Nhà văn Lê Minh Hà: Ở yên, tránh nhiều bất trắc

Nguyễn Thanh Bình (thực hiện) 02/04/2020 14:58

Từ Hà Nội, tôi inbox cho nhà văn Lê Minh Hà đang sống ở nước Đức, đề nghị bà tham gia cuộc trò chuyện trên chuyên đề Tinh hoa Việt số cuối tháng 3 này. Tôi cũng nói rõ chủ đề của cuộc trò chuyện. Khá lâu sau, tôi không thấy bà hồi âm. Tôi nghĩ có lẽ bà từ chối. Một sớm mai thức dậy, tôi thấy bà nhắn lại. Bà xin lỗi vì trả lời chậm và bảo tôi cứ hỏi, bà sẽ thành thực trả lời. Và câu chuyện của chúng tôi bắt đầu…

Nhà văn Lê Minh Hà: Ở yên, tránh nhiều bất trắc

Nhà văn Lê Minh Hà trong một lần về Hà Nội.

Phóng viên:Thưa nhà văn Lê Minh Hà, những ngày tháng này, ở đâu câu chuyện về dịch bệnh Covid-19 cũng được đề cập. Tôi muốn biết những quan sát, trải nghiệm của bà về tình hình ứng phó với dịch bệnh của chính quyền và người dân tại nơi bà đang sống?

Nhà văn Lê Minh Hà: Cho phép tôi được chia sẻ trong tư cách một người dân thường đang sống nơi này! Nếu đi ngoài đường, và nếu không đọc hay nghe tin tức hàng ngày, thì cảm giác thanh bình lắm. Trời đất vào xuân và nơi này, dẫu là thủ đô nước Đức thì vắng. Những ngày này tôi không đi ra khu vực trung tâm nơi du khách đổ về và tôi đồ rằng nay cũng chẳng đông đúc gì. Hôm qua xem ti vi, thấy con đường trước cổng thành Branndenburg bình thường rầm rập người, xe đạp điện, xe ngựa… chỉ có đúng một chàng một nàng dắt tay nhau. Giờ mà ra đó tạo dáng chụp ảnh thì chẳng cần phải tránh ai và cũng chẳng ai phải vừa cười vừa né cho mình chụp.

Thế nhưng theo dõi tin tức hàng giờ thì phải nói ngay: y như thời chiến, còn hơn cả thời chiến như mấy vị nguyên thủ quốc gia nói: Đây là một cuộc chiến tranh, không phải chống một thế lực nào đến từ con người để bảo vệ lãnh thổ hay các giá trị của dân tộc, nhân loại, mà là chống một thế lực chưa từng biết, để bảo vệ mạng sống của con người.

Thủ tướng Đức xuất hiện chậm hơn nguyên thủ các quốc gia trong Liên minh châu Âu trước đại dịch, nhưng khi bà xuất hiện, thì thế đấy, các kế hoạch, các phương án ứng phó, các quyết định ra ào ào, mới mẻ từng giờ, không phải là đuổi theo chặn dịch mà là chạy trước để chặn. Nhưng điều tôi nể nhất là trong hoàn cảnh này, nước Đức và Liên minh châu Âu vẫn có thể ngồi lại để ra quyết sách nhận trẻ em tị nạn chiến tranh đang mắc kẹt tại biên giới châu Âu do chính sách mở cửa của Thổ Nhĩ Kì. Còn ngoài ra, đêm hôm qua, tôi thấy quyết định ngừng cho người ngoài liên minh nhập cảnh song song với dự kiến lập cầu hàng không đưa công dân Đức hiện còn đang đi nghỉ mát về, không quá cảnh nơi nào để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dọc đường. Ở Berlin, buổi chiều mới đọc được tin quốc hội của thành phố quyết định xây bệnh viện dã chiến ngàn giường, tối xem ti vi tôi đã thấy những bức tường được lắp cửa sổ rồi.

Quyết sách ban bố rất nhiều và rất nhanh, có hiệu lực lập tức, từ chuyện nghỉ làm được bảo đảm lương toàn phần 6 tuần theo luật tới chuyện hạn chế có cưỡng chế các hoạt động của đời sống hàng ngày, từ chuyện đảm bảo nhu yếu phẩm cho dân, cho phép mở siêu thị bán nhu yếu phẩm cả chủ nhật tới chuyện tìm nhà cho người vô gia cư (là những người tự chọn đời sống này chứ không phải nghèo đói bị đẩy ra đường) để họ có địa chỉ chính thức khi lây nhiễm cần cách li tại gia. Từ chuyện đóng cửa biên giới tới chuyện tăng ngay lập tức số giường cấp cứu và máy thở dành cho bệnh nhân nặng. Hôm trước tôi đọc được riêng Berlin có hơn ngàn máy trợ thở, được bổ sung tiếp 200 máy, và trong vài ngày nữa đâu như sẽ được tăng cường gấp đôi.

Thực sự là không thể kể hết được cách người ta ứng phó với dịch bệnh. Rất bình an. Rất hối hả. Rất Đức. Chặn dịch, cứu người để tiếp tục cuộc sống bình thường khi dịch đi qua. Do đó, các phương án được triển khai trên mọi bình diện xã hội từ nội trị tới ngoại giao.

Bà có thể diễn giải rõ hơn để mọi người cùng hiểu khái niệm “miễn dịch cộng đồng”?

- Tôi không phải là chuyên gia dịch tễ học, nhưng tôi đọc và hiểu rằng không phải họ để virus hoành hành rồi tự suy yếu, sống chết mặc bay, mà là khi qua giai đoạn dập dịch như dập từng đống lửa và không thể tiếp tục xác định bệnh nhân số 0, thì cố gắng làm giảm tốc độ lây lan như có thể, tranh thủ thời gian để tăng cường vật lực, nhân lực tối đa cho các bệnh viện, tập trung cứu những người bị nặng, đặc biệt ở nhóm có nguy cơ cao nhất khi đã phát bệnh. Đấy là việc tôi đang thấy trong tin tức hàng ngày nơi này.

Ngay cả ở Anh cũng không khác dù có vẻ như họ không thật sự nghiêm khắc thiết quân luật như Pháp, không phải tới tận hôm nay mới khác. Không hẳn như một số báo chí ở nhà đưa tin, như thể châu Âu hấp hối.

Nhà văn Lê Minh Hà: Ở yên, tránh nhiều bất trắc - 1

Nhà văn Lê Minh Hà, nhà văn Trần Chiến, TS Nguyễn Thị Hậu.

Vậy một người như bà có tâm trạng thế nào trước đại dịch lần này, nhất là lại sống xa quê hương?

- Tôi cũng có tất cả những băn khoăn lo lắng như mọi người trước cơn đại biến này của nhân loại, và, như một người có một nơi chốn để sống một nơi chốn để nhớ, tôi hiểu rằng cần phải đặt niềm tin vào những chuyên gia và những người hoạch định thực hiện chính sách theo tinh thần và hiểu biết khoa học của giới chuyên gia, theo điều kiện riêng ở từng quốc gia. Hoang mang có thể giết chúng ta nhanh hơn cả virus. Theo dõi tin hàng ngày, thật lòng tôi tin tưởng rằng ngay cả khi mình – một bệnh nhân chuyên nghiệp về đường hô hấp – có trở thành nạn nhân của cái giống virus qủy quái này thì nước Đức sẽ vượt qua đại dịch này, thế giới sẽ vượt qua, dù giá phải trả nhiều ít khác nhau.

Cái tâm trạng này, hẳn khác xa với những khó khăn trong quá khứ mà bà từng trải qua?

- Những kinh nghiệm bất an thời chiến tranh khi còn là một đứa bé chưa biết gì nhiều không so được với cảm giác này lúc là một người trưởng thành, có những khao khát và nghĩa vụ dang dở, ở thế giới phẳng bẹt bây giờ, vào lúc người ta nghĩ có thể làm được tất cả nhưng rồi chỉ một con virus cũng có thể làm mình bất lực hoàn toàn.

Covid-19 có ảnh hưởng nhiều không đến cuộc sống của một nhà văn như bà?

- Tôi quen với việc sống âm thầm làm việc âm thầm, nên những hạn chế kể cả có tính cưỡng bách nhằm đối phó với dịch không tác động gì nhiều tới tôi, nếu nhìn bề ngoài. Thế nhưng cũng nhìn bề ngoài, và chỉ tôi tự biết, thì đây là lần đầu tiên ba ngày trong đời từ khi biết chữ tới giờ tôi không đọc một trang thơ trang văn nào. Chỉ đọc tin, tiếng Việt, tiếng Đức, về cơn dịch bệnh này. Tôi không sợ nó, nhưng tôi cũng hiểu ra rằng sau cơn biến động này cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều, không phải là ở mức sống, mà là ở quan niệm về đời sống, về cách sống, ở các hình thức làm việc và hình thức quan hệ của con người. Cái câu ai cũng như ai rồi cuối cùng cũng hai tấm dài hai tấm ngắn xuống đất nằm giờ có khi cũng không ứng dụng được, nhưng nghĩ kĩ thì các cụ nhà ta có lí. Trước cái sống thì còn có thể tranh hơn, còn có thể bất công, nhưng trước cái chết chẳng lẽ lại còn tranh nhau giờ chết chỗ chết nhờ vào tiền hay quyền, hay tăm tiếng tài danh. Tôi cũng hiểu rằng trong một hoàn cảnh cụ thể nhiều hiểm họa vừa rõ ràng vừa tù mù như thế này, hướng nội không phải là biểu hiện của bất lực, yếm thế ở một kiểu người, rất có thể là sức mạnh để nhận diện lại ý nghĩa đời sống, chấp nhận lại nghĩa vụ trước nó, để hưởng thụ nó, một cách giản dị, chậm rãi, kĩ càng.

Còn với gia đình bà, dịch bệnh lần này đã ảnh hưởng như thế nào?

- Nhà tôi tạm thời nghỉ đi làm. Tôi tạm thời bớt nhung nhăng đi chợ ngắm trời đất hàng ngày. Thuộc thế hệ chơi trốn tìm trong hầm trú ẩn, nói thực, khi đọc tin dịch ở Vũ Hán, tôi đã đoán trước nó sẽ lây lan, nên học theo những người đàn bà của chúng ta bao đời, tôi đã tự chuẩn bị cho gia đình một lượng lương thực thực phẩm đủ dùng trong mười ngày theo khuyến cáo thường xuyên thường niên chứ không chỉ trong đúng dịp này của cơ quan quản lí khủng hoảng khẩn cấp ở Đức từ lâu rồi. Có thể còn hơn chút đỉnh và quan trọng là phù hợp với khẩu vị dưa cà mắm muối của mình. Do đó, tôi không phải băn khoăn tham gia vào những dịch vụ mua bán cuống quýt của hơi nhiều người mấy hôm vừa qua. Ngoài ra từ tết Nguyên đán tới giờ, biết tin dịch ở Vũ Hán, anh đừng cười, tôi còn cố đi tới một thư viện chuyên trị sách tiếng Việt mượn về một xe đẩy mấy chục cuốn với tôi là quan trọng, cần đọc nhuận, để chuẩn bị cho thời kì tránh dịch. Hiện tôi còn gần như tự cách li, tránh mọi nguy cơ lây nhiễm để không trở thành gánh nặng của ngành y tế lúc này. Cũng vì thế nhiều thời gian để loay hoay làm những việc trước cứ tự hẹn mà chưa làm, như là sửa tiếp một lần nữa một bản thảo, hay dọn lại tủ quần áo, hay là, có thể tôi sẽ đeo kính ngồi tự khâu một cái khẩu trang là cái bên này gần như chưa thấy ai đeo, nhưng nghe nói giờ cũng không mua được, phòng lúc đi mua bán gì đó.

Bà vừa nói tới việc tích trữ thực phẩm, vào thư viện mượn thêm sách khiến tôi cũng liên tưởng tới hôm vừa rồi, ở Hà Nội, rất nhiều người đổ xô ra chợ, cuống quýt vào siêu thị mua rất nhiều thực phẩm. Tôi muốn nghe thêm những phân tích từ góc nhìn của nhà văn đam mê nội trợ Lê Minh Hà?

- À không, tôi chưa bao giờ là một người đam mê các công việc mặc định là của đàn bà, nhưng tôi là vợ và là mẹ, và là dân thường ở nơi đang sống. Nghe khuyến cáo, cẩn trọng lúc này là để chủ động đời sống cho gia đình mình, cũng nhằm giảm gánh nặng dân sự cho những người sống quanh ta. Chuẩn bị vừa đủ cho tình thế khó khăn tạm thời chứ ai tích trữ được cho cả đời. Còn bao nhiêu người lúc khó khăn sẽ cần tới sự trợ giúp mà.

Thế nên tôi không cho là hay sự cẩn thận quá mức đẩy người ta tới chỗ liều thân lao vào chỗ thực ra rất dễ lây bệnh, giành giật mua bán, tích trữ và đầu cơ nhân danh bất kể cái gì, từ khẩu trang cho tới cân gạo cân bột, không để lại cho người khác những cơ hội vượt khó như mình. Nhìn cảnh đó thấy hãi hùng lắm, ở bất kể đâu.

Nhà văn Lê Minh Hà: Ở yên, tránh nhiều bất trắc - 2

Nhà văn Lê Minh Hà và con trai.

Trước dịch bệnh lần này, ở nhiều nơi xuất hiện sự kì thị. Ở nơi bà đang sống, điều ấy có xuất hiện không?

- Không, không hề, và tôi thấy lạ lùng khi đọc được trên báo chí những bài ta thán về sự bị kì thị do chủng tộc của mình. Sống ở đây bao nhiêu năm như một người dân thường, tôi cảm nhận sự tử tế của những người sống quanh tôi như là chuyện bình thường nhất. Tất nhiên, cộng đồng người không có nghĩa là cộng đồng của thánh nhân, nên nếu có chuyện nọ kia thì tôi rất hiếu kì để biết nó. Thực tế thì từ người thường cho tới người không thường đều hiểu thôi: sống không có nghĩa là một mình thở ra hít vào, sống chưa vì được nhau thì từng ngày vẫn phải học để sống với nhau.

Thưa nhà văn Lê Minh Hà, ở Berlin dịp này có nhiều kiều bào trở về hoặc muốn trở về Việt Nam không?

- Berlin là nơi tập trung đông bà con ta, có hẳn một cái chợ Đồng Xuân rất to. Nhưng tôi sống phía tây Berlin, không đông lắm, và do công việc cũng như cách sống, chúng tôi không tham dự nhiều vào các sinh hoạt cộng đồng. Tôi không biết rõ lắm chuyện bà con về tránh dịch như thế nào. Nhưng tôi tin ngoài một số sinh viên, học sinh hiện phải nghỉ học, một số người Việt điều kiện cư trú chưa thực ổn định, lúc này ngồi không khó tìm công việc làm thêm, hoặc là nhà rất giàu dù chưa tới mức có khả năng thuê chuyên cơ trở về nhưng đủ để dễ toan tính đổi hướng ra, những ai công việc và thu nhập ổn định, tức là có điều kiện cư trú lâu dài, hợp pháp rồi thì cũng không tính đến chuyện về.

Gần đây, khi Covid-19 diễn biến phức tạp và trước những đối phó với dịch bệnh khác nhau ở nhiều quốc gia, nhiều người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn, học tập ở nước ngoài đã trở về nước. Với tư cách một nhà văn xa xứ, bà bình luận như thế nào về việc này?

- Tôi suy nghĩ như một người dân thường thôi, không cần tư duy nghệ sĩ chỗ này. Cần phải phân biệt rõ: người Việt là đương kim công dân của nước Việt hay là người nước ngoài gốc Việt. Tôi vừa nói ở trên, việc trở về là quyền, quyết định riêng dựa trên điều kiện hoàn cảnh riêng của mỗi công dân.

Cũng có những người không phải là công dân Việt nữa vẫn về, nhưng không vì lí do chạy dịch ở châu Âu. Tôi biết một dịch giả tiếng Đức gạo cội, người Đức gốc Việt, thực sự là một quái nhân trưởng thành cùng hai nền văn hóa vừa rồi sang Đức được mấy hôm vì hội chợ sách mà gặp dịch phải vội bay về ngay, chấp nhận bị cách li. Vẫn có những trường hợp có những lí do bất khả kháng, với người tôi vừa kể, thì vì công việc, và có khi vì yêu chăng…

Sự trở về ấy, ở góc độ quốc gia, còn nói lên điều gì thưa bà?

- Ở góc độ quốc gia, không quốc gia nào được phép từ chối công dân của mình! Không những thế, phải bằng mọi giá cứu công dân của mình khỏi vùng nguy hiểm.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh cụ thể hiện giờ, tôi nghĩ chạy về Việt Nam để tránh dịch khi có thể ở lại - ví dụ như ở nước Đức này - thì thật kì quặc. Lúc này, mỗi người, nếu có thể ở đâu yên đó, sẽ tránh được nhiều bất trắc dọc đường, như nguy cơ lây nhiễm, tương lai bị cách li… cho chính mình, cũng là cho cộng đồng. Trong điều kiện Việt Nam, việc chặn dịch được tiến hành rất tốt, nhưng nước mình nghèo, gồng mãi lên làm sao? Thế nên, bớt gánh nặng cho nhà, cho nước được bao nhiêu thì bớt, vâng, nếu có thể. Ngoài ra, nếu xảy sự khó hơn, ví dụ như dịch bùng phát không thể chặn ngay tức thời như ở ta đang hết sức làm, thì tôi tin là điều kiện y học ở đây không thể kém ở Việt Nam, về là tăng nguy cơ lây nhiễm cho người ở nhà, giành mất cơ hội sống của người ở nhà, làm khó làm khổ thêm cho những người làm trong ngành y tế - những người mà lúc này, theo quan điểm của tôi, cần phải được chăm sóc bảo vệ đầu tiên. Họ không sống thì ai cứu chúng ta.

Đôi ba người được coi là trí thức hẳn hoi đang gào thét phê phán nhà nước nhận người Việt trở về. Người Việt – những ai vừa bay về ngay trong tuần vừa qua là đương kim công dân Việt Nam, không là công dân làm sao nhập cảnh, thế mà hoặc đòi thiêu sống họ, hoặc đặt họ vào thế đối lập đối kháng với lí do bỏ nước để mưu cầu hạnh phúc riêng rồi gặp khó trở về ăn vạ quê hương thì nói thật, đáng ghê sợ. Cứ như tinh thần thời trung cổ hiện sinh vậy.

Trong cơn đại dịch lần này, bà có ý định về Việt Nam không?

- Ồ không, tôi có muốn cũng không được, vì không thể xin giấy miễn thị thực được nữa rồi (Cười). Với lại, tôi dại gì biến mình trở thành gánh nặng của quê hương.

Thưa nhà văn Lê Minh Hà, ở đầu cuộc trò chuyện này bà có nói đến sức mạnh của virus corona chủng mới khi nó làm khuynh đảo thế giới, khiến nhiều quốc gia phải xác định đây là một cuộc chiến, và nó sẽ định dạng lại lối sống của con người. Trong tư cách của nhà văn, bà có định viết gì về câu chuyện của ngày tháng này?

- Tôi không biết. Đời sống đi qua, đọng lại, trở thành một xung động thật sự trong cảm thức thì lúc đó mới có thể viết, hoặc không thể không viết, vâng, luôn luôn như thế đối với một người viết thực sự và xứng đáng là nhà văn. Như Phương Phương trong tâm dịch Vũ Hán. Như, tôi tin là còn như thế với nhiều nhà văn nữa sau cơn địa chấn toàn thế giới này. Nhưng, có tôi trong đó không, thú thực tôi không biết. Vào đúng lúc này, tôi quan tâm tới các thông tin công khai, minh bạch, trong suốt về đời sống trong cơn biến dịch nhiều hơn.

Nhà văn Lê Minh Hà: Ở yên, tránh nhiều bất trắc - 3

Nhà văn Lê Minh Hà trong những ngày ở nhà “tự cách ly”.

Dù sống xa Tổ quốc, nhưng đọc văn của Lê Minh Hà, độc giả có thể thấy một nỗi hoài nhớ những câu chuyện cũ, những tháng năm xưa. Ký ức có vẻ như một món nợ đối với bà?

- Không, tôi không nợ nần gì mình cả trong quan hệ với quá khứ. Ký ức, thành thật nhé, chỉ là một dạng hối đoái để tôi giao dịch với hiện tại thôi. Không có kí ức, tôi không thể đánh giá được thực tại, tiên cảm về tương lai. Kí ức là một gánh nặng, nhưng cũng là quà trời không chia đều cho tất cả. Nghĩa vụ của mỗi người nhận được khả năng biết nhớ ấy là chia sẻ tiếp. Đối diện với thực tại, chúng ta cần kí ức, rất cần.

“Vọng” - tác phẩm mới của bà cũng là tiếng vọng của ký ức, và vẫn trong một tinh thần “lụy tiếng Việt”?

- Cũng có thể là tiếng vọng của đời sống chúng ta đang sống chăng? Dội ngược trở lại quá khứ, tất nhiên, qua tôi, luôn luôn trong tinh thần “lụy tiếng Việt”. Nhưng mà sao anh biết, bản thảo chắc tôi còn phải sửa dăm bảy lần nữa, đã in đâu (Cười).

Tôi cũng có nguồn tin riêng của mình mà… Nói vui vậy thôi, nhưng tôi cũng muốn hỏi thêm rằng, bà vốn là một nhà giáo, thế thì, trong gia đình bà ở Đức hiện nay, tiếng Việt được sử dụng như thế nào?

- Chúng tôi giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt, tất nhiên, có chấp nhận chuyện ngữ điệu không thuần Việt của bọn trẻ cũng như sự cả nhà độn tiếng Đức khi nói, kiểu ghế cơm với ngô khoai lúc thiếu đói của các cụ ngày xưa.

Cuốn sách mới đây của bà vừa xuất bản ở Việt Nam - cuốn “Chuyện mẹ, chuyện con” - cho độc giả thấy những câu chuyện về giáo dục của bà với con cái. Bà có thể chia sẻ về sự kết hợp như thế nào giữa hai cách giáo dục của Việt Nam và Đức, trong chuyện giáo dục con cái?

- Xin làm rõ ngay: mục đích của tôi khi viết cuốn sách, tiếp nối cuốn “Chơi nhiều hết mệt” in ở NXB Trẻ mấy năm trước là ghi chép lại cách thức trẻ con được đào luyện thành người bình thường, trên quan điểm giáo dục rất thực tế của xứ rõ ràng là phát triển này. Ở thời đoạn này, như thế giáo dục Đức có vẻ thua giáo dục Việt Nam ta vốn coi trọng việc tạo ra những cá thể thần đồng hoặc sắp thành thần đồng. Tôi là người bình thường, luôn mong được sống bình thường, và còn mong cho con mình được bình thường hơn thế. Thế nên tôi để tâm quan sát và ghi chép, vừa là nhật kí gia đình cho từng cháu, vừa là để làm đối chứng cho riêng mình, trị chứng lẫn sẽ về theo tuổi, rồi chia sẻ tiếp cho những ai quan tâm và cùng quan điểm với mình khi nuôi dạy con cái, vậy thôi.

Trân trọng cảm ơn nhà văn Lê Minh Hà!

Nguyễn Thanh Bình (thực hiện)