn, có nhiều điểm trường lẻ, có nơi không có điện và mạng internet thì không thể ứng dụng công nghệ thông tin, không tận dụng được những kênh hỗ trợ của sách mới để giảng dạy, tức là vẫn dạy chay, học chay nên với những trường này hiệu quả giảng dạy SGK lớp 1 mới sẽ không cao.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Tuấn-Trưởng phòng GDĐT Sốp Cộp (Sơn La) cho rằng SGK cần phải phù hợp nhất với học sinh của huyện, trong đó lưu ý đến các tiêu chí như sách phải dễ tiếp cận, kiến thức gần gũi với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số.
Ở vùng sâu, vùng xa, cô Nguyễn Thị Thanh -Tổ trưởng Tổ chuyên môn khối 1, Trường Tiểu học Phúc Sơn (Nghĩa Lộ, Yên Bái) chia sẻ:100% học sinh nhà trường là dân tộc thiểu số, nhận thức của các em không đồng đều, còn hạn chế về nhiều mặt, nhất là tiếng Việt. Vì vậy, khi lựa chọn SGK, cán bộ, giáo viên đã đặt tiêu chuẩn chọn sách phù hợp nhất với trình độ chung của học sinh ở đơn vị trường mình. Đồng thời, bộ sách được chọn phải có giá thành phù hợp với điều kiện kinh tế của nhân dân trong vùng.
Cũng như các địa phương khác, dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song các trường học trên địa bàn Hà Nội vẫn đang khẩn trương nghiên cứu, đánh giá ưu, nhược điểm của từng cuốn sách từ đó lựa chọn với mục tiêu bảo đảm quyền lợi của học sinh, giúp các em phát triển toàn diện. Trưởng phòng GDĐT quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết, phòng đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện song song hai nhiệm vụ, vừa chống dịch Covid-19, vừa khẩn trương tổ chức nghiên cứu, lựa chọn SGK lớp 1 theo đúng tiến độ.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thị Phượng cho rằng, việc được quyền chọn SGK để giảng dạy là cơ hội để các trường học phát huy quyền tự chủ, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi mỗi nhà trường phải thực hiện nghiêm túc, minh bạch. Khó khăn hiện nay là học sinh đang tạm nghỉ học, nên việc lựa chọn sách chủ yếu mang tính chủ quan, chưa được trải nghiệm bằng thực tế dạy học.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Hà Nội hiện có 772 trường tiểu học và trường phổ thông có cấp tiểu học. Theo ghi nhận thực tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh phải nghỉ học, song Sở, các phòng GDĐT của 30 quận, huyện, thị xã vẫn tiến hành các hoạt động chuyên môn, trong đó có việc triển khai các nội dung của Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT tới tất cả các trường thuộc phạm vi quản lý để tiến hành lựa chọn SGK lớp 1.Theo đó, đặt tiêu chí SGK tạo điều kiện cho học sinh học tích cực và hiệu quả là tiêu chí số một.
Theo bà Đỗ Thị Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy), để chọn ra được những cuốn sách phù hợp nhất, nhà trường lưu ý giáo viên khi đánh giá từng cuốn sách không chỉ quan tâm đến nội dung kiến thức, mà còn xác định rõ từng môn học có tích hợp nội dung gì, phát triển những kỹ năng nào cho học sinh, có phù hợp với điều kiện dạy học của nhà trường hay không…
Còn theo Trưởng phòng GDĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, ngoài việc yêu cầu 100% các trường lựa chọn giáo viên có chuyên môn, phẩm chất tốt vào hội đồng lựa chọn sách, phòng còn làm cầu nối, chỉ đạo các trường tiểu học huy động phụ huynh có con đang học lớp mẫu giáo 5 tuổi ở trường mầm non tại địa phương cùng tham gia tìm hiểu, lựa chọn sách. Cách thức này hạn chế được việc bỏ phiếu mang tính hình thức, bởi chính họ cũng là người chịu trách nhiệm về chất lượng học tập của con em mình khi bước vào lớp 1 năm học 2020-2021 trong vài tháng nữa.
Đề cập đến quy trình lựa chọn SGK hiện nay, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết-Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới chia sẻ: Khi lựa chọn SGK, trước hết, cán bộ quản lý, giáo viên cần có đủ thông tin, đủ SGK để nghiên cứu. GS Thuyết cho rằng việc lựa chọn SGK cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử và nhân dân, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
Về vấn đề này, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng, hiện nay, có 5 bộ SGK khác nhau do các tổ chức, cá nhân biên soạn thì Bộ GD ÐT với vai trò quản lý nhà nước đồng thời chủ trì thẩm định có thể lựa chọn một bộ phù hợp nhất để mua lại bản quyền và tồn tại cùng các bộ SGK của tổ chức, cá nhân khác. Về mặt lý thuyết nhà trường hay UBND các tỉnh, thành phố sẽ phải cân nhắc lựa chọn một trong các bộ SGK, bảo đảm chất lượng, phù hợp yêu cầu của địa phương, của trường. Tuy nhiên, trong thực tế có thể xảy ra yếu tố cảm tính trong việc lựa chọn giữa SGK của Bộ GDÐT và sách của các tổ chức, cá nhân. Vì vậy, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GDÐT cần có hướng dẫn cụ thể để làm sao quy trình lựa chọn SGK bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan.
Theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 của Bộ GDĐT hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, để lựa chọn SGK lớp 1 đưa vào giảng dạy từ năm học 2020-2021, mỗi nhà trường sẽ thành lập một hội đồng lựa chọn sách. Hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (gọi chung là môn học) có SGK được lựa chọn, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên...